20% hồ tiêu Việt Nam tồn dư hóa chất vượt ngưỡng EU
Dù Việt Nam chiếm đến 42% sản lượng hồ tiêu toàn cầu nhưng chất lượng thấp khiến xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, ít xâm nhập được các thị trường cao cấp, giá cao.
Ngày 10.5, tại TP.HCM, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tổ chức hội nghị tổng kết niên vụ 2018. Theo đó, tổng sản lượng hồ tiêu thế giới năm 2018 khoảng 560.000 tấn, tăng 8,3% so với năm 2017. Sản lượng của Việt Nam tiếp tục dẫn đầu về với sản lượng 230.000 tấn, chiếm 42% sản lượng toàn cầu. Brazil đứng thứ 2 chỉ với 70.500 tấn, chiếm 13% sản lượng tiêu toàn cầu, Indonesia đứng thứ 3 với 12%.
Theo ước tính của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sản lượng tiêu của Việt Nam năm 2019 vẫn tiếp tục tăng và đạt mức 250.000 tấn. Xu hướng giá giảm trên toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục trong năm nay vì sản lượng tăng ước từ 8-10% trong khi nhu cầu thế giới chỉ tăng 2%. Tuy nhiên điều đáng quan tâm chính là chất lượng hồ tiêu Việt Nam làm sản phẩm này giá thấp và ít vào được các thị trường cao cấp.
20% tồn dư hóa chất vượt ngưỡng
Một trong những nội dung trình bày đáng chú ý là báo cáo về chất lượng hồ tiêu Việt Nam trong năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019. Báo cáo do Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng (thành viên của Tập đoàn Eurofins Scientific) chuyên hoạt động trong lĩnh vực kiểm thực phẩm, quan trắc môi trường thực hiện. Chị Võ Trương Duy, Trưởng phòng kinh doanh công ty này cho biết: Có đến 20% mẫu sản phẩm qua kiểm định không đạt chuẩn EU, có nghĩa là tồn dư các loại hóa chất vượt mức cho phép. Bên cạnh đó còn có một số lượng có tồn dư nhưng trong ngưỡng cho phép.
“Xu hướng sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật của người dân là giống nhau. Người dân sử dụng quá liều quy định và thời gian cách ly chưa đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng hồ tiêu Việt trên thị trường thế giới. Giải pháp là cần nâng cao nhận thức của người dân với sự hỗ trợ của chính phủ trong việc đào tạo hướng dẫn người dân. Tăng cường phát triển nông nghiệp sạch. Eurofins sẽ là cầu nối kết nối giữa người mua và người bán”, bà Duy khuyến cáo.
Một báo cáo tương tự với chủ đề “Thực trạng thuốc bảo vệ thực vật trong hồ tiêu” do ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Thuốc bảo vệ thực vật (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Nhiều sản phẩm không nằm trong danh mục được cấp phép vẫn được người dân sử dụng vì giá rẻ và hiệu quả cao. Không chỉ người dân sử dụng trong quá trình trồng trọt mà quá trình tồn dư hóa chất còn xảy ra ở khâu sau thu hoạch - tồn trữ, bảo quản.
Tổ chức sản xuất hồ tiêu an toàn
Trước thực trạng trên, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam định hướng, thúc đẩy xây dựng liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng hồ tiêu, tổ chức sản xuất an toàn, bền vững; ổn định diện tích vào năm 2020 là 100.000 ha, đảm bảo cung cấp đủ hồ tiêu nguyên liệu cho chế biến. Tăng cường kiểm soát chất lượng, nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời kiểm soát chặt chẽ quá trình chế biến, bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng là chuyển dịch cơ cấu sản phẩm: Nâng tỷ lệ tiêu trắng xuất khẩu đạt 30-40%, tiêu bột đạt 20% vào năm 2030; đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị trường yêu cầu chất lượng cao như sản phẩm tiêu hữu cơ, tiêu đỏ, tiêu xay, nhựa hồ tiêu… Khuyến khích đầu tư phát triển trồng, chế biến, tiêu thụ hạt tiêu trong mối liên kết chuỗi để hình thành những tập đoàn, doanh nghiệp tiên tiến, hiện đại. Tập trung đầu tư các cơ sở chế biến tiêu trắng, tiêu bột và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Về thị trường, tăng cường xúc tiến, mở rộng thị trường, tăng thị phần vào các thị trường Đông Bắc Á, Mỹ, EU… đồng thời tăng cường thúc đẩy tiêu thụ trong nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận