24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Lan Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

2023: Năm buồn tẻ của các quỹ PE Việt Nam

Cùng với xu hướng chung trên toàn cầu, các quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân (PE) tại Việt Nam tỏ ra thận trọng và chọn lọc khi đánh giá các khoản đầu tư trong năm 2023 đầy bất ổn. Tuy vậy, khi nhìn về năm 2024, một số công ty kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội tuyệt vời để giải ngân.

Trong thời kỳ hoàng kim, các quỹ PE tập trung vào thị trường Việt Nam thường rót tiền vào 2-3 thương vụ mỗi năm. Nhưng trong năm 2023, chỉ có Excelsior Capital Vietnam Partners và Vietnam Opportunity Fund (VOF) của VinaCapital thực hiện một khoản đầu tư mới, còn Mekong Capital rót thêm vốn vào hai công ty đã có trong danh mục.

Các công ty PE khác tại Việt Nam còn có VI Group, PENM Partners, Asia Business Builders (ABB), và SSI Asset Management.

“Nhà đầu tư nhìn chung chọn lọc hơn nhiều và tỏ ra cẩn trọng hơn khi đánh giá doanh nghiêp có tỷ lệ đốt tiền cao hoặc dòng tiền âm”, bà Đỗ Lan Anh, đối tác tại ABB, chia sẻ với DealStreetAsia. ABB đang tập trung huy động vốn cho quỹ đầu tư thứ hai và sẽ sớm giải ngân.

Trong bối cảnh chi phí sử dụng vốn tăng mạnh do các đợt nâng lãi suất, giới đầu tư chuyển hướng sang các công ty có tình hình tài chính lành mạnh và bền vững.

“Xét tới sự thay đổi trên thị trường trái phiếu Việt Nam trong năm 2023, chúng tôi khá do dự khi xem xét các doanh nghiệp cần vay nợ nhiều để duy trì tăng trưởng”, Chad Ovel, Đối tác tại Mekong Capital, cho hay.

Mekong Capital đang trong quá trình huy động vốn cho quỹ PE thứ 5 và có thể giải ngân cho 3 thương vụ.

Né xa các khoản đầu tư rủi ro cao

Trong năm nay, các quỹ PE né xa các khoản đầu tư có rủi ro cao. Công nghệ, truyền thông là những lĩnh vực kém hấp dẫn nhất với các công ty PE, theo báo cáo của Grant Thornton Việt Nam được công bố hồi tháng 8/2023.

“Thị trường xuất hiện nhiều thương vụ, nhưng chỉ có một vài cơ hội chất lượng”, bà Đỗ Lan Anh cho biết, đồng thời lý giải dòng tiền của các công ty đều bị tác động bởi bất ổn kinh tế vĩ mô. “Nhiều công ty bị bể kế hoạch và kết quả kinh doanh không đáp ứng được kỳ vọng của các doanh nhân và nhà đầu tư".

Theo Ovel, các công ty PE nội địa tìm thấy cơ hội ở những thương vụ có giá trị dưới 50 triệu USD. Đây là các doanh nghiệp chưa có tài chính lành mạnh và tính kinh tế vững chắc.

Ít thương vụ hơn vì định giá giảm?

Trên thực tế, số lượng thương vụ suy giảm có thể do định giá giảm mạnh và khiến nhiều công ty phải hoãn huy động vốn. Trong kết quả khảo sát gần đây của Grant Thornton Việt Nam, 58% bên tham gia dự báo định giá sẽ tiếp tục giảm trong năm 2024 do chi phí sử dụng vốn tăng và kỳ vọng tăng trưởng yếu hơn.

Với các thương vụ quy mô lớn trên thị trường PE Việt Nam, bức tranh lại hoàn toàn khác. Growtheum Capital Partners đầu tư 100 triệu USD vào IDP, Bain Capital bơm 250 triệu USD vào Masan, KKR tham gia vào vòng gọi vốn 120 triệu USD của EQuest và ESR chi 208 triệu USD để mua cổ phần tại BW Industrial.

Masan là thương vụ đầu tiên của Bain Capital tại Việt Nam. Đây là quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới, có khối tài sản quản lý xấp xỉ 180 tỷ USD.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có thêm các nhà đầu tư khác từ Mỹ – từ quỹ PE, quỹ đầu cơ cho tới các công ty đa quốc gia – đầu tư vào đất nước hình chữ S, sau khi Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Ngoài các khoản đầu tư đã công bố, nguồn tin từ DealStreetAsia cho biết KKR đang đầu tư vào Tập đoàn Y khoa Sài Gòn (MSG) và Warburg Pincus đang cân nhắc thỏa thuận với Bệnh viện Xuyên Á.

Các doanh nghiệp cũng tích cực tìm kiếm các cơ hội đầu tư, nhiều trong số họ muốn đầu tư tài chính thay vì thực hiện M&A. Chẳng hạn, công ty con của Alibaba gần đây đầu tư vào chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Hasaki, còn công ty thương mại Marubeni (Nhật Bản) tài trợ cho AIG Asia Ingredients Corp thông qua công ty con Marubeni Growth Capital vừa thành lập trong năm ngoái.

Marubeni Growth Capital chuyên tập trung vào các khoản đầu tư tại Đông Nam Á và xem Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất trong khu vực.

Bharat Sarma, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành cấp cao của Marubeni Development Capital, cho biết Việt Nam có nhiều lợi thế mà các doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm kiếm, như lực lượng lao động dồi dào, lĩnh vực sản xuất quy mô lớn, nền kinh tế định hướng xuất khẩu và công nghiệp hóa tương đối tiên tiến.

2024 là thời điểm để giải ngân?

Ông Ovel lạc quan cho rằng 2024 sẽ là năm tuyệt vời để giải ngân, khi trở ngại trong nền kinh tế giảm bớt và nhiều công ty nội địa tham gia huy động vốn mới.

Trong khi quỹ Mekong Enterprise Fund IV, trực thuộc Mekong Capital, dự kiến sẽ tiếp tục giải ngân vốn trong nửa đầu năm tới. Trước đó, có thông tin cho biết công ty này đang huy động 150 triệu USD để đầu tư vào các cơ hội liên quan tới môi trường.

ABB đang huy động vốn cho quỹ Fund II, còn Excelsior Capital Vietnam Partners đã lập quỹ đầu tư thứ 2 và PENM Partners đang huy động vốn cho quỹ đầu tư thứ 5 của mình, theo nguồn tin từ DealStreetAsia.

Đối với VinaCapital, ngay cả khi nhịp độ đầu tư của các quỹ PE chậm lại đáng kể trong năm 2023, CEO Andy Ho cho biết VinaCapital sẽ tiếp tục dành phần lớn thời gian để tìm kiếm các cơ hội ở các công ty tư nhân.

“Dài hạn vẫn còn tích cực”, bà Đỗ Lan Anh chia sẻ, đồng thời nói thêm Việt Nam sẽ mang lại nhiều cơ hội khi nền kinh tế phục hồi.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam là một trong top 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2024. Cơ quan này dự báo GDP Việt Nam tăng 5.8% trong năm 2024, từ mức ước tính 4.7% của năm 2023.

Ông Andy Ho vẫn đặt niềm tin vào tương lai dài hạn của Việt Nam. Nhưng nhìn trong giai đoạn 12 tháng tới, ông tự hỏi nếu các sự kiện địa chính trị trên toàn cầu vẫn tiếp diễn, liệu mối quan tâm cho các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam có thuyên giảm hay không.

Tỷ giá là một trong những nỗi lo lớn nhất của ông. “Tiền đồng đã mất giá khoảng 3% so với USD”, ông nói. “Nhiều sự kiện kinh tế vĩ mô có thể khiến dự báo đi lệch với thực tế”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả