20 năm xây dựng hình ảnh tạo vị thế Thị trường chứng khoán Việt Nam
Chứng khoán Việt Nam hiện diện ngày một rõ nét và sâu đậm hơn trên bản đồ thế giới và đã đưa bạn bè quốc tế đến Việt Nam, vừa giúp hình ảnh thị trường và doanh nghiệp vươn ra tầm thế giới.
Trong vòng 20 năm vừa qua đã chứng kiến nhiều bước phát triển vượt bậc trong tiến trình hội nhập của ngành chứng khoán Việt Nam, qua đó, ngành chứng khoán Việt Nam hiện diện ngày một rõ nét và sâu đậm hơn trên bản đồ chứng khoán thế giới. Bước tiến hội nhập này vừa đưa bạn bè quốc tế đến Việt Nam, vừa giúp hình ảnh thị trường và doanh nghiệp Việt Nam vươn ra tầm thế giới.
Vừa hợp tác, hội nhập qua việc mở cửa thị trường, thực thi các cam kết quốc tế, ngành chứng khoán Việt Nam vừa tận dụng nguồn lực và kinh nghiệm chuyên môn của nước ngoài, qua đó tự học hỏi, nghiên cứu, tăng cường nội lực vươn lên: nâng cao năng lực quản lý, phát triển thị trường trong nước song song với nâng cao chất lượng dịch vụ trên thị trường, phát triển hạ tầng thị trường.
Trước hết, công tác hội nhập, hợp tác trong những năm qua đã giúp cho UBCKNN xây dựng khung pháp lý, cơ sở hạ tầng và đào tạo cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn cao.
Việc học hỏi tri thức và kinh nghiệm tổ chức thị trường từ các nước trên thế giới là cần thiết và thành công lớn nhất của UBCKNN là đã kết hợp được kinh nghiệm của nhiều thị trường khác nhau để xây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam phù hợp với hệ thống pháp luật, đặc thù kinh tế của Việt Nam và vận hành thị trường an toàn, hiệu quả.
Tiếp đó, trong giai đoạn từ 2010 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tiến một bước dài với nhiều sản phẩm đa dạng, số lượng công ty niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ ngày càng tăng, nhà đầu tư gia tăng và ngày càng có kinh nghiệm hơn trên thị trường chứng khoán.
Một số dự án nổi bật được triển khai trong giai đoạn này cũng bắt đầu khai thác những lĩnh vực mới mà hiện nay là xu thế phát triển chung của các thị trường chứng khoán trên thế giới. Điển hình như trong năm 2015-2017, trong khuôn khổ Dự án Chương trình “Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh”, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tiếp tục hỗ trợ UBCKNN tổ chức các đoàn công tác khảo sát và đào tạo về tài chính xanh, thị trường vốn xanh sang nghiên cứu, tìm hiểu và học tập tại các nước có thị trường chứng khoán phát triển như Áo, Đức, Braxin, Nam Phi, Pháp…
Trong giai đoạn tới, Dự án GIZ hướng tới hỗ trợ Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước trong việc xây dựng khung kiến thức quy chuẩn ban đầu về các sản phẩm và dịch vụ chứng khoán xanh, từng bước tiến tới xây dựng khung pháp lý hướng dẫn các sản phẩm và dịch vụ xanh cho thị trường chứng khoán Việt Nam, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cùng với sự hỗ trợ phát triển các chính sách mới, sản phẩm mới cho TTCK Việt Nam, UBCKNN đã tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế, tranh thủ các nguồn lực từ phía đối tác để hỗ trợ doanh nghiệp niêm yết và đại chúng có thể tiếp cận và triển khai được một cách hiệu quả đối với các yêu cầu mới của thị trường. Một trong những hoạt động được cộng đồng doanh nghiệp trên TTCK đánh giá tích cực là việc UBCKNN cùng phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC đào tạo nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp trong công tác xây dựng Báo cáo phát triển bền vững cho doanh nghiệp niêm yết. Sau 7 năm triển khai Giải thưởng Báo cáo phát triển bền vững, năm 2019 ghi nhận số doanh nghiệp niêm yết tham gia báo cáo về môi trường và xã hội ngày càng nhiều (409 doanh nghiệp lọt vào vòng chung khảo), nổi bật trong năm 2019 có 11 doanh nghiệp niêm yết có Báo cáo phát triển độc lập theo chuẩn báo cáo của tổ chức GRI.
Với kết quả đáng ghi nhận như vậy từ cộng đồng doanh nghiệp niêm yết, UBCKNN nhận được sự đánh giá cao từ phía các tổ chức quản lý chứng khoán trong khu vực và quốc tế tại các hội nghị. Theo chia sẻ của đại diện GRI và IFC thì bài học kinh nghiệm và các bước đi của UBCKNN trong việc thúc đẩy nhận thức của doanh nghiệp với vấn đề phát triển bền vững trên TTCK luôn được họ đưa ra làm các ví dụ khi chia sẻ tại các hội nghị quốc tế, điều này góp phần tạo dựng vị thế của UBCKNN trong khu vực và quốc tế.
UBCKNN cũng tích cực tham gia vào các thỏa thuận quốc tế hướng tới hội nhập sâu rộng thị trường chứng khoán.
Cơ quan quản lý cũng đứng trước áp lực về mở cửa thị trường trong nước, một mặt đảm bảo được mức độ tự do hóa theo cam kết, mặt khác vẫn đảm bảo được khả năng quản lý, giám sát thị trường, bảo vệ được lợi ích quốc gia.
Công tác hội nhập, hợp tác quốc tế cũng góp phần nâng cao vị thế và sự tham gia của ngành chứng khoán Việt Nam vào các tổ chức, hoạt động chứng khoán đa phương.
Ngay từ những ngày đầu từ khi mới thành lập, trong giai đoạn 1997-2001, để trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO), UBCKNN đã dành khá nhiều thời gian và công sức nghiên cứu, tìm hiểu về tổ chức này đồng thời tìm hiểu những thuận lợi và những khó khăn phải đối mặt khi gia nhập với tư cách là một thị trường chứng khoán quá non trẻ. Chỉ một thời gian ngắn sau khi thị trường chứng khoán ra đời, sau một quá trình tích cực thực hiện các thủ tục xin gia nhập Tổ chức IOSCO và được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ ngày 04/10/2000, UBCKNN Việt Nam đã chính thức được công nhận là thành viên chính thức của IOSCO tại Hội nghị thường niên lần thứ 26 của IOSCO tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển, ngày 26/6/2001.
Kể từ khi trở thành thành viên của Tổ chức IOSCO, UBCKNN đã tích cực tham gia các hoạt động nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác với các nước thành viên, nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực chứng khoán. Điều này được thể hiện thông qua việc Việt Nam tham gia ký kết Biên bản ghi nhớ đa phương IOSCO (MMOU IOSCO) với mục tiêu là tạo cơ chế hợp tác và chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý thị trường chứng khoán của các nước thành viên.
Đồng thời, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ký nhiều Biên bản ghi nhớ song phương (MOU) với các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán các nước trên thế giới như MOU với Uỷ ban Giám sát Tài chính Hàn Quốc (2002), Cục Hợp tác Kinh tế Thụy Sỹ (2003), Ủy ban Giám quản Chứng khoán Trung Quốc (2005)...
Các Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chủ động ký kết một số biên bản ghi nhớ về hợp tác với một số Sở Giao dịch chứng khoán trên thế giới… Đặc biệt trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào tháng 6/2007, Trung tâm Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh ký MOU với Sở Giao dịch chứng khoán New York, đây là một trong những sự kiện quan trọng trong công tác hội nhập của thị trường chứng khoán Việt Nam, ngay trước thời điểm Trung tâm Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh được chuyển đổi thành Sở Giao dịch chứng khoán có mô hình công ty TNHH Nhà nước một thành viên.
Trên diễn đàn của các tổ chức tài chính quốc tế trên thế giới, Việt Nam đã có một hình ảnh và vị thế mới kể từ sau khi tổ chức thành công hai sự kiện quốc tế lớn là Hội nghị Bộ trưởng Tài chính cấp cao APEC lần thứ 13 (vào tháng 9/2006) và Hội nghị Uỷ ban Chứng khoán Tiểu vùng châu Á – Thái Bình Dương (APRC - tháng 11/2006), thu hút sự quan tâm của cộng đồng các định chế tài chính và các nhà đầu tư thế giới tới nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là tới thị trường chứng khoán.
Ngày 18/9/2013, tại Hội nghị thường niên của IOSCO tổ chức tại Luých-xăm-bua, UBCKNN đã ký Phụ lục A Biên bản Ghi nhớ đa phương MMOU của IOSCO, trở thành thành viên ở cấp độ cao nhất của tổ chức này, đánh dấu một bước tiến lớn trong hoạt động hội nhập quốc tế của ngành chứng khoán Việt Nam.
Việc là thành viên chính thức từ năm 2001 và trở thành thành viên đầy đủ, ở cấp độ cao nhất của IOSCO từ năm 2013, là một thành công lớn của UBCKNN Việt Nam, góp phần vào việc hội nhập sâu thị trường vốn quốc tế. Danh tiếng và mức độ tín nhiệm của thị trường vốn Việt Nam được nâng cao, góp phần tăng khả năng hấp dẫn các luồng vốn đầu tư nước ngoài.
Một sự kiện có ý nghĩa khác trong tiến trình hội nhập quốc tế của ngành chứng khoán, đó là việc UBCKNN ký Biên bản Ghi nhớ (MoU) với các cơ quan quản lý thị trường vốn thuộc EU (Liên minh châu Âu) và EEA (Khu vực Kinh tế châu Âu), gọi tắt là MOU ESMA. Việc ký kết MOU này đưa thị trường chứng khoán Việt Nam tiến gần hơn với các thị trường chứng khoán, tài chính khác trên thế giới, góp phần gia tăng khả năng thu hút các dòng vốn đầu tư có tổ chức từ các nước châu Âu, đồng thời tăng cường khả năng phối hợp quản lý giám sát dòng vốn và nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong công tác hội nhập thị trường vốn khu vực, UBCKNN tích cực tham gia vào Diễn đàn các Thị trường Vốn ASEAN (ACMF), với các sáng kiến phát triển thị trường vốn khu vực ở mức độ phù hợp với tình hình phát triển và đặc điểm của thị trường vốn trong nước. Đối với những sáng kiến do ACMF đề xuất còn chưa phù hợp với thị trường vốn Việt Nam, UBCKNN vẫn tham gia dưới vai trò quan sát (như sáng kiến Quỹ đầu tư tập thể ASEAN), hoặc tham gia vào quá trình hài hòa hóa các nội dung của sáng kiến để nâng cao cơ hội hội nhập sâu rộng hơn của Việt Nam vào thị trường vốn khu vực. Hiện UBCKNN là thành viên của hầu hết các nhóm công tác về các sáng kiến của ACMF, bao gồm: Sáng kiến Khung đánh giá Tinh giản cho Bản cáo bạch chung ASEAN, Sáng kiến về Giải quyết Tranh chấp và Cưỡng chế Thực thi, Kế hoạch Phát triển Hạ tầng cơ sở Thị trường vốn ASEAN (ACMI Blueprint)… .
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một thành viên tích cực của Sáng kiến Quản trị Công ty ASEAN. Mặc dù quản trị công ty là một khái niệm còn khá mới tại Việt Nam, nhưng UBCKNN luôn nỗ lực tham gia và triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về quản trị công ty và cải thiện thực tiễn quản trị công ty tại Việt Nam phù hợp với thông lệ của khu vực và quốc tế. Trong khuôn khổ Sáng kiến Quản trị Công ty ASEAN, Việt Nam tích cực tham gia Báo cáo Thẻ điểm Quản trị Công ty ASEAN, và kết quả đánh giá tình hình quản trị công ty tại Việt Nam liên tục được cải thiện qua các năm. Đây là một kết quả đáng ghi nhận của UBCKNN trong tiến trình hội nhập với các chuẩn mực quốc tế liên quan đến phát triển thị trường vốn.
UBCKNN cũng đẩy mạnh hoạt động quảng bá thị trường chứng khoán và kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có việc tổ chức những hoạt động xúc tiến đầu tư hiệu quả tại nước ngoài. Các hoạt động diễn ra gần đây như Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản tháng 4/2014, Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ tháng Bảy năm 2015, Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hàn quốc vào tháng 8 năm 2018, Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Anh vào tháng 7 năm 2020 đã thu được kết quả tốt đẹp, tạo ra kênh thông tin chính thức quảng bá về thị trường vốn Việt Nam tới các nhà đầu tư quốc tế.
Trong thời gian tới, để tiếp nối những thành quả và phát huy hơn nữa sức mạnh của yếu tố hội nhập, UBCKNN sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động trong khuôn khổ các hoạt động chung của IOSCO, như tham gia các chương trình, sự kiện của Ủy ban châu Á - Thái Bình Dương (APRC), Ủy ban các Thị trường Tăng trưởng và Mới nổi (GEMC), Hội nghị thường niên IOSCO…, tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến, xúc tiến hoạt động trong khuôn khổ các tổ chức, hiệp định tự do hóa thương mại như CPTPP, EVFTA...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận