2020: Việt Nam sẽ góp phần định hướng, dẫn dắt “cuộc chơi” ở ASEAN
“Đất nước ta đang trên đà phát triển và sắp bước sang giai đoạn phát triển mới, bản thân Việt Nam đã hội nhập và có quan hệ sâu rộng với quốc tế. Bây giờ, chúng ta có năng lực để tham gia sâu rộng hơn, thậm chí góp phần dẫn dắt, định hướng cuộc chơi tại các định chế của khu vực ASEAN và toàn cầu”, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định.
Ngày 4/11/2019, Việt Nam đã tiếp quản vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020 trong buổi lễ chuyển giao được tổ chức sau lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Thái Lan. Với thế và lực mới của đất nước sau 10 năm kể từ năm Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã sẵn sàng để tiếp tục khẳng định vai trò và trách nhiệm của mình trong Cộng đồng ASEAN.
Năm Chủ tịch ASEAN 2020 càng thêm có ý nghĩa khi sự kiện này đánh dấu cột mốc 25 năm Việt Nam bước vào "mái nhà chung" ASEAN. Cũng trong năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc. Đây là những hoạt động ngoại giao quan trọng để Việt Nam thể hiện vị thế, uy tín, cũng như năng lực trên trường quốc tế. Việt Nam sẽ đóng góp không chỉ tiếng nói của mình, mà còn đại diện cho cả Cộng đồng ASEAN ở một diễn đàn quan trọng và tầm cỡ như Liên Hiệp Quốc.
Nhân dịp này, Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Việt Nam sẽ là cây cầu kết nối ASEAN với thế giới
Thưa Đại sứ, năm 2020, Việt Nam sẽ cùng lúc đảm nhận hai vai trò Chủ tịch ASEAN và Uỷ viên không thường trực của HĐBA Liên Hiệp Quốc. Liệu với vai trò kép như vậy, Việt Nam sẽ tận dụng được sự ủng hộ của khu vực và cộng đồng quốc tế để thúc đẩy hợp tác trên những vấn đề hai bên cùng quan tâm?
Nhắc tới vai trò kép của Việt Nam sẽ đảm nhận trong năm 2020, đó là Chủ tịch ASEAN và Uỷ viên không thường trực của HĐBA Liên Hiệp Quốc, phải thừa nhận trước hết trách nhiệm trên vai chúng ta rất lớn. Năm 2020, Việt Nam phải thể hiện vai trò của mình ở HĐBA Liên Hiệp Quốc, thông qua những đóng góp cho trách nhiệm của Hội đồng về hoà bình an ninh thế giới và ở các khu vực, cũng như giải quyết các cuộc xung đột bằng biện pháp hoà bình. Còn ở cương vị Chủ tịch ASEAN, chúng ta phải thể hiện vai trò điều phối trong cả năm 2020, với trọng tâm là để ASEAN tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cả về xây dựng cộng đồng, mở rộng quan hệ với các đối tác, cũng như phát huy vai trò trung tâm ở khu vực. Trọng trách càng nặng nề, đặc biệt, trong bối cảnh thế giới xuất hiện những diễn biến phức tạp do cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Cùng với đó, là thách thức trên nhiều mặt, từ những điểm nóng trong khu vực, cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Trung, đến các thách thức an ninh phi truyền thống.
Thứ nhất, với vai trò kép trong năm 2020, Việt Nam đã nhìn nhận đầy đủ trách nhiệm của mình và có sự chuẩn bị rất chu đáo, để có thể đảm nhận ngay vai trò của mình. Khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và Uỷ viên không thường trực của HĐBA Liên Hợp Quốc, thực sự, trong những trao đổi với quốc tế cũng như các quốc gia láng giềng, họ trông đợi, tin tưởng vào Việt Nam. Đồng thời, họ cũng hy vọng Việt Nam có thể làm tốt hơn, đóng góp nhiều hơn, trách nhiệm hơn, xây dựng nhiều hơn cho khu vực ASEAN cũng như thế giới.
Tới đây, chúng ta đã thấy rõ vị thế và trách nhiệm của mình. Vậy nên, tôi tin rằng Việt Nam sẽ làm tốt trách nhiệm của Chủ tịch ASEAN. Năm 2020 là dấu mốc 25 năm Việt Nam tham gia ASEAN. Xuyên suốt quá trình đó, chúng ta đã có nhiều đóng góp cho khu vực thông qua năng lực hội nhập, chủ trương chính sách thể hiện sự ưu tiên trong thúc đẩy chương trình ASEAN.
Đối với vai trò và Uỷ viên không thường trực của HĐBA Liên Hiệp Quốc, chủ trương của Việt Nam là thúc đẩy luật pháp quốc tế, tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, đóng góp vào xây dựng hoà bình và phát triển. Bản thân Việt Nam đã tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào hoạt động quốc tế và Liên Hiệp Quốc. Chúng ta cũng đã có kinh nghiệm từ 10 năm trước khi đảm nhận vai trò Uỷ viên không thường trực của HĐBA Liên Hiệp Quốc nên hoàn toàn có thể hoàn thành trọng trách của mình dù khó khăn tới mấy.
Thứ hai, với vai trò kép, Việt Nam chắc chắn sẽ có thể đóng vai trò cầu nối giữa khu vực và Quốc tế. Trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nội dung Chương VIII cũng có nhắc tới việc thúc đẩy hợp tác và vai trò của các tổ chức khu vực. Giữa chương trình nghị sự của HĐBA Liên Hiệp Quốc và ASEAN có nhiều điểm song trùng như thúc đẩy hoà bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, đẩy mạnh chủ nghĩa đa phương, giải quyết các vấn đề toàn cầu. Những thách thức toàn cầu, bao gồm cả an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống đều là cơ sở để tăng cường hơn nữa một nền hoà bình bền vững. Điều này thể hiện rõ nhất trong chương trình nghị sự về phát triển bền vững tới năm 2030. Đây là những nội dung chắc chắn hai bên có thể trao đổi qua lại với nhau.
Một điểm nữa là ASEAN có mối quan hệ đối tác chiến lược với Liên Hiệp Quốc. Với vai trò Chủ tịch ASEAN, chúng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ đối tác này, đồng thời có thể phản ánh những quan tâm, mong muốn của khu vực tới diễn đàn toàn cầu rộng lớn hơn, qua đó, chia sẻ kinh nghiệm với họ.
Tôi cho rằng chúng ta sẽ làm tốt vai trò cầu nối, tương tác, kết hợp các vấn đề nghị sự của thế giới và khu vực, cùng thúc đẩy những nỗ lực chung.
Theo Đại sứ, đâu là điểm khác biệt so với lần đầu Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2010?
Có nhiều điểm giống, song cũng rất nhiều điểm khác. Điểm giống nhau đầu tiên là chúng ta có một tâm thế, trách nhiệm trong công việc chung của ASEAN và HĐBQ Liên Hiệp Quốc. Thứ hai, chủ trương, đường lối đối ngoại của chúng ta là thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa các quốc gia, việc tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo đảm hoà bình, thúc đẩy thực hiện Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Hiến chương ASEAN. Hướng tới mục tiêu chung là tạo ra môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Đây là sự nhất quán trong chủ trương, chính sách của Việt Nam.
Nhưng cũng có rất nhiều điểm khác biệt. Khác biệt lớn nhất là chuyển biến sâu sắc của cục diện thế giới và khu vực, tạo ra rất nhiều thách thức khác nhau. Ngày nay, người ta nhắc rất nhiều tới cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn, nổi bật là cạnh tranh Trung – Hoa Kỳ. Trong đó, bên cạnh cuộc cạnh tranh chiến lược, cuộc cạnh tranh thương mại sẽ tiếp tục tạo tác động tới nền kinh tế toàn cầu và tất cả các quốc gia trong quá trình phát triển của mình.
Tiếp đó, xuất hiện nhiều xu hướng mới rất khác so với trước đây như xu hướng về bảo hộ, chống toàn cầu hoá, chủ nghĩa dân tuý, và cả chính trị cường quyền. Đồng thời, cũng có xu hướng đây đó về giảm nhẹ vai trò của các tổ chức đa phương và chủ nghĩa đa phương.
Một điểm khác là cuộc cách mạng về KHCN và sáng tạo đã tạo ra những cơ hội lớn, nhưng cũng là thách thức, nếu các quốc gia không kịp nắm bắt sẽ rơi vào trình trạng tụt hậu.
Cuối cùng, đó là các thách thức an ninh xuyên quốc gia, thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tình trạng nước biển dâng… sâu sắc hơn rất nhiều.
"Gắn kết và chủ động thích ứng" là chủ đề cho năm Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Phải chăng, việc tăng cường liên kết nội khối nhằm nâng cao năng lực của ASEAN, đủ sức thích ứng với những biến động chính trị và thương mại trên thế giới chính là ưu tiên của chúng ta trong năm 2020?
Nếu giải nghĩa một cách đơn giản, gắn kết chính là tăng cường sức mạnh nội lực ASEAN, một ASEAN đoàn kết, liên kết, mạnh về nội lực, sẽ càng có điều kiện để chủ động thích ứng trước sự thay đổi mạnh mẽ của môi trường xung quanh. Còn thích ứng nghĩa là phải chủ động ứng phó hiệu quả trước cục diện thế giới, cục diện khu vực và bản thân ASEAN đã thay đổi. Chúng ta phải chủ động tìm ra giải pháp quản trị rủi ro, nhưng đồng thời và rất quan trọng là cũng phải tận dụng tốt cơ hội đang mở ra.
Với chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng”, một loạt ưu tiên đã được chúng ta đặt ra.
Thứ nhất, tăng cường nội lực ASEAN thông qua sự đoàn kết, gắn kết với nhau. Trong đó có gắn kết về kinh tế và xây dựng cộng đồng. Đặc biệt, phải tranh thủ thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Thứ hai, ASEAN phải phối hợp, cùng nhau đóng góp vào bảo đảm môi trường hoà bình, an ninh và ổn định chung của khu vực. Bởi chỉ có hoà bình, ổn định mới có thể phát triển.
Thứ ba, tăng cường, làm sâu đậm bản sắc ASEAN và cộng đồng ASEAN, hướng tới và phục vụ người dân.
Thứ tư, mở rộng quan hệ với cá đối tác. Câu chuyện cạnh tranh giữa các nước lớn rất phức tạp, có những đối tác lớn của ASEAN đang cạnh tranh với nhau. Phải làm sao để ASEAN tranh thủ được quan hệ với họ, về phía họ cũng cần và tôn trọng ASEAN, đồng thời, chủ động phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực.
Thứ năm, gia tăng hiệu quả hoạt động của bộ máy, các cơ chế nội khối. ASEAN có những bộ máy, cơ chế thúc đẩy hợp tác khu vực, hướng tới cộng đồng. Nhiều ý kiến cho rằng ASEAN họp nhiều quá, giờ phải làm sao nâng cao chất lượng các cuộc họp, chất lượng cơ chế và tăng cường năng lực của ban thư ký ASEAN.
Định vị Việt Nam trong cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường
Trong bối cảnh khu vực ASEAN chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn. Ông nhận định thế nào về thách thức Việt Nam phải đối mặt trong năm 2020?
Chắc chắn cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn, đặc biệt là cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã, đang, sẽ tác động sâu rộng tới cục diện thế giới, kinh tế thế giới và từng khu vực. Trong đó, có khu vực Đông Nam Á.
Nhiều tổ chức đã dự báo cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể làm giảm 1% tăng trưởng GDP toàn cầu. Tiếp đó, nó sẽ tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu khiến hoạt động của chuỗi có sự điều chuyển, thậm chí gián đoạn.
Thêm vào đó, cuộc cạnh tranh về tỷ giá, tiền tệ và công nghệ cũng có thể dẫn tới sự phân tuyến rất lớn. Từng có dự báo cuộc cạnh tranh về công nghê, kỹ thuật mà điển hình là công nghệ 5G nếu tiếp tục sẽ khiến thế giới ảo phân chia làm đôi.
Tôi từng có dịp gặp gỡ bạn bè nhiều nước, ở đó, họ cũng đã đặt ra câu hỏi: “Bây giờ nếu phát triển 5G thì nên lựa chọn công nghệ nào? Công nghệ đó có bền vững hay không? Liệu thế giới có chia làm đôi hay không?”.
Trở lại với câu chuyện của Việt Nam, chúng ta có quan hệ chung và quan hệ thương mại tốt với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, và đây cũng là các đối tác quan trọng của Việt Nam, chúng ta cũng rất cần hợp tác với hai nền kinh tế hàng đầu này để phát triển kinh tế của mình. Vậy nên, cuộc cạnh tranh giữa nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới sẽ đặt ra những thách thức mới cho các nước, cho chúng ta.
Khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đánh thuế lên nhau, chúng ta có cơ hội để gia tăng tiếp cận thị trường của cả hai bên, vẫn có điều kiện để phát triển quan hệ thương mại với cả hai quốc gia, cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở vị trí tốt hơn. Mặt khác, chúng ta cũng đứng trước nhiều rủi ro, trước các bất ổn do cạnh tranh hai nước, rồi câu chuyện gián đoạn thương mại, hay các hành vi về gian lận thương mại, gian lận xuất xứ. Có cả thách thức và cơ hội là như vậy. Do đó, cũng có những điều chúng ta phải lưu ý.
Thứ nhất, muốn tranh thủ được như vậy, ta phải nâng cao được năng lực của mình. Muốn tiếp cận được thị trường, phải có những mặt hàng có thế mạnh, có sức cạnh tranh tốt. Muốn vậy, ngay từ bây giờ phải nâng cao năng lực và chất lượng của nền kinh tế của chúng ta, để quản trị rủi ro và tranh thủ cơ hội.
Thứ hai, là cảnh giác, ứng phó với thách thức, mà trước hết là về gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hoá. Chiến tranh thuế quan giữa hai nước bao gồm cả đánh thuế vào những hàng hoá có một phần nguyên liệu, hàm lượng sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc, với mức thuế mới, cao hơn nhiều khi xuất sang thị trường Hoa Kỳ. Do vậy đã và đang có những doanh nghiệp tìm cách gian lận để tránh các thuế này. Đây là điều phải rất chú ý.
Vừa qua, Chính phủ đã rất kiên quyết chống tình trạng gian lận thương mại, đội lốt nhãn mác, xuất xứ. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng đã có những phối hợp với các cơ quan chức năng phía Hoa Kỳ để ngăn chặn tình trạng này. Song, cái chính là về phía doanh nghiệp cũng phải rất rất nghiêm túc, phải cảnh giác.
Thứ ba, cần lưu ý xử lý các quan tâm mới của Hoa Kỳ trên cơ sở cùng có lợi và bảo đảm lợi ích của cả hai bên. Từ khi lên nắm quyền vào năm 2017 tới nay, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đặt ưu tiên cao cho mục tiêu chống, làm giảm thâm hụt thương mại giữa Hoa Kỳ với các quốc gia khác. Trong khi đó, Việt Nam lại có tỷ lệ thặng dư thương mại khá cao với Hoa Kỳ. Đó là một câu chuyện phải lưu ý. Theo đó, ngay từ đầu, khi Hoa Kỳ có vị Tổng thống mới và ưu tiên mới, chúng ta đã có những trao đổi với họ những nội dung như vậy, cũng đã bày tỏ sự quan tâm của phía Việt Nam. Và hai bên đã thực hiện một số công việc.
Một là, khởi động lại cơ chế đàm phán về kinh tế, thương mại, về những ưu tiên mới của nhau và những vấn đề tồn đọng để cùng nhau tháo gỡ, đó là khuôn khổ đàm phán Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA). Tham gia cơ chế này, hai bên đều có lợi khi quan tâm tới những ưu tiên của nhau. Bản chất của hai nền kinh tế là tương tác, bổ sung cho nhau, hai bên cùng có lợi.
Chúng ta đã tiến hành thảo luận, bày tỏ nguyện vọng mua hàng hoá, dịch vụ chất lượng cao từ Hoa Kỳ, đặc biệt là các sản phẩm KHCN. Từ năm 2017 tới nay, đã có rất nhiều hợp đồng lớn giữa hai nền kinh tế được ký kết như hợp đồng mua máy bay Boeing, hợp đồng phát triển năng lượng tái tạo, hợp đồng về khí hoá lỏng…
Ngoài ra, chúng ta cũng chia sẻ với phía Hoa Kỳ: “Đã là cơ chế thị trường và quan hệ kinh tế thương mại, muốn người khác mua được nhiều hàng của anh thì hàng hoá của anh phải chào giá cạnh tranh”. Mặt khác, còn là vấn đề năng lực tài chính. Rõ ràng, khi năng lực tài chính và qui mô nền kinh tế Việt Nam có hạn, muốn mua nhiều thứ nhưng cũng phải có tài chính. Và Hoa Kỳ cũng cần có cơ chế giá, cơ chế thanh toán để Việt Nam có thể đáp ứng về mặt tài chính.
Nhưng có một điểm rất quan trọng nếu chúng ta so sánh giữa quan hệ thương mại Việt – Hoa Kỳ và các quốc gia khác với Hoa Kỳ, đó là hai nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ có tính chất bổ sung cho nhau, quan hệ theo đúng quy luật tương tác do nhu cầu của cả hai bên. Không hề có sự gian lận, dối trá để tạo thặng dư thương mại trong mối quan hệ này. Đó là mối quan hệ mà bạn hiểu mình.
Tôi xin lấy một ví dụ, Việt Nam hiện vẫn còn một số hàng hoá chịu rào cản phi thuế quan như Đạo luật Nông trại (Farm Bill) của USDA ra đời vào năm 2014, liên quan tới mặt hàng cá tra.
Một mặt, chúng ta đấu tranh với việc áp đặt rào cản này. Mặt khác, chúng ta cũng đã có sự hợp tác tốt với phía Hoa Kỳ, và sau hơn một thời gian kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất cá tra Việt Nam của Cơ quan thanh tra An toàn thực phẩm (FSIS), Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã chính thức công bố quyết định Công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ vào ngày 31/10/2019. Đây là tin vui giúp cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra vào thị trường Hoa Kỳ với mức thuế chống bán phá giá 0%.
Tổng kết lại, Việt Nam được hưởng lợi thế về thuế như vậy nhờ chúng ta đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của chính quyền Hoa Kỳ đối với thị trường Hoa Kỳ.
Nhìn sang năm 2020, cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn sẽ tiếp tục đặt ra một số thách thức với Việt Nam khi chúng ta đồng thời đảm nhận hai vai trò quan trọng.
Thứ nhất, cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn sẽ khiến những câu chuyện, bàn luận trong khuôn khổ các cuộc nghị sự ở ASEAN và HĐBQ Liên Hiệp Quốc phức tạp hơn. Đây là lúc Việt Nam phải dựa vào lập trường, nguyên tắc, dựa trên Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Hiến chương ASEAN, Luật pháp quốc tế và biết cách kết hợp chung giữa lợi ích của thế giới với lợi ích của từng quốc gia, nhất là những quốc gia liên quan để xử lý vấn đề.
Thứ hai, trong quan hệ thương mại, phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, quan tâm lẫn nhau. Song phải phù hợp với khả năng của nhau và dựa trên tập quán của từng quốc gia. Và điều cần tránh nhất là gian lận thương mại. Chúng ta có lợi ích, phía bạn cũng có lợi ích.
Thứ ba, Việt Nam có đủ năng lực quản trị rủi ro, nhưng đồng thời mong muốn cùng phát triển quan hệ thương mại nhiều mặt với Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Thứ tư, đó là, cùng với đổi mới, nâng cao năng lực, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh hội nhập, đồng thời đa dạng hoá quan hệ, đa dạng hoá thị trường và nguồn cung, đưa Việt Nam vào chuỗi giá trị chất lượng cao hơn và với vị thế tốt hơn.
Năm 2020 cũng là dịp kỷ niệm 25 năm Việt Nam – Hoa Kỳ bình thường hoá quan hệ ngoại giao. Đồng thời, cũng sẽ diễn ra cuộc bầu cử, chạy đua vào Nhà Trắng. Theo Đại sứ, những sự kiện này sẽ tác động như thế nào đến quan hệ ngoại giao và thương mại giữa hai quốc gia trong thời gian tới?
Khi Hoa Kỳ bước vào cuộc bầu cử Tổng thống, họ sẽ quan tâm nhiều hơn tới câu chuyện nội bộ. Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trong năm 2020 được dự báo sẽ quyết liệt và có nhiều vấn đề phát sinh hơn khi sự phân hoá trong nội bộ nước Hoa Kỳ ngày càng sâu sắc, nổi bật là câu chuyện Hạ viện Hoa Kỳ luận tội Tổng thống Donald Trump đang diễn ra.
Song mạch và đà quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục phát triển tốt và được sự ủng hộ chung. Tôi có dịp trao đổi với Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam và nhiều vị quan chức Hoa Kỳ, họ cho biết hai bên đang chuẩn bị và phấn đấu cho lộ trình kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ một cách thực chất. Đây vừa là dịp kỷ niệm, vừa là cơ hội để hai bên tăng cường hơn nữa quan hệ hai nước trên các lĩnh vực.
Cách đây ít ngày, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã cùng với phía Việt Nam công bố và khởi động thúc đẩy năm kỷ niệm mang nhiều ý nghĩa này.
Tôi mong đợi khuôn khổ đối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ là cơ sở để hai bên làm sâu sắc hơn nữa quan hệ chính trị, đối ngoại, kinh tế, thương mại và các lĩnh vực khác về an ninh, quốc phòng, giáo dục, KHCN, khắc phục hậu quả chiến tranh, giao lưu nhân dân… Tiếp nữa, hai bên cần tăng cường sự trao đổi giữa các đoàn cấp cao.
Tôi còn nhớ, vào năm 2013, Việt Nam và Hoa Kỳ mới xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ. Song tới tháng 7/2015, quan hệ giữa hai nước đã ghi nhận dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ và ra tuyên bố chung về Tầm nhìn cho quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Đây không chỉ là tầm nhìn về tăng cường hơn nữa quan hệ, mà còn khẳng định sâu sắc những nguyên tắc trong quan hệ hai nước. Trong đó, nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Một điểm nữa là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ rất quan tâm tới mối quan hệ giữa hai nước. Khi trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, chúng ta thấy rõ, họ rất muốn duy trì, phát triển hơn nữa quan hệ làm ăn lâu dài ở Việt Nam. Còn ở phía Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng muốn vươn sang Hoa Kỳ để mở rộng cả thương mại và đầu tư.
Dù sang năm 2020, trọng tâm của Hoa Kỳ là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, họ sẽ ưu tiên nhiều hơn cho những vấn đề chính trị nội bộ, nhưng quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục đà và sẽ ghi nhận những bước phát triển mới. Hai bên đã và đang tích cực chuẩn bị do dịp đó, kỷ niệm 25 năm Việt Nam – Hoa Kỳ bình thường hoá quan hệ ngoại giao.
“Việt Nam sẽ đạt được hành công lớn hơn nhiều so với 10 năm trước”
Với những thách thức đã nêu, liệu Việt Nam sẽ đảm nhận tốt vai trò của mình trong năm 2020?
Có một điểm tôi rất tin tưởng, đó là năng lực của Việt Nam đã lớn mạnh hơn rất nhiều. 10 năm qua, chúng ta đã chứng khiến quá trình đổi mới và phát triển kinh tế, ổn định vĩ mô giúp năng lực của nước ta tăng lên rất nhiều. Ngoài ra, Việt Nam đã đẩy mạnh hội nhập, cả về kinh tế và các lĩnh vực khác, tham gia sâu rộng vào các hoạt động, vấn đề quốc tế, đã đăng cai, tổ chức thành công nhiều hoạt động quốc tế cấp cao như APEC 2017, Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên. Dù Hoa Kỳ và Triều Tiên không thể có thoả thuận chung, nhưng việc Việt Nam được lựa chọn và bản thân công tác tổ chức của chúng ta thành công trên tất cả các mặt, tạo điều kiện cho các bên đã tạo ra niềm tin rằng lộ trình đàm phán Hoa Kỳ-Triều Tiên sẽ tiếp tục.
Một điểm nữa là năng lực của đội ngũ cán bộ. Trải qua nhiều sự kiện quốc tế, năng lực của đội ngũ cán bộ tổ chức, an ninh, hậu cần đều được nâng cao, trở nên chuyên nghiệp hơn và sẵn sàng hơn. Tôi tin rằng Việt Nam, dù sang năm mới phải đối mặt với nhiều thử thách mới trong bối cảnh quốc tế, nhưng sẽ vẫn đảm nhận thành công, và thành công hơn nhiều, so với 10 năm trước.
Tôi chỉ xin lưu ý là trước những chuyển biến sâu sắc của tình hình kinh tế - chính trị thế giới và xu hướng bảo hộ mậu dịch, không gì hơn việc Việt Nam tự tăng cường nội lực và vị thế của mình.
Trước hết, cần tiếp tục công cuộc đổi mới, đưa chất lượng nền kinh tế Việt Nam bước sang một giai đoạn mới. Hiện tại, Chính phủ đang chuẩn bị một nội dung rất quan trọng cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, đó là tăng cường hiệu suất và chất lượng của nền kinh tế thông qua tăng năng suất lao động, dựa trên KHCN và sáng tạo. Đồng thời, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và tạo động lực thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Nếu thực hiện được những phần việc nêu trên, nền kinh tế Việt Nam sẽ rất tốt.
Thứ nữa, dù vấp phải khó khăn từ chiến tranh thương mại, xu hướng bảo hộ mậu dịch, Việt Nam vẫn phải tiếp tục hội nhập sâu và rộng hơn. Hội nhập vừa tác động tích cực tới môi trường bên ngoài, vừa cải thiện môi trường đầu tư bên trong. Đồng thời, tranh thủ được các thành tựu khoa học kỹ thuật và quản lý từ các nước tiên tiến.
Chúng ta đã mở rộng hội nhập, đã có tư thế trong hội nhập, nên chúng ta có năng lực để hội nhập chất lượng hơn và cao hơn.
Cuối cùng, câu chuyện về khoa học công nghệ. Nếu chúng ta nắm bắt được, đây sẽ là bước đột phá, ngược lại nếu không nắm bắt được sẽ bị tụt hậu. Muốn nắm bắt được thành tựu KHCN, chúng ta không chỉ cần chuẩn bị về chủ trương, chính sách, mà còn cần chuẩn bị về con người.
Tựu chung lại, đất nước ta đang trên đà phát triển và sắp bước sang giai đoạn phát triển mới, bản thân Việt Nam đã hội nhập và có quan hệ sâu rộng với quốc tế. Bây giờ, chúng ta đã có năng lực mới để có thể tham gia sâu rộng hơn, thậm chí góp phần vào việc dẫn dắt, định hướng cho các cuộc chơi của các khuôn khổ khu vực và các định chế toàn cầu.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận