2 nhóm ngành tiêu biểu cho nhà đầu tư dài hạn
CTCP Chứng khoán Everest (Mã: EVS) đã đưa ra báo cáo quan điểm đầu tư tháng 5 mới đây với chủ đề "Cơ hội hiếm có". Thêm vào đó, các chuyên gia EVS cũng điểm qua hai nhóm ngành tiêu biểu được đánh giá cao.
Ngành Thủy sản
Kết quả kinh doanh quý 1 tích cực
Kết thúc quý 1/2022, các doanh nghiệp ngành Thủy sản và đặc biệt là nhóm sản xuất Cá tra cho thấy KQKD cực kỳ ấn tượng. Các doanh nghiệp đầu ngành như VHC (DT + 83%, LN +318%), ANV (DT +73%, LN +224%) đều cho thấy mức tăng trưởng KQKD vô cùng mạnh mẽ, phản ánh ngành cá tra chính thức bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới.
Tương tự như giai đoạn 2017-2018, giá xuất khẩu cá tra liên tục lập đỉnh trong 4 tháng đầu năm (trung bình mỗi tháng tăng 50%) khi nhu cầu tại các thị trường lớn như Mỹ hay Châu Âu liên tục tăng cao khi dây là khu vực mà đã mở cửa lại các dịch vụ như nhà hàng, khách sạn (chiếm tới 60 – 70% lượng tiêu thụ cá tra). Trong khi đó thì lượng tồn kho trong nước lại chỉ bằng 1/2 so với giai đoạn 2019 – 2020 sau giai đoạn giá cá tra lao dốc vì dư cung tại chu kỳ trước. Theo dự báo của VASEP, nguồn cung trong nước có thể sẽ quay trở lại vào cuối Q2/2022, khi người dân ĐBSCL quay trở lại nuôi trồng cá giống nhiều hơn, giúp giảm chi phí đầu vào cho các DN lớn trong ngành.
Xu hướng giá sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới
Trong bối cảnh địa chính trị phức tạp trên thế giới và những biện pháp phòng chống dịch khá quyết liệt từ chính quyền Bắc Kinh, xu hướng giá cá tra được kỳ vọng sẽ được duy trì đến hết 2022 và có thể sang nửa đầu năm 2023. Với cuộc chiến giữa Nga – Ukraine vẫn còn rất phức tạp, các lệnh trừng phạt với Nga có thể sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho cá tra Việt Nam khi Nga vẫn cũng cấp tới 4.5 – 5.8 tỷ USD kim ngạch thủy sản (trong đó có cá Minh Thái, của Alaska). Bên cạnh đó, kỳ vọng chính sách Zero-Covid của Trung Quốc sẽ được giảm bớt và hướng tới mở cửa trở lại có thể giúp nhu cầu tại thị trường đông dân nhất thế giới tạo ra một cu huých cho giá xuất khẩu cá tra trong thời gian tới.
Ngành Dầu khí
Giá dầu và giá khí neo cao là động lực tăng trưởng cho toàn ngành
Không những chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và gián đoạn chuỗi cung ứng, cuộc chiến Nga – Ukraine đã gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn cầu. Giá dầu Brent và giá Khí thiên nhiên đạt mốc cao nhất kể từ tháng 7/2008 (139.13 USD/thùng và 5.08 USD/mmbtu trong tháng 4/2022). Nga là nước xuất khẩu các sản phẩm về dầu và khí top đầu thế giới, do đó dấy lên những lo ngại về các biện pháp trừng phạt có thể khiến cho nguồn cung bị gián đoạn. Theo IEA, nguồn cung khí từ Nga sang Châu Âu hiện đã giảm 25% do những cẳng thẳng địa chính trị và chưa xác định hồi kết có thể sẽ tiếp tục khiến giá khí gas neo cao trong thời gian tới.
Phục hồi mạnh mẽ nhu cầu tiêu thụ khí
Cũng do ảnh hưởng cuộc chiến, giá than nhập khẩu hiện đang ở mức cao kỷ lục khiến cho các nhà máy nhiệt điện có thể đối diện với tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Theo EVN, các nhà máy này hiện chỉ tích trữ đủ 76.8% nguồn nguyên liệu đầu vào cùng hiện tượng La Nina khiến thủy điện có lợi dẫn tới việc công suất hoạt động các nhà máy nhiệt điện thấp hơn dự kiến. Theo EVS Research, khi các yếu tố thời tiết bất lợi giảm dần, nguồn điện khí có thể bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung từ nhiệt điện than nhờ nguồn cung dồi dào, góp phần gia tăng sản lượng tiêu thụ khí khô trong nước. Bên cạnh đó, dự thảo Quy hoạch điện 8 cũng cho thấy Chính phủ đặt mục tiêu tăng tỷ trọng điện khí để đa dạng nguồn điện năng và giảm phát thải. Chính phủ cũng đã phê duyệt các dự án khu phức hợp năng lượng LNG và trong đó dự án đầu tiên là cảng LNG Thị Vải dự kiến sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào Q4/2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận