3 rủi ro cân nhắc cho kế hoạch tích sản hưu trí
Tích sản Hưu trí là một thói quen vô cùng quan trọng bạn cần thiết lập ngay từ khi còn trẻ. Nó là một khoản chi bạn phải trích thẳng từ thu nhập hàng tháng, với số tiền có thể bắt đầu rất khiêm tốn, nhưng thói quen biết coi việc Tích Sản Hưu trí như một khoản phải trích ra từ thu nhập, sẽ giúp bạn có được sự bảo hiểm an toàn cho Sức khỏe tài chính khi về già.
Hiện nay ở thị trường có rất nhiều lựa chọn cho Hưu trí nhưng bạn cần nắm rõ 3 rủi ro sau đây:
1. Rủi ro thực thi
Khi đã có kế hoạch thực hiện hưu trí thì hãy cam kết với bản thân mình là luôn thực hiện một cách đều đặn và đừng bỏ cuộc. Có rất nhiều người có thể thực hiện một vài tháng, một vài năm nhưng tích sản hưu trí lại là một chặng đường tích lũy đều đặn và dài hạn phải từ 15 – 20 năm để bạn có thể đạt được mức độ lợi nhuận từ đầu tư tốt nhất. Bí mật của Tích sản hưu trí chính là thói quen tích lũy với số tiền nhỏ, cộng với lãi kép sẽ cho ra kết quả tuyệt vời cho bạn sau một thời gian đủ dài.
Một mẹo nhỏ trong quá trình thực hiện đó là hãy cài đặt trong tài khoản ngân hàng của bạn ngay khi nhận lương và cài một lệnh mặc định tự động để chuyển tiền vào tài khoản tích sản hưu trí. Việc tự động hoá công tác chuyển tiền sẽ làm bạn không phải nghĩ nhiều về việc có nên dành khoản tiền đó cho các mục đích khác ha không, đồng thời cũng rèn luyện thói quen tích luỹ cho bản thân.
Ngoài ra nếu có rủi ro xảy ra mà nguồn thu nhập ổn định của bạn bị ảnh hưởng và bạn không thể thực hiện được và bị gián đoạn một thời gian, thì tài sản bạn tích lũy phải vẫn là của bạn và không bị mất quyền được góp tiếp sau khi bạn khôi phục lại được điều kiện thu nhập. Hình thức tự thiết lập một tài khoản tích sản hưu trí để tự quản đầu tư sẽ giúp bạn có nhiều sự linh hoạt và giảm thiểu được rủi ro này, thay cho hình thức Bảo hiểm nhân thọ và các hình thức bắt buộc tự động khác.
2. Rủi ro phân bổ tài sản
Đặc thù của kế hoạch tích sản hưu trí đó là cần thời gian dài để tích lũy, có thể là 10, 15 hoặc 20 năm. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn bỏ ra 20 năm tích lũy và số tiền đó không được bỏ vào các tài sản có chất lượng tốt, có khả năng tận dụng được lãi kép để tài sản được sinh sôi nảy nở hoặc tệ hơn nữa là vốn của bạn bị hao hụt đi theo năm tháng. Tài sản phân bổ vào Danh mục tích sản hưu trí thường là chứng chỉ quỹ cổ phiếu, quỹ chỉ số và chứng chỉ quỹ trái phiếu với tỷ lệ phân bổ phù hợp theo thời gian bạn có thể tích lũy đến lúc về hưu. Bạn cần chọn những loại tài sản có tính bảo vệ an toàn cao về mặt dài hạn, và với cách đầu tư đều đặn trung bình trong một thời gian dài, các quỹ chỉ số thường sẽ vượt được các cơ hội đầu tư đơn lẻ ngắn hạn. Điều này đã được thực chứng ở hầu hết tất cả các thị trường quốc tế và khu vực. Vì vậy, chứng chỉ quỹ là lựa chọn tối ưu cho Tích sản hưu trí.
3. Rủi ro thị trường
Sau khi bạn đã tìm hiểu về các tài sản dự tính tích lũy và phân bổ, bước tiếp theo đó là hành động, mua tài sản đó. Với các tài sản là chứng khoán, việc biến động giá của tài sản theo thị trường là chuyện không thể tránh khỏi ở giai đoạn tích lũy ban đầu. Tuy nhiên, bạn đừng sợ hãi, vì nếu thị trường lên thì bạn đã có tài sản tích lũy đã được mua từ trước, thị trường xuống bạn lại có cơ hội được tích lũy giá tốt hơn. Giá trị tài sản của bạn sẽ được biểu hiện theo trung bình giá của xu thế tăng trưởng của cả thị trường ở tương lai và đừng chỉ vì biến động ngắn hạn của thị trường mà sợ hãi. Nhu một cây cổ thụ, thói quen chăm dưỡng cho tài khoản tích sản hưu trí đều đặn sẽ cho bạn một Cây khỏe mạnh xanh tốt và cho bạn bóng mát an tâm khi bạn về già. Hãy yêu Bạn của 10 – 20 hay 30 năm sau nhé!
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận