2 Bộ phối hợp rà soát dự án bất động sản bỏ hoang
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Bộ Xây dựng sẽ phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản bỏ hoang…
Tình trạng hàng loạt dự án bất động sản "treo" nhiều năm, không triển khai gây lãng phí đất đai, thất thoát ngân sách Nhà nước. Mới đây cử tri nhiều tỉnh, thành phố đã kiến nghị Bộ TN-MT tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch sử dụng đất đai trên phạm vi cả nước.
Trả lời cử tri, Bộ TN-MT cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các dự án quy hoạch treo như: việc tổ chức triển khai đầu tư xây dựng chậm hoặc không thực hiện theo quy hoạch, dự án chưa hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý, dự án có tranh chấp hoặc có vi phạm…
Do đó, để xử lý các quy hoạch treo, Bộ TN-MT đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi các quy định về quy hoạch trong Luật Đất đai năm 2013.
Cũng theo Bộ TN&MT tại Khoản 1, Điều 6, Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch sửa đổi Điều 49, Luật Đất đai năm 2013 cũng đã có quy định để xử lý vấn đề quy hoạch treo.
Cụ thể, đối với trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch; được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa phải được cơ quan nhà nước cho phép theo quy định pháp luật.
Đồng thời, pháp luật về quy hoạch xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản cũng đã có các quy định cụ thể về việc lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch; yêu cầu đối với dự án kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án.
Theo đó, tại Điều 78 của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với kinh doanh bất động sản trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn để thực hiện việc thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng các dự án kinh doanh bất động sản; báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình thị trường bất động sản.
Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các dự án cụ thể tại các địa phương thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, theo từng chương trình, kế hoạch cụ thể hoặc trong các trường hợp cần thiết, Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT sẽ phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc hoặc vi phạm (nếu có) theo quy định.
Nhiều dự án bất động sản bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên đất. (ảnh T.K)
Trước đó, theo ghi nhận của Dân Việt, trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng trăm dự án quy hoạch cả thập kỷ nhưng chậm triển khai, "ôm" đất bỏ hoang lãng phí. Đơn cử, tại quận Hà Đông, dự án Khu chung cư quốc tế Booyoung được quy hoạch có diện tích khoảng 4,3ha thuộc Khu đô thị Mỗ Lao nằm trên vị trí đắc địa. Dự án đã được khởi công vào tháng 2/2007, nhưng đã đình trệ nhiều năm. Hiện Công ty mới hoàn thành và đưa vào sử dụng khu nhà CT4 và CT7, còn lại 04 công trình CT2, CT3, CT5, CT6 chưa triển khai, đang trong tình trạng quây tôn và trở thành nơi xả rác, tập kết vật liệu gây ô nhiễm môi trường.
Tại quận Hoàng Mai, 21,5ha "đất vàng" dự án Khu chức năng đô thị Trũng Kênh tại phường Thịnh Liệt và Hoàng Liệt bỏ hoang 10 năm nay. Hay, dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) do Tổng Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng - Licogi làm chủ đầu tư, kéo dài suốt 16 năm không triển khai…
Tương tự, tại huyện Mê Linh là nơi có số dự án chậm triển khai nhiều nhất với gần 50 dự án bất động sản quy mô tới 10 - 100 ha/dự án, tổng diện tích khu dự án là gần 2.000ha nhưng hơn chục năm nay vẫn trong tình trạng dở dang, gây lãng phí lớn tài nguyên đất.
Cá biệt, có 4 dự án "ôm đất xí phần" chậm triển khai hơn 10 năm, bị UBND TP Hà Nội yêu cầu thanh, kiểm tra, bao gồm: Dự án khu đô thị tại xã Tiền Phong rộng 94ha; Dự án Khu nhà ở Thanh Lâm của Công ty Thương mại và dịch vụ du lịch Phương Viên (xã Đại Thịnh, Thanh Lâm); Dự án Khu đô thị Việt Á của Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á (xã Thanh Lâm) và dự án Khu đô thị Cienco 5 của Công ty CP Xây dựng công trình 507 (xã Đại Thịnh).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận