2 triệu tỷ đồng đầu tư công 5 năm qua thu được những gì?
Với 2 triệu tỷ đầu tư công trong 5 năm qua thì kết quả thu được là gì? Bao nhiêu dự án đã được hoàn thành? Bao nhiêu dự án dở dang và công bố công khai để người dân được biết và thực hiện quyền giám sát của mình.
Đây là những câu hỏi về hiệu quả đầu tư công được đại biểu Quốc hội nêu trong phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 29/3 về các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, Chủ tịch nước.
Thể chế quản lý đầu tư công còn nhiều bất cập
Theo đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP. Hồ Chí Minh), trong nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hiệu quả thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Vốn đầu tư công phần nào đã được kiểm soát một cách chặt chẽ hơn. Các dự án mới được thẩm định về nguồn vốn, khả năng cân đối vốn, trước khi có quyết định chủ trương đầu tư.
Giai đoạn 2016 - 2020 hiệu quả đầu tư cũng đã được cải thiện phần nào so với giai đoạn trước, chỉ số ICOR giai đoạn 2016 - 2019 ước khoảng là 4,9, thấp hơn mức 5,4 giai đoạn 2011 - 2015, chứng tỏ hiệu quả đầu tư cũng đã được cải thiện. Tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt là 33,7% GDP, tỷ trọng vốn đầu tư khu vực nhà nước giảm, trong khi đó, vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng từ 38,3% lên 45,6% năm 2020.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, hiệu quả đầu tư chưa thật sự mang lại kỳ vọng. Chất lượng khâu chuẩn bị dự án đầu tư chưa thật sự tốt. Hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư hay quyết định đầu tư chưa thể hiện rõ những nội dung về quy hoạch. Phương án đền bù, giải phóng mặt bằng chưa thật sự thuyết phục. Năng lực nhà đầu tư, tính khả thi về mặt kinh tế, xã hội của dự án còn hạn chế, chính vì vậy, hồ sơ chuẩn bị đầu tư phải điều chỉnh nhiều lần trong quá trình thẩm định, làm kéo dài thời gian thẩm định dự án.
"Nhìn chung, chất lượng thể chế quản lý đầu tư công còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là khâu lập, thẩm định, lựa chọn, đánh giá hiệu quả của dự án đầu tư. Theo khung đánh giá thể chế quản lý đầu tư công của IMF, điểm trung bình của các chỉ tiêu của Việt Nam chỉ đạt 0,7/2 điểm, vẫn ở mức thấp so với các nước đang phát triển" - đại biểu cho biết.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư công, đại biểu đề nghị thời gian tới cần có các giải pháp đổi mới toàn diện, đồng bộ các luật, trong đó, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, xây dựng kế hoạch đầu tư công theo hướng tập trung nguồn lực, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu hay là cơ cấu lại nền kinh tế.
Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, địa phương cần được thực hiện tốt hơn, trong đó trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành về việc hướng dẫn các thủ tục cần phải kịp thời, nhanh chóng đối với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư.
Huy động được nguồn lực trong dân mới đủ sức đi đường dài
Cùng quan tâm đến hiệu quả của đồng vốn đầu tư công, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho biết, hạch toán ngân sách theo kết quả đầu ra là một định hướng đổi mới đã được đề ra ngay trong Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính trung hạn. Theo đó, phải lấy kết quả cụ thể để làm thước đo hiệu quả sử dụng ngân sách.
Do đó, đại biểu đề nghị tới đây Chính phủ cần yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương báo cáo cụ thể, với 2 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công trong 5 năm qua thì kết quả thu được là gì? Bao nhiêu dự án đã được hoàn thành? Bao nhiêu dự án dở dang và công bố công khai để người dân được biết và thực hiện quyền giám sát của mình?
Một vấn đề nữa của đầu tư công được đại biểu Lưu Mai nêu tại hội trường là việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển. Đại biểu cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội tại Nghị quyết số 26 về kế hoạch trung hạn đã đề ra nhiệm vụ phát huy tối đa tiềm lực của mọi thành phần kinh tế ngoài nhà nước, Nhà nước chỉ đầu tư cho những lĩnh vực dự án mà các thành phần kinh tế khác không thể đầu tư. Tiếp đó, Quốc hội cũng đã ban hành luật về đối tác công tư với động lực huy động tối đa nguồn ngân sách từ thành phần kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường đã qua, đại biểu cho rằng, việc huy động tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước chưa đạt như mong muốn. Trong cả nhiệm kỳ có rất nhiều dự án đã phải chuyển từ hình thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang 100% vốn nhà nước. Đó là hàng loạt các dự án thuộc tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, các dự án thuộc tuyến đường ven biển và nhiều dự án BOT ở một số địa phương đã phải chuyển đổi sang 100% vốn nhà nước. Hiện nay, tỷ lệ đầu tư từ khối tư nhân trong tổng vốn đầu tư tại thời điểm cao nhất cũng chỉ đạt được 45,6% thấp hơn nhiều nước trên thế giới. Tình trạng này có những nguyên nhân khách quan nhưng cũng có những nguyên nhân chủ quan.
Đánh giá việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách khó hơn rất nhiều so với việc dùng ngân sách để đầu tư, song đại biểu cũng bày tỏ tin tưởng: "Chính phủ kiến tạo phải là một chính phủ phát huy được sức mạnh tổng hợp, huy động được mọi nguồn lực, khơi dậy khát vọng phát triển trong mỗi người dân. Chúng tôi tin rằng, Chính phủ sẽ làm được điều này. Bởi vì chỉ có như vậy chúng ta mới đủ sức để đi đường dài, chỉ có như vậy mới phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của thế giới"./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận