24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Trung
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

11 tháng, giải ngân vốn FDI gần 17,7 tỷ USD

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam và giải ngân đều tăng trong 11 tháng năm 2019, một diễn khá tích cực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó khăn và thị trường tài chính thiếu ổn định.

Theo báo cáo mới công bố của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 11 tháng năm 2019, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được gần 17,7 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018. Đây cũng là con số kỷ lục mới, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhìn thấy cơ hội phát triển tốt tại Việt Nam.

Về vốn đăng ký, trong 11 tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Dự án mới vốn nhỏ, vốn qua M&A tăng mạnh

Đáng chú ý, lượng dự án FDI đăng ký cấp mới khá nhiều nhưng vốn nhỏ hơn, tương tự là các dự án tăng vốn cũng nhiều nhưng mức độ tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lượng vốn FDI đổ vào qua góp vốn, mua cổ phần (M&A) tăng rất mạnh.

Cụ thể, về vốn FDI đăng ký mới tính đến ngày 20/11/2019, cả nước có 3.478 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 14,68 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2018 tăng 28,2% số dự án nhưng giảm 7% về vốn.

“Mặc dù vốn đầu tư đăng ký mới trong 11 tháng năm 2019 giảm nhưng tốc độ giảm đã nhỏ dần so với các tháng trước. Nếu không tính các dự án lớn trên 1 tỷ USD được cấp mới trong cùng kỳ năm 2018 thì tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 11 tháng năm 2019 tăng 40,5% so với cùng kỳ”, Cục Đầu tư nước ngoài giải thích thêm.

Về vốn điều chỉnh, trong 11 tháng năm 2019 có 1.256 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký điều chỉnh 5,87 tỷ USD; so với cùng kỳ năm 2018 tăng 20% về lượt dự án nhưng giảm tới 20,7% về vốn.

“Trong 11 tháng năm 2019, quy mô điều chỉnh mở rộng vốn của các dự án nhỏ, không có dự án tăng vốn lớn như trong cùng kỳ 2018”, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết nhưng không giải thích nguyên nhân.

Về góp vốn, mua cổ phần, cũng trong 11 tháng năm 2019, cả nước có 8.561 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 11,24 tỷ USD; so với cùng kỳ 2018 tăng 45,5% về lượt dự án và tăng 47,1% về vốn.

Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, năm 2017 đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,02% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 27,78%, 11 tháng năm 2019 chiếm 35,4% tổng vốn đăng ký.

Tính lũy kế đến ngày 20/11/2019, cả nước có 30.477 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 360,69 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 209,48 tỷ USD, bằng 58% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Chế biến chế tạo, bất động sản dẫn đầu thu hút vốn

Trong 11 tháng năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực; trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 21,56 tỷ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký; hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,31 tỷ USD, chiếm 10,4% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ…

Đã có 117 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam; trong đó, Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,69 tỷ USD (có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội, chiếm 57,5% tổng vốn đầu tư của Hồng Kông); Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,73 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,47 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư; Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản...

“Đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông có xu hướng tăng so với cùng kỳ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung”, báo cáo cho biết.

Cụ thể, đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 2 lần, từ Hồng Kông tăng 3,9 lần so với cùng kỳ 2018.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 60 tỉnh thành phố. Trong đó, Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng số vốn đăng ký 6,82 tỷ USD, chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư; TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký 5,48 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh…

“Trong 11 tháng năm 2019, số lượng các đoàn sang làm việc tìm hiểu cơ hội đầu tư tăng khá mạnh, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có nhiều đoàn tìm hiểu cơ hội để dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các đối tác chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore”, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.

Xuất khẩu của khu vực FDI tăng chậm lại

Liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) trong 11 tháng năm 2019 ước đạt gần 166,7 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 69,1% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 164,83 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 68,3 % kim ngạch xuất khẩu.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của khu vực FDI đạt 134,1 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 57,7% kim ngạch nhập khẩu.

Các con số trên cho thấy, khu vực FDI đang giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu so với trước đây, đồng thời cũng chậm hơn tốc độ tăng của khu vực trong nước. Đây là một trong những nguyên nhân làm chậm lại tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay.

Tuy nhiên, với diễn biến hiện nay thì có khả năng Việt Nam vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 7-7,5% trong năm nay (lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10/2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt trên 218,82 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, theo Tổng cục Hải quan).

Đáng chú ý là khu vực FDI vẫn đóng góp lớn vào thặng dư cán cân thương mại hàng hóa. Trong 11 tháng năm 2019, khu vực này xuất siêu gần 32,6 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 30,7 tỷ USD không kể dầu thô.

“Mặc dù khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 23,48 tỷ USD, nhưng suất siêu của khu vực đầu tư nước ngoài đã bù đắp được nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước. Vì vậy, cả nước xuất siêu 9,1 tỷ USD trong 11 tháng năm 2019”, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả