17 sản phẩm của Việt Nam bị điều tra chống lẩn tránh
Ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM nhấn mạnh: “Chúng ta chỉ tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật nhưng thật nghiêm khắc với hành vi gây nguy hại đến kinh tế quốc gia”.
Ngày 20.12, Cục Hải quan TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền pháp luật hải quan cho doanh nghiệp về gian lận xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và chuyển tải bất hợp pháp.
Theo ông Đinh Ngọc Thắng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các nước đang diễn ra, việc gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đặc biệt, ảnh hưởng lớn tới uy tín của hàng hóa, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam..
Dẫn câu chuyện ông một doanh nhân tìm mua bộ vest đẹp tại kinh đô ánh sáng Paris với giá rất cao. Bộ vest mang thương hiệu của một nước châu Âu nhưng được may tại Việt Nam. Ông nói: “Xuất xứ bộ vest đó là made in Vietnam. Là một người Việt Nam, gặp trong hoàn cảnh đó, tự hào quá đi chứ. Hàng hóa được làm bởi bàn tay khối óc con người Việt đã đi khắp thế giới, được người tiêu dùng toàn cầu yêu thích và công nhận. Điều này chứng tỏ tay nghề của người Việt được đánh giá cao. Thế nên, việc để hàng xấu, hàng dỏm gắn mác “made in Vietnam” là điều không thể chấp nhận được. Tay nghề của người Việt bị ảnh hưởng từ hành vi gian lận này”.
Từ năm 2008 – 2018, theo số liệu cập nhật của Cục Hải quan TP.HCM, đã có 20 vụ các nước điều tra chống lẩn tránh xuất xứ đối với 17 sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, các nước EU điều tra chống lẩn tránh 6 mặt hàng gồm: xe nâng bằng tay, bật lửa ga, đèn huỳnh quang, vòng khuyên kim loại, oxyde kẽm và bột ngọt. Mỹ cũng điều tra chống lẩn tránh 6 sản phẩm của Việt Nam gồm: thép cán nguội, thép chống ăn mòn, nhôm định hình, thép CR, thép Core, mắc áo bằng dây thép. Thỗ Nhĩ Kỳ điều tra cũng 6 sản phẩm: sợi Poy, gỗ dán, ống thép hàn không gỉ cuộn cán nguội, đán granite, điều hòa nhiệt độ, bật lửa ga. Và Brazil điều tra 2 sản phẩm sợi nilong và giày da.
Thế nên, ngành hải quan một mặt là tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu, mặt khác, phải như người gác cổng kinh tế, không để hành vi gian lận, lợi dụng, tráo xuất xứ Việt ảnh hưởng đến doanh nghiệp. “Chúng ta ủng hộ, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật chứ không thể ủng hộ doanh nghiệp làm gian dối, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và chuyển tải bất hợp pháp”, ông Thắng nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo bộ phận chuyên môn của Cục Hải quan TP.HCM, các đơn vị đang tiến hành phân tích các số liệu thống kê xuất nhập khẩu và các nguồn thông tin khác để xác định danh sách các mặt hàng trọng điểm, có rủi ro cao về nghi vấn gian lận xuất xứ để áp dụng kiểm tra, kiểm soát thông qua các biện pháp quản lý nghiệp vụ chuyên sâu.
Đây là lần đầu tiên Cục Hải quan TP.HCM tổ chức Hội nghị mang tính chất chuyên đề về các biện pháp phòng chống gian lận xuất xứ cũng như hoạt động chuyển tải hàng hoá bất hợp pháp, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận