3 dự án được đề nghị ra khỏi danh sách thua lỗ, yếu kém ngành Công thương
3 dự án: DAP-1 Hải Phòng, Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhiên liệu sinh học Bình Phước được xem xét ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ, yếu kém ngành Công Thương.
Ngày 19/8, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém một số dự án chậm tiến độ ngành công thương đã chủ trì phiên họp thứ 11 của Ban chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém các dự án chậm tiến độ, thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương.
Phó thủ tướng nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải phấn đấu hoàn thành xử lý 12 dự án, doanh nghiệp trong năm 2020, chậm nhất đến nửa đầu năm 2021.
"Phương án xử lý phải khả thi theo nguyên tắc các doanh nghiệp, chủ đầu tư chủ động, chịu trách nhiệm xử lý theo thị trường, Nhà nước không cấp thêm vốn vào dự án, bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, quyền lợi của người lao động, an ninh và an toàn xã hội. Quá trình xử lý phải nhìn thẳng vào thực trạng hiện nay của dự án, doanh nghiệp, không đùn đẩy trách nhiệm trong vấn đề này.…", ông nói.
Theo đó, Ban chỉ đạo thống nhất và sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trong tháng 8 đưa 3 dự án, gồm DAP-1 Hải Phòng, Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhiên liệu sinh học Bình Phước ra khỏi diện theo dõi, xử lý các dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương.
Các tập đoàn, tổng công ty quản lý, chủ đầu tư các dự án này sẽ chịu trách nhiệm toàn diện việc xử lý, bảo đảm phù hợp quy định pháp luật. Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước sẽ giám sát quá trình xử lý của các tập đoàn, tổng công ty tại các dự án này.
Hiện nay, còn 5 dự án có tranh chấp, vướng mắc trong xử lý quyết toán hợp đồng EPC với nhà thầu Trung Quốc, gồm: dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai, dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc, Nhà máy đạm Ninh Bình, Nhà máy công nghiệp tàu thủy Dung Quất và dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên.
Đối với việc xử lý, quyết toán các hợp đồng EPC của 5 dự án, doanh nghiệp, cần phải xử lý dứt điểm các tranh chấp hợp đồng này theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Trong đó chủ đầu tư, tập đoàn, tổng công ty phải đánh giá, xem xét kỹ các phương án xử lý khả thi và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2020, làm cơ sở cơ cấu lại, bán vốn, thoái vốn, làm rõ và xử lý những sai phạm, vi phạm...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận