30% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí lót tay
VCCI cho biết chi phí lót tay trong thanh tra, kiểm tra thuế đã giảm nhưng vẫn có 30% doanh nghiệp cho biết phải trả khoản này cho cán bộ thanh tra.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)vừa công bố báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết về cải cách môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chi phí thực hiện thủ tục hành chính của doanh nghiệp qua các năm.
30% doanh nghiệp phải trả chi phí lót tay
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam dẫn kết quả khảo sát trên 10.000 doanh nghiệp cho biết chi phí lót tay trong thanh tra, kiểm tra thuế dù đã giảm nhưng vẫn chưa cải thiện nhiều khi có 30% doanh nghiệp cho biết vẫn phải trả khoản này cho cán bộ thanh tra, hơn nữa vẫn có 33% doanh nghiệp được hỏi cho rằng cán bộ suy diễn bất lợi cho đơn vị.
Theo ông Tuấn, nguyên nhân có phần trách nhiệm của doanh nghiệp, khi bị phát hiện sai phạm thì muốn giảm nhẹ tội nên lót tay cho cán bộ.
Cũng theo báo cáo của VCCI, tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng vẫn là khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp, cản trở lớn nhất là điều kiện vay vốn phải có tài sản thế chấp (86% doanh nghiệp đồng ý). Trong khi đó, gần 40% doanh nghiệp được khảo sát cho biết phải bồi dưỡng cán bộ ngân hàng nếu muốn vay được vốn.
Các kết quả khảo sát cho thấy chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng giảm trong nhiều năm qua. Đây là kết quả phản ánh tích cực các nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính.
Dù vậy, theo ông Tuấn vấn đề thủ tục giấy tờ phức tạp vẫn là vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp gặp phải khi chỉ có 56,9% các doanh nghiệp có nhận định rằng thủ tục giấy tờ là đơn giản.
Khả năng dự đoán chính sách suy giảm
Một trong những nguyên tắc được nhấn mạnh của Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, là các cơ quan nhà nước phải bảo đảm sự ổn định, nhất quán và dễ dự báo của chính sách.
Dẫn kết quả điều tra PCI, ông Tuấn cho biết các doanh nghiệp cho rằng khả năng dự đoán thay đổi chính sách đối với quy định pháp luật của Trung ương có xu hướng giảm trong các năm qua.
“Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ luôn luôn hoặc thường xuyên dự đoán được thay đổi chính sách giảm từ mức 16% trong năm 2014 xuống còn 5% trong năm 2018. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được nội dung chính sách tăng từ mức 42% trong năm 2014 lên mức 67% trong năm 2018. Sự suy giảm khả năng dự đoán chính sách này là xu hướng trong 5 năm qua. Đây là một thực tế rất đáng quan ngại về môi trường đầu tư tại Việt Nam”, ông Tuấn đánh giá.
Không chỉ có sự suy giảm về khả năng dự đoán nội dung chính sách, ông Tuấn còn chỉ ra sự suy giảm về khả năng dự đoán việc thực thi chính sách của các cơ quan nhà nước. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ luôn luôn hoặc thường xuyên dự đoán được việc thực thi các quy định pháp luật của cơ quan nhà nước giảm từ mức 9% năm 2014 xuống mức 6% trong năm 2018.
Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được việc thực thi chính sách cũng tăng từ mức 61% lên mức 67%.
“Như vậy, có sự thay đổi khá nhất quán về khả năng dự đoán môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, cả về nội dung chính sách lẫn thực thi chính sách. Nguyên tắc của Nghị quyết 35 về việc các cơ quan nhà nước phải bảo đảm sự ổn định, nhất quán và dễ dự báo của chính sách đang gặp nhiều thách thức”, ông Tuấn nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận