menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trí Tú

10 xu hướng kinh tế định hình năm 2022

Nếu 2021 là thời điểm thế giới lật ngược tình thế để chống lại đại dịch, năm 2022 sẽ bị chi phối bởi việc nhu cầu được điều chỉnh theo thực tế mới. Đó là nỗi lo lạm phát, xu hướng của thị trường tiền số, và các lĩnh vực được định hình lại bởi cuộc khủng hoảng do đại dịch như môi trường làm việc, tương lai của du lịch. Năm 2022, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ chậm lại, nhưng được dự báo sẽ có nhiều biến động nội tại, quyết định sự thay đổi về chất.

1. Covid-19 đang dần thành bệnh đặc hữu

Sự bùng phát trở lại của Covid-19 vào mùa Thu năm 2021, khởi điểm từ các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng dưới mức trung bình. Sự lây lan Covid-19 trên toàn cầu cùng sự xuất hiện của biến thể mới sẽ kích hoạt phản ứng của các chính phủ, tập trung vào việc tránh cho hệ thống y tế không bị căng thẳng và khuyến khích tiêm chủng.

Sang năm 2022, điều trước tiên có thể dự đoán là những làn sóng Covid-19 mới, như biến chủng Omicron sẽ không thể làm chệch ray quá trình phục hồi kinh tế ở nhiều nước, vì có nhiều dấu hiệu cho thấy dịch gây ra bởi Covid-19 đang và sẽ biến chuyển từ đại dịch như năm trước sang dịch bệnh mang tính thông thường hơn, kiểu như cúm mùa.

Tuy vậy, dù không còn nguy hiểm như năm trước nhưng làn sóng gây nhiễm Covid-19 mới vẫn sẽ làm các chính phủ duy trì một số hạn chế nhất định trong các hoạt động kinh tế để tránh sự bùng phát lây nhiễm dẫn đến sự quá tải của hệ thống y tế. Vì vậy, cỗ xe kinh tế thế giới sẽ không bị trật bánh trong năm 2022, nhưng không đồng nghĩa với khả năng tốc độ phục hồi tăng trưởng không chậm lại.

2. Căng thẳng chuỗi cung ứng và lạm phát “nguội dần”

Sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm 2021 làm cho nhiều hãng sản xuất lớn trên thế giới đã phải cắt giảm công suất, thậm chí ngừng sản xuất và điều này có thể sẽ tiếp tục trong năm 2022 tới bởi nhiều nước vẫn duy trì các hạn chế về đi lại giữa các quốc gia để đối phó với biến chủng Covid mới, tiếp tục làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa và con người giữa các quốc gia, các ngành kinh tế. Nhưng hậu quả của sự tiếp tục đứt gãy chuỗi cung ứng gây ra tình trạng mất cung cầu, làm gia tăng áp lực lên lạm phát được dự báo sẽ giảm dần vào cuối năm 2022 khi một loạt chính sách ở tầm quốc gia được thi hành

Tình trạng gián đoạn vận chuyển, thiếu nguồn cung và giá năng lượng tăng sẽ tiếp tục gây áp lực lạm phát trong nửa đầu năm 2022. Các nút thắt hậu cần sẽ chỉ được giải quyết vào cuối năm nay, khi nhu cầu hàng hóa giảm nhiệt và giao thông vận tải được bình thường hóa. Trong đó, sản lượng dầu của các nước OPEC+ và Mỹ tăng hợp lý, cũng như lượng khí đốt tự nhiên của Nga đủ làm giảm bớt áp lực từ giá năng lượng.

Tình trạng thiếu điện đã cản trở hoạt động sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc đại lục vào mùa Thu vừa qua, sẽ được giải quyết vào năm 2022, nhưng các hạn chế sản xuất đối với các ngành thâm dụng năng lượng sẽ được duy trì, khi nền kinh tế này quyết tâm với con đường trung hòa carbon.

Tiền lương sẽ tạm thời đáp ứng áp lực thị trường lao động tại Mỹ và châu Âu mà không ảnh hưởng lâu dài đến lạm phát. Do đó, tỷ lệ lạm phát sẽ chậm lại vào cuối năm 2022.

3. Tiến trình thắt chặt tiền tệ bắt đầu ở mức vừa phải

Định hướng chính sách toàn cầu nói chung là chuyển sang thắt chặt tiền tệ, tuy nhiên mỗi ngân hàng trung ương sẽ quyết định các mức độ khác nhau. Điều kiện thị trường đối với các loại tài sản rủi ro hơn ngày càng xấu đi, nhưng sẽ không xảy ra các cơn hoảng loạn trên thị trường.

Lạm phát cao, tiến trình phục hồi kinh tế và tiến bộ trong kiểm soát đại dịch Covid-19 - ngay cả khi những tiến bộ không đồng đều - sẽ khuyến khích các ngân hàng trung ương tiến tới chính sách tiền tệ thắt chặt hơn vào năm 2022.

Trong khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu giảm bớt mua tài sản, các nhà kinh tế của Morgan Stanley cho rằng FED có thể sẽ đợi đến tháng 9/2022 mới tăng lãi suất và ECB có thể giữ nguyên lãi suất cho đến cuối năm 2023.

Ở những nơi khác trên thế giới, nhiều ngân hàng trung ương đã bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ. Ông Carpenter nói: “Nhưng chúng tôi nghĩ rằng các ngân hàng sẽ không đột ngột đưa lãi suất trở lại mức trung lập, chứ chưa nói đến trường hợp hạn chế”.

Trong khi đó, đầu tư kinh doanh đã phục hồi nhanh hơn tốc độ tăng trưởng toàn cầu và mạnh hơn so với những đợt suy thoái gần đây. Ông Carpenter cho biết thêm: “Phục hồi nhờ chi tiêu đầu tư có thể lâu bền và nếu đầu tư vốn mới kèm theo tiến bộ công nghệ, thì năng suất cũng có thể được tăng cường, giảm bớt áp lực lạm phát và cho phép tăng trưởng mạnh mẽ tiếp tục”.

Những yếu tố này và các yếu tố khác có thể giúp cho GDP toàn cầu đi theo con đường trở về mức trước đại dịch COVID-19.

4. Cuộc chiến với công nghệ

Các cơ quan quản lý ở Mỹ và châu Âu đã cố gắng kiềm chế những gã khổng lồ công nghệ trong nhiều năm, nhưng vẫn chưa tác động đáng kể lên tăng trưởng hoặc lợi nhuận của họ

Trong vấn đề này, Trung Quốc lại đi tiên phong khi triển khai các biện pháp siết chặt quản lý một cách quyết liệt. Chủ tịch Tập Cận Bình muốn họ tập trung vào “công nghệ sâu” mang lại lợi thế địa chiến lược, chứ không phải những thứ như trò chơi và mua sắm. Nhưng điều này liệu có thúc đẩy sự đổi mới của Trung Quốc hay ngược lại - kìm hãm sự năng động của ngành công nghệ?

5. Bước trưởng thành của tiền số

Giống như tất cả các công nghệ đột phá, tiền kỹ thuật số đang được “thuần hoá” khi các cơ quan quản lý thắt chặt quy định. Các ngân hàng trung ương đang tìm cách tung ra các loại tiền kỹ thuật số của riêng họ.

Kết quả là sẽ có một cuộc chiến 3 bên trong tương lai các ngành tài chính. Đó là người hâm mộ tiền số - Blockchain - Tài chính phi tập trung (DeFi), các công ty công nghệ truyền thống hơn; và ngân hàng trung ương. Cuộc chiến này dự kiến sẽ khốc liệt hơn trong năm 2022

6. Tăng chênh lệch giữa các nền kinh tế

Tốc độ mở rộng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại khi các nền kinh tế tiệm cận mức tiềm năng. Tuy nhiên, một khi sự gián đoạn về phía nguồn cung giảm bớt, dù không đồng đều giữa các khu vực và loại trừ những bất ngờ tiêu cực từ các biến thể Covid-19 mới, tăng trưởng sẽ tạm thời đi lên. Trong đó, các nền kinh tế hoặc khu vực có thế mạnh về công nghiệp và thương mại được hưởng lợi nhiều nhất.

Ngược lại, khó khăn từ nhiều yếu tố khác nhau, kể cả vấn đề gián đoạn nguồn cung và nguy cơ Covid-19, sẽ làm phức tạp mô hình tăng trưởng ở một số khu vực.

7. Tăng trưởng nền kinh tế Mỹ chậm lại

Fed sẽ hoàn thành việc giảm bớt việc mua tài sản trong mùa Xuân và ngay sau đó bắt đầu nâng lãi suất cơ bản. Đạo luật “Build Back Better” của Tổng thống Biden có thể sẽ được ban hành, nhưng chỉ có tác động khiêm tốn đối với triển vọng kinh tế trong ngắn hạn. Biến thể Omicron gây rủi ro cho triển vọng tăng trưởng.

Tăng trưởng của nền kinh tế số 1 sẽ chậm lại nhưng chấp nhận được, trong bối cảnh tác động từ các biện pháp kích thích kinh tế liên quan dịch Covid-19 giảm dần, chính sách nới lỏng tiền tệ chấm dứt, nhu cầu bị dồn nén được thỏa mãn và Covid-19 chuyển từ đại dịch sang bệnh đặc hữu.

Động lực tăng trưởng sẽ chuyển từ mua hàng hóa sang mua dịch vụ. Lạm phát cốt lõi sẽ giảm xuống còn 2% khi áp lực giá do gián đoạn chuỗi cung ứng giảm dần.

8. Trung Quốc tăng trưởng dưới mức tiềm năng

Tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc, đang ở giai đoạn chuyển đổi trạng thái, nhưng là nghĩa tiêu cực.

Nhưng tình trạng suy thoái thanh khoản hiện nay của các nhà phát triển bất động sản khó có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính, bởi các nỗ lực kiểm soát tình hình và sự can thiệp của nhà nước vào khu vực kinh tế tư nhân ngày càng sâu rộng.

Vào năm 2021, động thái chấn chỉnh các lĩnh vực bất động sản, phát thải carbon và ngành công nghệ đã làm chậm lại quá trình tăng trưởng kinh tế nước này.

Ông Robin Xing, Trưởng nhóm Kinh tế Trung Quốc tin rằng tăng trưởng Trung Quốc sẽ phục hồi lên 5,5% vào năm tới, cao hơn mức đặt ra nhưng thấp hơn đáng kể so với mức trong các năm gần đây của Trung Quốc.

Sau đó, tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể sẽ chậm lại, còn 4,8% vào năm 2023 và chỉ ở mức trên 4% trong tương lai gần

9. Một cuộc khủng hoảng nợ lan rộng?

Mặc dù một số quốc gia đang phải đối mặt với rủi ro về nợ gia tăng, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia, Argentina, Lebanon, Ethiopia và Zambia, những quốc gia khác có khả năng chống chọi tốt hơn, khiến cuộc khủng hoảng thị trường mới nổi toàn cầu - như năm 1998 - khó có thể xảy ra.

Các nền kinh tế mới nổi có định hướng hàng hóa và năng lượng sẽ hưởng nguồn thu từ xuất khẩu mở rộng và tài khóa, khi giá tài nguyên thiên nhiên toàn cầu cao hơn. Tuy nhiên, rủi ro có thể xuất hiện ở châu Mỹ Latinh, nơi những thay đổi chính trị và sự không chắc chắn về chính sách làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn.

10. Động lực từ tiêu chí môi trường và chuyển đổi năng lượng

Dự báo sẽ có một số chuyển động chính sách liên quan các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG), tuy nhiên, việc thực thi sẽ không dễ dàng khiến những thay đổi này chưa tác động đáng kể đến nền kinh tế 2022.

Với sự tập trung nhiều hơn của giới chính trị và công chúng đối với vấn đề biến đổi khí hậu, các nhà đầu tư và quản lý đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn tới ESG, tiếp thêm động lực ở cấp quốc gia và quốc tế.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại