3 dấu vết tài sản của một doanh nghiệp "Đểu"
Hôm qua đọc được bài viết OGC muốn xoá toàn bộ nợ xấu và làm sạch vết báo cáo tài chính. Chưa biết mục đích là gì, nó còn tuỳ thuộc vào ý đồ của người cầm trịch cuộc chơi nên miễn bình luận. Tuy nhiên đằng sau con số đó là không ít nước mắt của những cổ đông đã tin tưởng vào OGC phải gánh chịu. Tiền của mình, của gia đình mình thì tốt nhất là chúng ta phải tỉnh táo mà bảo vệ nó.
Hôm nay vợ làm món Vịt nấu Chao nên gia đình lại tốn mấy lon bia và ngứa nghề nên viết mấy lời về gian lận tài chính. Bài hôm nay sẽ nói về 3 vết tích rõ nhất nằm ngay trên khoản mục tài sản mà nếu xuất hiện bạn cần phải tránh xa cổ phiếu đó càng xa càng tốt. Mình chẳng biết bạn theo trường phái nào, thể loại gì, yêu hay ghét mình, nhưng mình tin nó cứu được kha khá lỗi đau vô ích.
(1) Quá nhiều tiền mặt một cách phi lý.
Nhiều bạn thích nói về các doanh nghiệp có nhiều tiền, có người còn coi đó là tiêu chí lựa chọn cổ phiếu đầu tư. Nhưng bạn không hiểu rằng "Tài sản càng thanh khoản, càng dễ làm giả" và thứ có thanh khoản cao nhất chính là tiền mặt. Nói không quá chứ nếu bạn thích, mình có thể tạo cho bạn một công ty và kê khống trăm tỷ tiền mặt với chi phí bỏ ra chỉ tốn vài "củ khoai".
Cánh "chân đất" như mình ngoái vài cái là được thì huống chi mấy anh chủ tịch của các tập đoàn hàng ngàn tỷ với cái đầu toàn sạn.
Sự xấu xa nhất sẽ theo thứ tự thế này: Tiền mặt trong két (chỉ tốn đúng 5s để làm giả và chả tốn tí chi phí nào), Tiền gửi kỳ hạn < 3 tháng (tốn 5 phút ký tá và tí xăng xe chạy ra Bank), .... Cứ thế, tiền gửi càng dài thì càng an tâm vì chi phí làm giả càng cao và quy trình xử lý càng phức tạp. Tốt nhất là tiền gửi Bank thì phải là kỳ hạn 1 năm và cứ ăn chắc rà thêm lưu chuyển tiền đầu tư để tra soát thêm quy mô nạp rút vào Bank.
Nếu đến đây bạn vẫn chưa tin mình, hãy ngồi lọc thử những cổ phiếu có tiền mặt ròng nhiều nhất và tự kiểm định. Sẵn tiện nguyên cứu thêm vụ gần 800 tỷ đồng tiền mặt của JVC sau một đêm còn đúng "cái nịt" là hiểu. Người tử tế và yêu nghề chẳng ai huy động và rồi treo cả đống tiền "trên cổng thành" cả.
(2) Khoản phải thu cũng có "this" có "that".
Năm 2008-2010 khi mới vào nghề mình bị ám ảnh với tư duy "khoản phải thu nhiều chắc chắn là giả". Sau này ngài thị trường dạy cho nhiều bài học mới thấu hiểu được rằng, khoản phải thu cũng có khoản này khoản kia. Có những khoản phải thu là mầm mống cho tăng trưởng cho doanh nghiệp (tỷ dụ như: môi giới bất động sản, xây dựng,...) nhưng cũng có những khoản phải thu mà bạn phải cực kỳ cẩn trọng
Dưới đây là 3 khoản phải thu mà khi nó chiếm trọng số nhiều, không cần đọc sâu hơn, bạn cứ vứt ngay doanh nghiệp đó cho mình:
- Thứ nhất: Trả trước cho người bán. Làm giả khoản mục này về cơ bản chả tốn chi phí gì, về thời gian thì chỉ mất vài giây ký hợp đồng. 10 doanh nghiệp làm giả khoản phải thu thì có tới 7-8 ông dùng cái chiêu này. Ngon bổ rẻ.
- Thứ nhì: Hợp tác đầu tư. Chiêu này còn lợi hại hơn chiêu bên trên nhiều, vừa ngon vừa bổ vừa rẻ nhưng lại vừa làm được quy mô lớn mà cổ đông cũng chẳng "động chạm" đến được, các dự án hợp tác đầu tư thì đều là bảo mật thông tin hoặc ở vùng sâu vùng xa, khỉ ho cò gáy.
- Thứ ba: Các khoản cho vay. Chiêu này cũng nhanh gọn lẹ khi chỉ tốn chút thời gian làm hợp đồng và tốn tí tiền lãi vay tượng trưng nếu mấy anh Thuế cằn nhằn. Chiêu này thì cũng làm được với quy mô lớn nhưng cho vay nhiều giải thích với cổ đông cũng đến mệt.
Bạn thử xem lại những case kinh điển liên quan đến khoản phải thu như: DVD, KSA, VHG, OGC, HAG,..... Ông nào mà chả dính đến ít nhất là 1 trong 3 cái bên trên, có ông còn bí quá múc cả 3 đến khi vỡ trận thì ban lãnh đạo gia nhập câu lạc bộ Juventus còn cổ đông thì chỉ biết cắn răng "đầu tư dài hạn".
(3) Đầu tư tài chính ầm ầm.
Khoảng 5 năm nay, giới đầu tư Việt Nam không còn lạ với mô hình Holding. Những doanh nghiệp này chẳng sản xuất cái gì, cũng chẳng bán cái gì cả, họ chỉ "ký sinh trùng dài hạn" vào những doanh nghiệp ăn lên làm ra. Đây là dạng doanh nghiệp đúng kiểu "không làm mà vẫn có ăn".
Chính sự hấp dẫn và có phần rối rắm của mô hình này nên có hàng tá chủ tịch vẽ ra đủ các cơ hội đầu tư tài chính dài hạn vào hàng tá các công ty từ OTC cho đến niêm yết.
Với một nhà đầu tư bình thường thì ngay cả phân tích một doanh nghiệp đại chúng với đầy đủ các số liệu và công bố thông tin đầy đủ cũng là công việc rất khó nhai, đằng này lại là hàng chục công ty chưa đại chúng không hề có tí số liệu tài chính nào thì đúng là cực kỳ nguy hiểm và dễ dàng bị dắt mũi.
Chìa khoá ở đây là: Tránh xa những doanh nghiệp có tỷ trọng đầu tư tài chính dài hạn nhiều vào các công ty khác, đặc biệt là các công ty tư nhân không đại chúng, cảnh báo đỏ nếu những công ty này có mối quan hệ với ban lãnh đạo hoặc có giao dịch thương mại với doanh nghiệp bạn đang bóc tách. Chú ý thêm những khoản đầu tư vào những doanh nghiệp vốn điều lệ vài ngàn tỷ ở những vùng quê tỉnh lẻ. Mấy cái vùng chó ăn đá, gà ăn sỏi ấy thì hấp thụ sao nổi dự án vài ngàn tỷ.
Thử đọc báo cáo tài chính của: FLC, NHP, VHG, ..... và so sánh với báo cáo tài chính của những doanh nghiệp holding thực thụ như: REE, VEA,... bạn sẽ thấy sự khác nhau rất lớn về danh mục đầu tư và tính minh bạch trong cung cấp thông tin các khoản đầu tư.
Nhìn chung là có nhiều cách để phát hiện gian lận và đọc càng sâu thì sẽ càng có kinh nghiệm ngửi mùi những pha thế này, tuy nhiên nếu phải nhìn nhanh ngay trên tài sản thì mình tin 3 key bên trên đã hỗ trợ bạn được kha khá.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận