2.153 tỉ phú giàu hơn 4,6 tỉ người trên thế giới
Trong một báo cáo mới công bố, tổ chức từ thiện- nhân đạo Oxfam (Anh) cảnh báo bất bình đẳng kinh tế trên toàn cầu đã vượt tầm kiểm soát do mức chênh lệch thu nhập giữa những người giàu và người nghèo ngày càng nới rộng và do phụ nữ và trẻ em gái bị bóc lột sức lao động.
Hôm 20-1, Oxfam công bố báo cáo có nhan đề “Đã đến lúc phải quan tâm đến những công việc được trả lương thấp hoặc không được công và cuộc khủng hoảng bất bình đẳng toàn cầu”.
Bất bình đẳng toàn cầu gia tăng
Báo cáo cho hay 1% dân số giàu nhất thế giới đang nắm giữ khối tài sản lớn hơn 99% dân số còn lại. Theo báo cáo, “bất bình đẳng kinh tế đã vượt tầm kiểm soát” khi 2.153 tỉ phú sở hữu khối tài sản lớn hơn tổng tài sản của 4,6 tỉ người, tương đương 60% dân số thế giới trong năm 2019.
Báo cáo nhấn mạnh vấn đề bất bình đẳng kinh tế dựa trên giới tính khi phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới đảm đương phần lớn gánh nặng công việc gia đình và có ít cơ hội kinh tế hơn nam giới. Theo báo cáo, 22 người giàu nhất thế giới giàu hơn tất cả 326 triệu phụ nữ ở châu Phi.
Oxfam cảnh báo mô hình kinh tế hiện nay đặt nguồn của cải và quyền lực khổng lồ vào tay của một số ít người giàu, đa số là đàn ông, một phần là do tình trạng bóc lột sức lao động của phụ nữ và trẻ em gái.
Báo cáo cho rằng một nhóm nhỏ của giới thượng trên thế giới đang giàu “ngoài sức tưởng tượng”.
“Không cần nhiều nỗ lực, của cải của họ vẫn tăng với cấp số nhân theo thời gian. Trong khi đó, ở tận đáy cùng của nền kinh tế, phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là những người đang sống trong nghèo khổ và thuộc các nhóm bị gạt ra ngoài lề của xã hội, đang phải làm công việc nhà miễn phí 12,5 tỉ giờ mỗi ngày”, báo cáo nêu rõ.
Amitabh Behar, Giám đốc điều hành văn phòng Oxfam ở Ấn Độ, nói: “Nền kinh tế đã gãy đổ của chúng ta đang nhét tiền vào đầy túi của những tỉ phú và các doanh nghiệp lớn. Không có gì nhạc nhiên khi mọi người bắt đầu tự hỏi liệu giới tỉ phú có nên tồn tại hay không”.
Theo dữ liệu của Bloomberg, ba người giàu nhất thế giới đã tích lũy số tai sản 231 tỉ đô la trong 10 năm qua, trong đó Jeff Bezos, Giám đốc điều hành Amazon, người giàu nhất thế giới, đang nắm giữ khối tài sản trị giá 116 tỉ đô la Mỹ.
Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Facebook, người giàu thứ 5 thế giới, chứng kiến giá trị tài sản tăng thêm lớn nhất vào năm ngoái, với mức thu nhập ròng khoảng 6 tỉ đô la.
Tổng tài sản của 20 tỉ phú giàu nhất thế giới đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2012-2019, từ mức 672 tỉ đô la lên mức 1.397 tỉ đô la.
Giới siêu giàu gia tăng tài sản nhờ né thuế?
Trích dẫn một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Oxfam cho rằng giảm bất bình đẳng thu nhập sẽ giúp giảm tỷ lệ người nghèo cùng cực hiệu quả hơn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo nghiên cứu này, nếu các nước trên thế giới giảm bất bình đẳng thu nhập 1% mỗi năm, 100 triệu người sẽ thoát khỏi mức sống nghèo cùng cực vào năm 2030.
Cuộc khủng hoảng bất bình đẳng kinh tế càng nghiêm trọng vì nhiều chính phủ trên thế giới đang đánh thuế quá thấp đối với những cá nhân và doanh nghiệp giàu nhưng lại chi tiêu không đầy đủ cho các dịch vụ công quan trọng bao gồm giáo dục và y tế.
Báo cáo cho biết không cần làm gì, giới siêu giàu vẫn có thể gia tăng khối tài sản nhờ né thuế với sự hỗ trợ của những kiểm toán viên được trả lương cao.
Cụ thể, tỉ phú Bill Gates, người đồng sáng lập Microsoft, vẫn đang nắm khối tài sản gần 100 tỉ đô la dù đang cam kết hiến tặng phần lớn tài sản. Khối tài sản này cao hơn gấp đôi kể từ lúc Bill Gates thôi chức Giám đốc điều hành Microsoft vào năm 2000.
“Một trong những lý do giúp sức cho sự sinh sôi tài sản khổng lồ này là sự sụp đổ của hệ thống đánh thuế đối với giới siêu giàu và các doanh nghiệp lớn nhất thế giới vì các mức thuế giảm và việc cố tình né thuế. Chỉ 4% doanh thu thuế toàn cầu đến từ thuế đánh vào người giàu và các nghiên cứu cho thấy giới siêu giàu tránh được khoảng 30% nghĩa vụ đóng thuế”, báo cáo nhận định.
Ngay cả tỉ phú Bill Gates cũng nhiều lần kêu gọi đánh thuế cao hơn nữa đối với giới siêu giàu. Trong thông điệp tổng kết năm 2019, ông viết: “Người giàu phải đóng thuế cao hơn mức họ đóng hiện nay, bao gồm tôi và Melinda (vợ của Bill Gates). Tôi đã đóng hơn 10 tỉ đô la tiền thuế...Tôi đóng thuế cao hơn bất kỳ ai nhưng tôi sẽ vui vẻ nếu tôi phải đóng thêm 20 tỉ đô la tiền thuế nữa”
Oxfam kêu gọi các chính phủ phải hành động ngay lập tức để xây dựng một nền kinh tế nhân văn hơn, thay vì hỗ trợ không ngừng nghĩ cho sự mưu cầu lợi nhuận. Đồng thời nhấn mạnh các chính phủ cần xây dựng “một nền kinh tế đánh giá cao công việc nhà của phụ nữ và trẻ em gái thay vì của cải của giới tỉ phú, một nền kinh tế cho mọi người, chứ không chỉ vì một số ít người giàu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận