2 trường hợp được công nhận là hàng “made in Vietnam”
Hàng hóa được xem là “made in Vietnam” nếu đạt tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa là 30%, và vượt qua khâu gia công đơn giản.
Bộ Công Thương vừa ban hành dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để lấy ý kiến, góp ý...
Theo dự thảo Thông tư, có hai trường hợp hàng hóa được coi là "made in Vietnam". Thứ nhất là hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam. Thứ 2 là, hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa..
Đối với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy thì căn cứ để xác định là hàng Việt Nam bao gồm: tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa (dựa trên mã HS); tiêu chí hàm lượng giá trị gia tăng dựa trên các yếu tố như nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất, chi phí nhân công, chi phí nhà xưởng…
2 công thức được Bộ Công Thương đưa ra để xác định hàm lượng giá trị gia tăng là công thức gián tiếp và trực tiếp. Theo các tính trực tiếp, nếu hàng có giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ ở Việt Nam tối thiểu 30% giá xuất xưởng, thì được coi là hàng "made in Vietnam".Với cách tính gián tiếp là giá xuất xưởng trừ đi giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam. Ngoài ra, hàng hóa cũng cần phải vượt qua khâu gia công đơn giản.
Tiêu chí thứ hai để xác định hàng hóa có được dán nhãn "made in Vietnam" hay không là "chuyển đổi mã số HS". Theo đó, tiêu chí này cho phép doanh nghiệp có thể sử dụng 100% nguyên liệu nhập khẩu hoặc không xác định về xuất xứ trong quá trình sản xuất, miễn là quy trình đó vượt qua công đoạn gia công đơn giản.
Bộ Công thương cho biết tiêu chí xác định tại dự thảo này sẽ loại bỏ dần tình trạng hàng"đội lốt". Ảnh: Baomoi.com |
Dự thảo Thông tư cũng quy định, hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh Việt Nam không được coi là hàng "made in Vietnam".
Theo Bộ công thương, Dự thảo Thông tư này được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Các phương pháp xác định xuất xứ chủ yếu của thế giới như xuất xứ thuần túy (WO), hàm lượng giá trị khu vực (RVC) hay chuyển đổi mã sản phẩm theo Hệ thống hài hòa mô tả và mã hàng hóa (Hệ thống HS) của Tổ chức Hải quan Thế giới đều được áp dụng trong dự thảo Thông tư.
Bộ Công Thương cho biết, thực tế trước đó đã có quy định về ghi xuất xứ trên nhãn hàng hoá nhưng lại thiếu điều kiện thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam, "made in Vietnam" hay hàng Việt... để yêu cầu doanh nghiệp ghi nhãn hàng hoá. Điều này dẫn tới những trường hợp doanh nghiệp bị dính nghi án ghi sai xuất xứ hàng hoá trong thời gian vừa qua.
Bộ Công Thương đánh giá với quy định, tiêu chí xác định tại dự thảo lần này, tình trạng hàng đội lốt sẽ được loại bỏ dần và các doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc "gian lận xuất xứ”.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư không quy định thêm thủ tục hành chính mới, nên sẽ không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận