24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ts Nguyễn Trí Hiếu Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

280 nghìn tỷ 'cứu' doanh nghiệp vượt Covid-19: Rất tốt nhưng chưa đủ!

Chính phủ cần có nhiều giải pháp tài khóa mạnh mẽ hơn nữa mới có thể hỗ trợ được các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cấp bách cho sản xuất kinh doanh ứng phó với dịch Covid-19, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng nhà nước triển khai gói tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giảm phí... Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng được giao cho Bộ Tài chính để tập trung vào việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp.

Đánh giá về việc này, tôi các gói này chắc chắn sẽ hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp, tuy nhiên, chỉ như vậy là chưa đủ để giúp họ vượt qua khó khăn.

Nguyên nhân là do các gói hỗ trợ của Chính phủ chỉ giúp Ngân hàng Nhà nước cân đối lại nguồn vốn, giảm lãi suất cho vay, hoãn nợ, cơ cấu lại nợ đối với doanh nghiệp, từ đó, giúp các doanh nghiệp đang vay ngân hàng bớt gánh nặng tài chính.

Trong khi đó, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đang không có nhu cầu vay ngân hàng. Minh chứng rõ nhất là mức tăng trưởng tín dụng tháng hai vừa qua rất thấp so với tháng trước đó và cùng kỳ năm ngoái.

Mặt khác, do hoạt động kinh doanh ách tắc, nhiều doanh nghiệp muốn vay vốn ngân hàng cũng không thể vay được do không có tài sản đảm bảo, kinh doanh khó khăn. Đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.

Một thực tế là các doanh nghiệp trong toàn nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng đang chịu ảnh hướng rất lớn từ dịch bệnh.

Thị trường bất động sản đang chịu tác động của dịch bệnh ở hai khía cạnh, nguồn cung và mức cầu. Về phía nguồn cung, nhiều dự án bị dừng lại do thiếu nhân công, nguyên vật liệu khiến cung sụt giảm.

Trong khi đó, nguồn cầu cũng bị hạ thấp rất nhiều do trong tình hình dịch bệnh, người dân đang đặt ưu tiên hàng đầu cho chống dịch, các nhu cầu mua nhà, đầu tư bất động sản bị tạm hoãn lại. Nhà đầu tư đang xem tình hình bệnh dịch như thế nào để có hướng đầu tư sau.

Đặc biệt, bất động sản nghỉ dưỡng đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Sự thiếu vắng khách du lịch đang đẩy thị trường này vào vòng xoáy đi xuống.

Hệ quả tất yếu xảy ra khi các doanh nghiệp không thể hoạt động kinh doanh hiệu quả, không có nguồn thu là rất nhiều doanh nghiệp đang thiếu nợ ngân hàng. Trong số đó, không ít những doanh nghiệp có những dự án tốt, có tiềm năng nhưng do không thể cầm cự được để vượt qua giai đoạn khó khăn, không có đủ tiền trả cho cán bộ công nhân viên, nhà cung cấp, trả nợ ngân hàng, trả thuế nên rất có thể họ sẽ ngưng hoạt động, phá sản. Thiệt hại đối với nền kinh tế là rất lớn!

Bên cạnh đó, do hoạt động kinh doanh khó khăn, không đủ điều kiện nên các doanh nghiệp này cũng không thể vay vốn ngân hàng để cầm cự hoạt động.

Doanh nghiệp cần "liều thuốc" mạnh hơn

Để hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có nhiều giải pháp tài khóa mạnh mẽ hơn nữa.

Trước hết là đối với những doanh nghiệp đang thiếu nợ ngân hàng, các ngân hàng cần có giải pháp hỗ trợ họ, như Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước mới đây đã yêu cầu các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19.

Đồng thời, Chính phủ cũng đã có giải pháp giảm thuế, hoãn thời gian trả thuế cho các doanh nghiệp. Đây đều là những việc làm rất thiết thực trong bối cảnh hiện tại.

Thứ hai, đối với những doanh nghiệp chưa vay vốn ngân hàng và không có khả năng vay vốn như đã phân tích ở trên, Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để hỗ trợ cho họ như các gói hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ, bơm tiền cho các doanh nghiệp.

Chính phủ có thể dùng quỹ bảo lãnh tín dụng để bảo lãnh cho những doanh nghiệp này được vay ngân hàng. Bởi nếu không có bảo lãnh thì họ sẽ không thể vay vốn do tài chính sút kém, doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo.

Thứ ba, Chính phủ cũng cần có biện pháp hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho các doanh nghiệp đang quá "đuối". Các doanh nghiệp này không thể vay vốn ngân hàng, họ không có cách nào khác để tiếp tục hoạt động. Những biện pháp như giảm thuế, hoàn thuế cũng không giúp nhiều cho họ. Các doanh nghiệp này cần ngay một số tiền để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ, cụ thể cho từng đối tượng doanh nghiệp. Bởi ở thời điểm hiện tại, nếu chỉ giảm thuế, giảm lãi suất như gói tín dụng 280 nghìn tỷ đồng là chưa đủ. Các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp với các bên để đưa ra các chính sách về tài khóa để có thể hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp.

Đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế trong năm 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam nhiều khả năng sẽ giảm mạnh. Mức giảm ít nhất là 1% so với mục tiêu đã đề ra trước đó là 6,8%.

Với tác động từ sự sụt giảm kinh tế, thị trường bất động sản cũng sẽ rất khó khăn trong năm nay. Nhiều doanh nghiệp sẽ bị mất thanh khoản, thị trường thiếu hụt sản phẩm, cả nguồn cung và mức cầu đều giảm mạnh. Đặc biệt, bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch, bất động sản khu công nghiệp là những phân khúc bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Dự báo về thời gian phục hồi của thị trường, vị chuyên gia này cho rằng, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam có thể sẽ tiếp tục kéo dài trong ba tháng tới. Do đó, nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ càng ngày càng khó khăn hơn.

Nếu dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 7, hoặc tháng 8 thì sau đó ít nhất một năm nữa nền kinh tế và thị trường bất động sản mới có thể phục hồi.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Ts Nguyễn Trí Hiếu Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả