24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Long
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

3/4 nền kinh tế lớn nhất thế giới muốn các nhà máy tháo chạy khỏi TQ, 2 đảng ở Mỹ hiếm hoi thống nhất ý kiến

Những động thái này sẽ không phải là mối đe dọa ngay lập tức cho kinh tế Trung Quốc nhưng chúng sẽ trở thành mối thách thức đáng lưu tâm trong dài hạn.

Các nền kinh tế muốn các nhà máy tháo chạy khỏi TQ

Chỉ trong hai tuần, các chính khách thuộc ba trong số bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thảo luận kế hoạch rút các doanh nghiệp khỏi Trung Quốc, sau khi nguồn cung từ Trung Quốc bị giảm sút nghiêm trọng do dịch COVID-19.

Tờ Politico đưa tin, ngày 21/4 vừa qua, Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu Phil Hogan cho biết, tổ chức này sẽ tìm cách “giảm bớt sự phụ thuộc thương mại” sau đại dịch. Tuần trước, chính phủ Nhật Bản đã công bố một quỹ trị giá 2,2 tỷ USD để khuyến khích các công ty sản xuất Nhật Bản chuyển hoạt động kinh doanh về trong nước hoặc thậm chí chuyển đến các nước Đông Nam Á, miễn là họ rời khỏi Trung Quốc.

Trước đó Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, Larry Kudlow, nói rằng Washington nên trả chi phí di chuyển hoạt động sản xuất của các công ty Mỹ ra khỏi Trung Quốc. “Tôi nghĩ chính phủ nên chi trả 100% chi phí di chuyển nhà máy, thiết bị, tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp khi di dời”, ông Kudlow chia sẻ với hãng Fox News. Tuy nhiên, nước Mỹ hiện chưa công bố chương trình di dời nào cho doanh nghiệp.

Áp lực dịch chuyển ngày càng lớn khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc càng khiến cho thế giới nhận thấy rõ sự phụ thuộc vào các sản phẩm do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm y tế thiết yếu.

Ông Michael Alkire, Chủ tịch công ty cung cấp vật tư y tế Premier, đã xác định được 22 mặt hàng quần áo bảo hộ và 30 loại thuốc quan trọng cần phải được sản xuất tại Mỹ, ngay cả khi virus corona vẫn lây lan mạnh tại các thành phố. Hiện tại, những mặt hàng này đang được sản xuất tại Trung Quốc, quốc gia đứng đầu thế giới về năng lực sản xuất thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE), dược phẩm...

Chi phí sản xuất khẩu trang N95 ở nước ngoài trước khi xảy ra đại dịch là khoảng 30 cent Mỹ so với mức chi phí 34-36 cent tại Mỹ. Quan sát mức độ lây bệnh khủng khiếp tại thành phố New York hiện nay, chúng ta nên dịch chuyển chuỗi cung ứng sau đại dịch”, ông Michael Alkire nói.

Ông Scott Paul, Chủ tịch Liên minh sản xuất Mỹ nhận định: “Tôi nghĩ rằng xu hướng dịch chuyển đang tăng tốc nhưng chúng ta chưa biết sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp đưa hoạt động về trong nước. Nhưng tôi tin rằng xu thế rút khỏi Trung Quốc để đầu tư vào những quốc gia khác sẽ tiếp tục diễn ra”.

Đối với Trung Quốc, xu thế dịch chuyển này sẽ trở thành một vấn đề cần giải quyết.

Ông Li Xunlei, cố vấn chính phủ Trung Quốc kiêm nhà kinh tế trưởng của Zhongtai Securities, cho biết, những động thái trên sẽ không phải là mối đe dọa ngay lập tức cho kinh tế Trung Quốc nhưng chúng sẽ trở thành mối thách thức đáng lưu tâm trong dài hạn.

Sự gián đoạn gây ra bởi đại dịch COVID-19 đã buộc các công ty nước ngoài tìm kiếm nguồn cung cấp nội địa, và sự thiếu hụt PPE cũng khiến người dân cảm thấy hối tiếc về việc không sản xuất ngay ở các nước phát triển”, ông Li nói.

3/4 nền kinh tế lớn nhất thế giới muốn các nhà máy tháo chạy khỏi TQ, 2 đảng ở Mỹ hiếm hoi thống nhất ý kiến

Nhiều ý kiến cho Đối với Trung Quốc, xu thế dịch chuyển này sẽ trở thành một vấn đề cần giải quyết. Ảnh minh họa

Cái nhìn trái chiều của người trong cuộc

Đại dịch Covid-19 khởi phát đầu tiên tại Trung Quốc và nước này cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới hứng chịu tác động lớn về mặt kinh tế của đại dịch này. Nhưng điều đó có nghĩa là Trung Quốc cũng là quốc gia đầu tiên hồi phục phần lớn các hoạt động kinh tế, xuất khẩu hàng tỉ khẩu trang và các mặt hàng PPE cho các nước khác, trong khi nguồn cung các sản phẩm tại các nước này đang thiếu hụt nghiêm trọng do dịch bệnh.

70% lượng khẩu trang được sử dụng tại Mỹ do Trung Quốc sản xuất, sản lượng thuốc cũng chiếm tỉ lệ tương tự. Nhu cầu giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp dược phẩm và PPE xuất phát từ những lo ngại ngày càng tăng về sức mạnh kinh tế, ngoại giao và quân sự của Trung Quốc. Điều này thể hiện qua sự ra đời của một loạt các dự luật Quốc hội Mỹ đề xuất.

Một dự luật do Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio đề xuất tháng trước yêu cầu nước Mỹ giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Dự luật này đã thu hút được sự ủng hộ từ ba thượng nghị sĩ đảng Dân chủ.

Theo SCMP, một lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc là một vấn đề hiếm hoi được cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa thống nhất quan điểm trong những ngày này. “Khi nước Mỹ hồi phục sau cuộc khủng hoảng chưa từng có này, chúng ta sẽ giải quyết những rủi ro mang tính hệ thống và rủi ro từ chuỗi cung ứng mà đại dịch mang đến. Thật không may là phải cần đến một đại dịch mới để thấy rõ hậu quả của việc chuyển các cơ sở công nghiệp của chúng ta sang các nước như Trung Quốc", Thượng nghị sĩ Rubio phát biểu.

Tháng trước, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton cũng đề xuất dự luật cấm tài trợ từ liên bang cho lĩnh vực dược phẩm, nguyên liệu do Trung Quốc sản xuất và áp đặt các quy định nghiêm ngặt về ghi nhãn xuất xứ.

Theo Chỉ số Reshoring 2019 được công bố đầu tháng này của công ty tư vấn Kearney, đại dịch COVID-19 đang khiến cho các công ty Mỹ phải suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng của mình. “Những bài học mà chúng ta phải rút ra từ đại dịch Covid-19 rất quan trọng vì chúng ta phải trả những cái giá quá lớn. Chúng ta hy vọng ít nhất giới doanh nghiệp sẽ phân chia rủi ro nhiều hơn thay vì đặt tất cả trứng vào những chiếc rổ có giá thành rẻ nhất, như nhiều công ty đang làm ở Trung Quốc hiện nay”, báo cáo hãng Kearney viết.

Nhưng đối với các loại hàng hóa khác, các nhà phân tích kinh tế lại đưa ra ý kiến khác. Ông Mats Harborn, Giám đốc điều hành hãng sản xuất xe Scania Thụy Điển, chi nhánh Trung Quốc nói rằng, “có rất nhiều cuộc thảo luận về chuỗi cung ứng và đa dạng hóa, nhưng không có cuộc thảo luận nào về việc di chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc”.

Một cuộc khảo sát các thành viên của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải trong tháng này cho thấy, 70% thành viên không nghĩ đến việc di chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc do lo ngại dịch COVID-19.

Nhiều thành viên mong muốn ở lại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới để cung cấp hàng hóa cho thị trường nội địa 1,4 tỷ người tiêu dùng, trong khi những người khác cảm thấy khó khăn trong việc từ bỏ những nền tảng sản xuất và hậu cần ở đẳng cấp thế giới mà Trung Quốc đã xây dựng nên trong suốt ba thập kỉ qua.

Nhiều thành viên tuy đã xây dựng các nhà máy ở nước khác nhưng vẫn sẽ duy trì một nhà máy tại Trung Quốc để phục vụ nhu cầu tại đây. “Chúng tôi hiểu lý do những đề xuất của ông Larry Kudlow nhưng không thấy lý do thực sự thuyết phục về mặt kinh tế để làm việc này. Chuyển một công ty từ Trung Quốc về Mỹ không giống như việc đóng vali và lên đường. Đó là một quá trình phức tạp với nhiều yếu tố khác nhau”, ông Keith Gibbs, Chủ tịch AmCham Thượng Hải nói.

Một giám đốc điều hành của một công ty sản xuất thiết bị quang học có trụ sở tại Tokyo nói rằng chi phí sản xuất ở Trung Quốc tăng lên đang khiến họ không thể duy trì hoạt động tại đây, nhưng họ vẫn chưa cân nhắc đến phương án di dời nhà máy.

Ông này nói: “Đối với các công ty như chúng tôi, việc xây dựng cơ sở sản xuất ở Trung Quốc để hưởng lợi từ chi phí lao động rẻ và đang tìm mọi cách khai thác thị trường tỷ dân ở đây, thời điểm này có thể là cơ hội tốt để đánh giá chiến lược kinh doanh”.

Link nguồn

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả