24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Tô Mai Hương
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

3 lưu ý khi phát hành thẻ tín dụng nhằm tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt

Tâm lý chủ quan, dễ dãi và thiếu kỹ năng cần thiết khi thực hiện các giao dịch tiền gửi, tiền vay là một trong những nguyên nhân tạo điều kiện cho đối tượng phạm tội qua mặt được cả ngân hàng và khách hàng.

Bị lừa đảo vì “ủng hộ chỉ tiêu”

Mới đây, theo tường thuật của chị T (Hà Nội) trên một diễn đàn, một hàng xóm tên N thuê nhà ở cùng chung cư với chị đã chủ động giới thiệu mình làm việc ở Công ty tài chính V. N cho biết hiện nay đang bị áp lực giao chỉ tiêu cho vay và phát hành thẻ tín dụng nên nhờ chị T ủng hộ chỉ tiêu.

Sau khi nghe N trình bày: “Chị không phải làm gì hết, em sẽ hoàn thiện hết thủ tục cho chị”, chị T đã đồng ý mở thẻ tín dụng tại Công ty tài chính V.

Quá trình điền thông tin vào đơn xin phát hành thẻ tín dụng, đối tượng N đã nhiệt tình hướng dẫn chị T ký sẵn vào 2 đơn xin phát hành thẻ tín dụng với lý do nếu ghi sai sẽ có sẵn tờ thay thế. Do tin tưởng N và cũng không lường trước được các rủi ro có thể xảy ra, chị T đã ký vào cả hai đơn xin phát hành thẻ tín dụng và giao cho N.

Hơn một tuần sau, khi không thấy N liên lạc lại và giao thẻ như đã hứa, chị T vội liên hệ với Công ty tài chính V thì được biết thẻ tín dụng của chị đã được cấp và đã phát sinh giao dịch thanh toán 30 triệu đồng. Chị T tá hỏa gọi cho N thì không liên lạc được, và N cũng đã dọn khỏi căn hộ thuê cùng chung cư từ mấy hôm trước...

Tại sao khách hàng tiếp tục bị lừa?

Trên thực tế, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng thông qua thẻ tín dụng đã xuất hiện từ nhiều năm trước. Điểm chung trong nhiều vụ việc trên là người giả danh nhân viên ngân hàng đã lợi dụng sự tin tưởng và thiếu hiểu biết của khách hàng nhằm "qua mặt" ngân hàng và chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Về quy trình, sau khi nhận đủ hồ sơ phát hành thẻ tín dụng, các ngân hàng sẽ liên lạc lại với khách hàng theo số điện thoại được ghi trong đơn xin phát hành thẻ để xác minh thông tin. Ngoài ra, số điện thoại trên cũng sẽ được ngân hàng cập nhật vào hệ thống để gửi tin nhắn thông báo các giao dịch phát sinh của chủ thẻ.

Như vậy, mấu chốt trong các sự việc trên là đối tượng đã bằng nhiều cách thay đổi số điện thoại của khách hàng nhằm qua mặt ngân hàng và khách hàng. Khi ngân hàng liên lạc với số điện thoại trong hồ sơ để xác minh thông tin, đối tượng đã giả danh chủ thẻ để xác nhận thông tin. Ngoài ra, đối tượng lừa đảo cũng thay đổi địa chỉ nhận thẻ tín dụng để khi ngân hàng giao thẻ thì chiếm đoạt luôn của khách hàng.

Về phía khách hàng, tâm lý chủ quan, dễ dãi và thiếu kỹ năng cần thiết khi thực hiện các giao dịch với ngân hàng cũng là một trong những nguyên nhân tạo điều kiện cho đối tượng thực hiện được hành vi lừa đảo.

3 lưu ý khi phát hành thẻ tín dụng

Trên thị trường hiện nay, phần lớn các ngân hàng đều có sản phẩm phát hành thẻ tín dụng dưới hình thức tín chấp với các thủ tục hết sức đơn giản. Mặc dù vậy, khi có nhu cầu phát hành thẻ tín dụng, khách hàng cần đặc biệt lưu ý tới 3 nguyên tắc sau.

Thứ nhất, nên ký hồ sơ vay vốn, phát hành thẻ tín dụng, gửi tiền tại trụ sở ngân hàng, công ty tài chính nơi phát hành thẻ, gửi tiền.

Hiện nay, để đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng, một số ngân hàng, công ty tài chính cho phép khách hàng ký hồ sơ phát hành thẻ ngoài trụ sở, sau đó nhân viên mang về hoàn thiện thủ tục. Việc làm trên tạo ra những rủi ro nhất định cho khách hàng khi có thể bị lợi dụng thay đổi thông tin, chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, việc ký hồ sơ, chứng từ tại trụ sở ngân hàng cũng sẽ giúp khách hàng hạn chế việc có thể bị lợi dụng thay đổi thông tin, chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh đó, việc ký hồ sơ, chứng từ tại ngân hàng có thể giúp khách hàng phát hiện nhân viên tư vấn có phải nhân viên chính thức không, hay mạo danh nhân viên ngân hàng.

Thứ hai, cần xem xét kỹ các nội dung liên quan trong đơn, hồ sơ phát hành thẻ tín dụng.

Đối với hồ sơ phát hành thẻ tín dụng, cần đặc biệt lưu ý đến các mục như hạn mức tín dụng, địa chỉ nhận thẻ tín dụng, số điện thoại liên lạc và hạn mức cấp cho thẻ phụ (nếu có).

Việc nắm chắc các thông tin trên sẽ giúp khách hàng kiểm soát được rủi ro có thể sảy ra cũng như kiểm soát được chi tiêu theo nhu cầu mua sắm của bản thân.

Thứ ba, không ký bất kỳ hồ sơ, chứng từ nào để trống khi chưa biết nội dung.

Trong mọi trường hợp, khách hàng không nên ký sẵn vào hồ sơ, chứng từ để trống theo hướng dẫn của nhân viên tư vấn. Việc ký khống vào chứng từ để trống sẽ tạo rủi ro tiềm ẩn khi có thể bị đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi phạm tội như thay đổi hạn mức tín dụng, rút tiền từ thẻ tín dụng của khách hàng...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả