23 quy tắc “bất di bất dịch” của William O’Neil trên thị trường chứng khoán
Với cuộc đời chuyên về nghiên cứu và tư vấn đầu tư, William O’Neil đã rút ra được rất nhiều bài học để có thể thành công (thay vì chiến thắng) trên thị trường chứng khoán. Dưới đây là 23 quy tắc Những quy tắc giao dịch và hướng dẫn đã được thời gian kiểm chứng mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng phải thuộc nằm lòng.
1. Đừng bao giờ mua cổ phiếu thị giá rẻ. Bạn chủ yếu mua các cổ phiếu có thị giá từ $15 đến $300 trên sàn Nasdaq, từ $20 đến $300 trên sàn NYSE. Phần lớn các siêu cổ phiếu tạo điểm phá vỡ thoát ra khỏi nền giá tốt khi có thị giá từ $30 trở lên. Hãy tránh xa các cổ phiếu “rởm” có thị giá dưới $10.
2. Mua cổ phiếu tăng trưởng có tăng trưởng EPS hàng năm trong 3 năm gần nhất tối thiểu là 25% và dự báo tăng trưởng EPS trong năm tiếp theo (được đồng thuận bởi của các nhà phân tích) là trên 25%. Nhiều cổ phiếu tăng trưởng có tăng trưởng dòng tiền hàng năm hơn 20% và cao hơn cả tăng trưởng EPS.
3. Đảm bảo có sự tăng tốc hoặc đột biến trong tăng trưởng EPS của hai hoặc ba quý gần nhất. Mức tăng trưởng EPS tối thiểu của quý hiện tại là 25%-30%. Trong thị trường tăng giá, nhiều cổ phiếu thậm chí có mức tăng trưởng EPS quý hiện tại từ 40%-500% (càng cao càng tốt).
4. Bạn phải nhìn thấy sự tăng tốc hoặc đột biến trong tăng trưởng doanh số của ba quý gần nhất, hoặc tăng trưởng doanh số quý hiện tại tối thiểu 25%.
5. Mua các cổ phiếu có ROE từ 17% trở lên. Nhiều siêu cổ phiếu thậm chí có ROE từ 25%-50%.
6. Đảm bảo lợi nhuận biên sau thuế của quý gần nhất đang được cải thiện hoặc gần bằng với đỉnh cao nhất trong các quý trước.
7. Hãy mua các cổ phiếu thuộc 5 hoặc 6 lĩnh vực hàng đầu trong danh sách “New High (Danh sách cổ phiếu đạt đỉnh 52 tuần)” hoặc 20 ngành dẫn đầu trong “Bảng xếp hạng 197 nhóm ngành công nghiệp” của Nhật Báo IBD.
8. Đừng mua cổ phiếu vì ham cổ tức cao và P/E thấp. Hãy mua vì nó là công ty số một trong ngành về tăng trưởng doanh số, tăng trưởng EPS, ROE, lợi nhuận biên và sản phẩm ưu việt.
9. Trong thị trường tăng giá, hãy mua cổ phiếu có xếp hạng RS từ 95 trở lên theo bảng xếp hạng SmartSelect của Nhật Báo IBD.
10. Giá trị vốn hóa không phải là vấn đề, nhưng cổ phiếu bạn nắm giữ phải có khối lượng giao dịch bình quân hàng ngày từ vài trăm ngàn cổ phiếu trở lên.
11. Hãy học cách đọc đồ thị và nhận ra các nền giá tốt, điểm mua hợp lý. Sử dụng đồ thị ngày và tuần để cải thiện kỹ năng lựa chọn cổ phiếu và định thời điểm mua của bạn. Các đồ thị dài hạn cũng rất hữu ích. Điểm mua lý tưởng là tại điểm phá vỡ thoát ra khỏi nền giá tốt đầu tiên với khối lượng cao hơn 50% so với khối lượng giao dịch bình quân.
12. Chỉ bình quân giá lên, đừng bao giờ bình quân giá xuống, và luôn cắt lỗ khi giá giảm xuống dưới 7% hoặc 8% so với giá vốn của bạn mà không hề có bất cứ ngoại lệ nào.
13. Hãy viết ra quy tắc giao dịch của bạn nhằm xác định rõ khi nào bạn sẽ mua và khi nào bạn sẽ chốt lãi.
14. Hãy đảm bảo có ít nhất một hoặc hai quỹ tương hỗ (có thành tích đầu tư xuất sắc) đã mua cổ phiếu của bạn trong kỳ báo cáo gần nhất. Bạn cũng nên nhìn thấy số lượng quỹ đầu tư mua cổ phiếu của bạn tăng lên trong vài quý gần đây.
15. Công ty nên có sản phẩm hoặc dịch vụ mới, ưu việt và được khách hàng ưa chuộng. Công ty cũng có thị phần lớn về sản phẩm này và có nhiều khả năng tiếp tục duy trì tăng trưởng lợi nhuận cao trong tương lai.
16. Thị trường chung đang ở trong xu hướng tăng. Các cổ phiếu có giá trị vốn hóa nhỏ hoặc giá trị vốn hóa lớn đang được ưa chuộng. (Nếu bạn không biết làm thế nào để nhận diện được xu hướng thị trường chung, hãy đọc chuyên mục “Bức Tranh Toàn Cảnh-Big Picture” của Nhật Báo IBD mỗi ngày).
17. Đừng dính vào các hợp đồng quyền chọn, hoặc các cổ phiếu chỉ giao dịch ở thị trường nước ngoài, trái phiếu, cổ phiếu ưu đãi hoặc hàng hóa. Hãy rèn luyện kỹ năng giao dịch cổ phiếu thật tốt, chứ đừng tìm hiểu mỗi thứ một chút. Đừng bao giờ đa dạng hóa quá mức hay phân bố tài sản quá rộng. Nếu có giao dịch hợp đồng quyền chọn, tốt nhất chỉ giới hạn chúng trong 5%-10% danh mục của bạn.
18. Ban lãnh đạo cũng nên sở hữu cổ phiếu mà bạn mua.
19. Hãy tập trung tìm kiếm các doanh nghiệp trẻ, mới khởi nghiệp, được xem như là “Tương Lai của Nước Mỹ” (là những doanh nghiệp chỉ vừa mới IPO trong vài tháng hoặc đã IPO từ 8-15 năm) chứ đừng chạy theo các công ty già cỗi.
20. Hãy quên cái tôi và niềm tự hào của bạn đi. Thị trường không hề quan tâm bạn đang nghĩ gì và muốn gì. Bất kể bạn nghĩ mình thông minh như thế nào, thị trường luôn thông minh hơn bạn. Chỉ số IQ và trình độ học vấn cao không hề đảm bảo sẽ thành công trên thị trường tài chính. Cái tôi chỉ khiến bạn thua lỗ rất nhiều tiền. Đừng bao giờ tranh cãi với thị trường. Đừng bao giờ cố gắng chứng tỏ bạn đúng và thị trường sai.
21. Hãy đọc chuyên mục Investor’s Corner (Góc Nhà Đầu Tư) và The Big Picture (Bức Tranh Toàn Cảnh) của Nhật Báo IBD mỗi ngày. Học cách xác định đỉnh và đáy của thị trường chung. Hãy nghiên cứu và tìm hiểu thật kỹ về công ty mà bạn dự định mua. Chỉ như thế, bạn mới hiểu được lý do và câu chuyện thực sự đằng sau tăng trưởng của công ty.
22. Hãy chú ý đến các công ty gần đây mới đưa ra thông báo mua lại 5%- 10% cổ phiếu quỹ. Tìm xem công ty nào có đội ngũ lãnh đạo mới tài năng.
23. Đừng cố gắng bắt đáy hoặc mua cổ phiếu đang trong xu hướng giảm. Đừng bao giờ bình quân giá xuống. (Nếu bạn mua cổ phiếu tại giá $40, đừng mua nhiều cổ phiếu hơn khi nó giảm xuống $35 hoặc $30).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận