2024 nhiều triển vọng sáng hơn, GDP tăng 6 - 6,5% là khả thi
Theo các chuyên gia, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 - 6,5% là hoàn toàn khả thi khi đã nhìn thấy những điểm sáng tăng trưởng kinh tế từ cuối năm nay.
Những điểm sáng kinh tế 2023
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến 29/11, kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực như: suất siêu 25,83 tỷ USD, doanh thu bán lẻ 5.667 tỷ đồng, thu hút FDI đạt 28,85 tỷ đồng... từ đó dự báo GDP năm 2023 ước đạt từ 5 – 5.2%.
Tại Hội thảo “Nền kinh tế Việt Nam năm 2023 có bao nhiêu điểm sáng?” ngày 01/12/23, các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh chung nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn gặp khó khăn, những số liệu thống kê được ghi nhận từ quý 3/2023 cho thấy, triển vọng tăng trưởng sáng hơn cho năm 2024 là có cơ sở khi kinh tế tăng tốc hồi phục những tháng cuối năm, đồng thời sẽ là động lực cho những mục tiêu năm tới.
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - Ttền tệ Quốc gia cho biết, giai đoạn vừa qua Việt Nam là điểm sáng khi đứng đầu tăng trưởng kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương khi GDP đạt 4,7%. Nông nghiệp là bệ đỡ quan trọng khi có thể tự cung 85% nhu cầu trong nước và luôn đóng góp từ 12 – 13% GDP. Đáng chú ý, vốn FDI đăng ký 11 tháng năm 2023 tăng đến 14,8% so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ vận dụng chính sách tiền tệ linh hoạt hiệu quả, Việt Nam cũng kiểm soát tốt tỷ giá VNĐ/USD, lạm phát ở mức 3,22% và dự báo cả năm sẽ là 3,3%. Xuất khẩu được đánh giá là lạc quan khi đầu năm giảm 14.9% nhưng đến tháng 11 đã tăng 1,04%.
Ngoài ra, cải thiện về thể chế thể hiện rõ rệt khi chưa bao giờ cùng một thời điểm Quốc hội thông qua hàng loạt dự án Luật sửa đổi, song song đó nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm gỡ vướng cho thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán… giúp các thị trường này dần hồi phục.
PGS. TS Nguyễn Chí Hải, Nguyên Trưởng Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Luật, ĐHQG TP. HCM thì cho rằng, mặc dù GDP vẫn chưa sáng như kỳ vọng nhưng có nhiều lĩnh vực là điểm sáng ấn tượng. Đơn cử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng đến 10,1% hay như du lịch có lượng khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng năm 2023 gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặt khác, dự trữ ngoại hối sau khi giảm năm 2022 do chính sách điều tiết tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, thì nay có xu hướng tăng lên, đã đạt gần 100 tỷ USD và dự kiến sang năm lên đến 110 tỷ USD.
TS Phạm Đỗ Chí, cựu chuyên gia tài chính IMF nhận định, tình hình kinh tế trì trệ và mức tổng cầu toàn thế giới yếu tuy có làm giảm mức tăng trưởng nhưng vẫn không làm lu mờ điểm sáng về khả năng “hút” dòng vốn FDI của Việt Nam.
Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao khi đã và đang thu hút các tập đoàn lớn như: Samsung trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất khi lũy kế đầu tư vào Việt Nam tính đến cuối năm 2022 đến 20 tỷ USD; Intel xây dựng nhà máy tại TP. HCM với mức đầu tư 1,5 tỷ USD và có ý định mở rộng hơn nữa; Foxconn đã “rót” 3,2 tỷ USD; Apple hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam…
Tăng trưởng 2024 từ 6 - 6,5% là khả thi
Theo nhận định của IMF, mặc dù tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại, nhưng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lại được dự đoán sẽ tăng trong năm 2024.
TS Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam vẫn sẽ là điểm sáng kinh tế trong khu vực. Dù vậy, vẫn còn những thách thức như: rủi ro về chính trị tác động đến lĩnh vực đầu tư, xuất khẩu, du lịch. Lạm phát và lãi suất dù kiểm soát tốt nhưng vẫn ở mức cao, giải ngân đầu tư công vẫn chưa đột phá để thúc nền kinh tế, doanh nghiệp trong nước vẫn đang gặp khó về nhiều mặt (vướng pháp lý, đầu ra thị trường, nguồn lực…), cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhất là tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm.
Tuy nhiên, yếu tố ổn định tỷ giá và lạm phát đang là tín hiệu tích cực để tăng trưởng kinh tế vượt qua các thách thức trên. Theo đó, tỷ giá sẽ không biến động nhiều do FED năm 2024 sẽ không tăng lãi suất và kinh tế Mỹ có thể không sáng hơn nhiều so với năm 2023. Giá USD sẽ không tăng thậm chí là giảm, cụ thể là trong tháng vừa qua đã giảm 1,32% so với VNĐ. Đối với lãi suất cho vay có thể giảm thêm tuy nhiên sẽ không nhiều, nguyên do chênh lệch lãi suất vay giữa USD và VNĐ sẽ tạo áp lực rất lớn lên tỷ giá.
Mặt khác, thời kỳ khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã qua khi nhiều dự án lớn đang được Tổ công tác của Chính phủ giải cứu. Niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp dù chưa nhiều nhưng dần được lấy lại khi giá trị phát hành trong quý 3 và nửa đầu quý 4/2023 lên tới hơn 161.000 tỷ đồng, tương đương 70% tổng giá trị phát hành từ đầu năm 2023.
TS Phạm Đỗ Chí chia sẻ, khi nền kinh tế khu vực phục hồi được dự báo vào năm 2024, nhất là thời điểm FED ngừng tăng lãi suất và Mỹ chi tiêu mạnh cho các chiến dịch bầu cử Tổng thống sẽ là cơ hội Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ.
Đưa ra khuyến nghị để Việt Nam vẫn giữ vị thế dẫn đầu tăng trưởng kinh tế trong khu vực, PGS. TS Nguyễn Chí Hải cho rằng, cần xác định 4 điểm. Thứ nhất, phải kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cáo chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững. Thứ hai, hài hòa kết hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô. Thứ ba, phải giải quyết các “nút thắt” trong phát triển thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản. Và cuối cùng, thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu là động lực duy trì tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận