12 quy tắc "bất thành văn" ở nơi làm việc
Những quy tắc này phần lớn nghe đều rất "đời", rất phũ phàng, thậm chí nghiêm trọng nhưng độ chính xác của nó cũng là không thể phủ nhận được.
1. Lý tưởng rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn lý tưởng là lợi ích.
Ở nơi làm việc, hầu hết mọi người đều có lý tưởng của riêng mình, đây cũng là mục tiêu quan trọng để mọi người phấn đấu. Nhưng nếu bạn chỉ chăm chăm hiện thực hóa lý tưởng của mình, bạn sẽ thất bại thảm hại bởi nơi làm việc về bản chất vẫn là nơi trao đổi lợi ích, sếp dựa vào bạn để kiếm tiền còn bạn dùng sức lao động để đổi lấy tiền.
Chỉ coi trọng lý tưởng mà bỏ qua tầm quan trọng của lợi ích, đây là lý do vì sao nhiều người bị đả kích nghiêm trọng sau khi đi làm.
2. Bề ngoài thì chính trực, nội tâm thì toan tính, đây là bản chất của nơi làm việc.
Không ai ủng hộ thói đạo đức giả, nhưng điều này không cản trở sự tồn tại của tật xấu này. Có đôi khi, chúng ta buộc phải mang cho mình những tấm mặt nạ để che giấu nội tâm thật sự, tránh những sóng gió không cần thiết. Thay vì để bị hạ gục bởi những kẻ đạo đức giả ở nơi làm việc, một số người chọn trở thành một "kẻ" như vậy trước.
3. Công việc sẽ không làm hại bạn, nhưng con người thì có thể.
Ở nơi làm việc, chúng ta đều gặp phải những sự cố bất ngờ. Chẳng hạn như cuộc cạnh tranh thăng chức đang đến hồi căng thẳng thì bạn lại phải đi công tác đột xuất, hay như một dự án/ một báo cáo đang rất thuận lợi bất ngờ xuất hiện lỗi sai.
Lý do đằng sau có rất nhiều kiểu nhưng không thể loại trừ trường hợp chúng xuất phát từ con người. Cần phải nhớ rằng ở nơi làm việc, bản thân công việc là vật chết, chúng không thể hại bạn nhưng con người thì có thể.
4. Học cách để lộ khuyết điểm khi cần thiết.
Bạn thử suy nghĩ thật kỹ xem, những người thành công tại nơi làm việc có điểm chung gì? Đó chính là thoạt nhìn trông họ chẳng có gì là xuất sắc, thậm chí khuyết điểm đầy mình, như thể bạn có thể vượt qua họ bất cứ lúc nào. Nhưng một khi bắt tay vào việc, họ lại tay chân kín bưng, khiến người ta không thể bắt thóp được.
Sinh tồn ở nơi làm việc không phụ thuộc vào việc bạn có thể làm tốt như thế nào, mà là bạn có thể tồn tại được bao lâu. Vì vậy, làm người cần để lộ khuyết điểm để đối phương không phòng bị nhưng làm việc cần cẩn thận, để tránh rắc rối vạ lây.
5. Đối xử chân thành với mọi người, nhưng chân thành phải có giới hạn và tiêu chuẩn.
Người thật thà luôn chịu thiệt thòi ở nơi làm việc, muốn đối xử chân thành với mọi người cũng phải có những tiêu chuẩn riêng, thậm chí là mục đích riêng. Nếu không đến cuối cùng, bạn không chỉ là người chịu thiệt nhất mà còn dễ mang tiếng xấu nhất.
6. Sếp càng khen ngợi bạn thì bạn càng nhận được ít lợi ích hơn.
Những lời khích lệ từ sếp có tác dụng nâng cao sự tự tin của bạn, nhưng nếu nó chỉ là những lời khích lệ suông mà không có hành động nào kèm theo thì nên xem xét lại. Nhiều vị sếp không ngần ngại khen ngợi nhân viên nhưng lại giấu nhẹm những món lợi thực tế trong túi của họ. Thậm chí, càng được khen nhiều, cơ hội thăng quan tiến chức của bạn càng ít. Vì vậy, đừng để bị lừa bởi những lời khích lệ ngoài miệng này.
7. Có giá phải trả khi đắc tội người khác
Điều cấm kỵ lớn ở nơi làm việc là bị cảm xúc nhất thời chi phối và vô tình làm mất lòng mọi người. Những "cao thủ" tại nơi làm việc phải luyện được tính cách im lặng, sâu không thấy đáy.
Ở nơi làm việc, đắc tội người khác sẽ phải trả giá. Bạn nghĩ rằng mình không cần phải sợ ai và có thể làm mất lòng họ một cách tùy tiện nhưng cái giá phải trả không hề nhỏ chút nào. Bởi nơi làm việc là nơi trao đổi quyền lợi. Dù là đồng nghiệp hay là sếp, họ cũng không phải họ hàng người thân của bạn, họ không có lý do gì để nhẫn nhịn bạn cả.
8. Phân biệt sếp tốt và sếp xấu để biết đường cư xử.
Kỹ năng sinh tồn tại nơi làm việc là thiên biến vạn hóa và không thể nắm bắt hay thay đổi trong một sớm một chiều được. Nếu cứ là một người tốt, bạn có thể trở thành cái gai trong mắt một vị sếp tồi. Trong khi nếu sống gian trá, bạn mãi mãi sẽ không có được sự tin tưởng và trọng dụng của một vị sếp tốt .
Có thể phân biệt được đâu là sếp tốt và sếp xấu, hiểu được nhu cầu của sếp, có năng lực làm tướng dưới quyền sếp tốt, và "nịnh thần" dưới quyền sếp tồi, đây là cảnh giới cao nhất tại nơi làm việc.
9. Người khác đối với bạn càng tệ thì bạn càng phải tốt.
Trong nhiều trường hợp, bạn phải học được cách nhẫn nhịn. Trong quá trình nhẫn nhịn này, bạn cũng cần hoàn thiện chính mình, đợi đến khi bản thân đủ mạnh mẽ để không cần sợ ai.
10. Kế hoạch phải dài hạn, tiền bạc phải kịp thời.
Có những người có tầm nhìn quá thiển cận trong khi một số khác lại nhìn quá xa. Nơi làm việc đòi hỏi nghệ thuật về khả năng thích ứng và bạn không thể áp các quan điểm sống của bạn vào đó được.
11. Làm việc chăm chỉ thôi là chưa đủ.
Sai lầm cơ bản mà mọi người dễ mắc phải nhất ở nơi làm việc là nghĩ rằng mình phải vùi đầu vào làm việc hết công sức. Chăm chỉ là không sai nhưng thay vì làm cật lực mà không có hiệu quả, bạn cần vừa làm vừa thay đổi suy nghĩ, vừa tận dụng các mối quan hệ cũng như các khả năng khác của mình. Có như vậy hiệu quả công việc mới tăng cao và cả bạn lẫn công ty đều đạt được lợi ích.
12. Những gì sếp nói với bạn luôn có lợi cho anh ta.
Một số người coi lời nói của sếp như lời nói của đấng tối cao mà quên mất rằng với tư cách một ông chủ, sếp có những lợi ích nghề nghiệp của riêng mình. Vì vậy, những gì sếp nói, tất nhiên là từ quan điểm của mình để bảo vệ lợi ích của mình.
Lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động đôi khi là đối lập nhau. Càng chăm chăm nghe theo lời sếp, bạn càng mất nhiều hơn. Đương nhiên, ở đây không có nghĩa là không nghe theo lời sếp mà là bạn cần có suy nghĩ độc lập, biết câu nào là có lợi cho mình và câu nào không.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận