10 thói quen khiến người trẻ khó độc lập tài chính
Những thói quen tiêu dùng hàng ngày đang làm hao mòn túi tiền của bạn
Tự chủ về tài chính là một trong những bước quan trọng trong hành trình xây dựng tương lai, làm chủ cuộc sống của mỗi người. Tuy nhiên, để thực sự độc lập và biến nó thành một bước đệm vững chắc giúp bạn thực hiện những mong ước trong tương lai đòi hỏi bạn phải có những thói quen tiêu dùng đúng đắn và hợp lý.
Thành công và thịnh vượng là những thứ mà ai trong chúng ta đều khát khao, nhưng chỉ ít người dành thời gian để suy ngẫm và loại bỏ các thói quen không tốt, nhất là về tài chính tiêu dùng hàng ngày. Đôi khi, việc nhận ra chính bản thân đang có những thói quen gì cũng không phải điều dễ dàng. Tuy nhiên, một khi đã hiểu rõ, bạn có thể điều chỉnh để mang lại hiệu quả tích cực.
Hãy cùng tham khảo và liên hệ với bản thân bạn nhé!
1. Bỏ phí thức ăn
Bạn nên nhớ nhiều người ngoài xã hội vẫn còn đang thiếu ăn từng ngày. Vì vậy, lãng phí thức ăn là một vấn đề nghiêm trọng. Việc quên đi trong tủ lạnh của bạn đang có những gì và cứ để đồ ăn tồn bị hư, sau đó đem đi bỏ trước hết sẽ khiến bạn lãng phí một khoản tiền, sau là một điều tội lỗi.
Bạn nên cân nhắc không mua và tích trữ quá nhiều thức ăn trong tủ lạnh bởi nhiều khả năng bạn sẽ không thể sử dụng hết chúng trước hạn sử dụng. Nếu bạn quá bận bịu và buộc phải làm như vậy, hãy chú ý xác định được những thứ đã cũ và cần phải sử dụng. Mỗi loạt thịt, sữa hay hoa quả đều có những thời hạn sử dụng an toàn khác nhau, bạn cần nắm rõ trước khi mua để tránh lãng phí.
2. Không bao giờ mặc cả
Ở nhiều nơi, cả người bán và người mua đều có thể mặc cả. Điều này sẽ rất tốt đối với người ưa tiết kiệm. Bạn có thể mặc cả khi mua mọi thứ từ một căn hộ, đồ nội thất hay một thiết bị điện tử. Nếu có thể thương lượng, bạn luôn có cơ hội được giảm giá. Đừng bỏ lỡ cơ hội tiết kiệm tiền, bạn chỉ cần hỏi xem liệu món đồ có được giảm giá hay ưu đãi hay không. Bạn có thể nghĩ số tiền có được khi mặc cả không đáng là bao, tuy nhiên trước hết nhiều khoản nhỏ sẽ thành một khoản lớn. Hơn nữa, mặc cả là để bạn mua được giá trị hợp lý của món đồ và không bị người bán “dắt mũi”.
3. Không tiết kiệm tiền hàng tháng
Có thể tiết kiệm là từ bạn đã nghe cả ngàn lần,nhưng làm được điều này thì lại không hề dễ dàng. Chắc hẳn bạn đã từng lâm vào tình cảnh 1 tuần nữa mới đến kỳ lương nhưng số tiền còn lại không đủ cho các bữa ăn thường ngày. Bạn nên cân nhắc lại thói quen chi tiêu, tiết kiệm của mình. Ít nhất, mỗi tháng bạn nên trích khoảng 10% thu nhập để tiết kiệm, đề phòng những trường hợp khẩn cấp, hoặc tái đầu tư cho tương lai.
4. Tiêu xài thoải mái với thẻ tín dụng
Nhiều người quên mất một điều rằng thẻ tín dụng không phải một nguồn thu nhập. Nếu bạn tiêu tiền trong thẻ tín dụng như tài sản của mình, hãy dừng lại ngay. Thẻ của bạn có thể có hạn mức chi tiêu cao, nhưng để không mất thêm một khoản lãi cho ngân hàng, bạn phải thanh toán hết nợ hàng tháng. Chi tiêu bằng thẻ tín dụng cũng có thể gây nghiện và thành một thói quen khó bỏ, nếu chi tiêu quá thoải mái với thẻ tín dụng, bạn sẽ luôn sống trong cảnh nợ nần.
5. Nghiện mua sắm và chạy theo mốt
Mua sắm có thể giúp cải thiện tâm trạng của bạn nhưng nếu trở thành nghiện thì nó thực sự là một thói quen tài chính tệ. Bạn có thường xuyên mua sắm mà không lên kế hoạch trước?
Bạn có nhận ra rằng đôi khi tới cửa hàng hay siêu thị, bạn đã mua nhiều thứ không cần thiết. Mặc dù chúng có thể không quá đắt, nhưng nếu tổng kết lại trong một năm thì bạn sẽ bất ngờ vì số tiền không nhỏ mình đã chi tiêu. Đôi khi, bạn mua sắm mà không tính toán mà chỉ đang cố gắng giải tỏa vấn đề tâm lý.
Bạn có thể dành tiền mua một bộ quần áo hay chiếc đồng hồ đẹp, phù hợp với vóc dáng và có thể diện trong nhiều hoàn cảnh, thay vì một lô quấn áo theo thời chỉ có thể mặc vài lần rồi bỏ xó.
Bạn nên thành thực với tình hình tài chính của bản thân và chọn mua trang phục phù hợp với những thứ bạn đã có sẵn. Những món đồ cũ bạn không dùng tới nữa, hãy nghĩ tới việc thanh lý chúng. Dù sao, bạn cũng sẽ thu lại được một khoản tiền.
6. Không mua hàng hóa tích trữ
Bạn không nên nghĩ rằng chỉ có những bà nội trợ mới mua hàng tiêu dùng hàng loạt. Bạn đừng ngại ngần khi ra cửa hàng hay siêu thị để mua cả bịch to giấy vệ sinh, hàng thùng sữa hay những chai dầu gội lớn... Nhất là khi chúng có hạn sử dụng khá dài.
Trước hết, việc mua lô lớn sẽ giúp bạn tiết kiệm hơn là mua lẻ từng món một, chưa kể nhiều cửa hàng hay siêu thị còn có thể giảm giá mạnh khi bạn mua hàng số lượng lớn. Hơn nữa, việc tích trữ những mặt hàng tiêu dùng cần thiết trong nhà sẽ ngăn bạn chi tiêu nhiều tiền cho những thứ không cần thiết bởi bạn đã có nguồn cung cấp dài hạn tại nhà.
7. Ở trong một ngôi nhà quá rộng so với nhu cầu
Chi phí cho nhà ở là một khoản tiền lớn trong tổng chi sinh hoạt của bạn. Nếu bạn đang thuê nhà, điều này càng đúng hơn. Chính vì vậy, bạn nên cân nhắc thuê hoặc mua một ngôi nhà vừa đủ trong điều kiện tài chính. Hơn nữa, không chỉ tiền thuê nhà, bạn còn phải chi cho các khoản điện nước, sửa chữa nội thất.
Nếu bạn ở một ngôi nhà quá rộng so với nhu cầu thực tế của mình, những chi phí không cần thiết cũng sẽ tăng lên đáng kể và ăn mòn vào các khoản chi quan trọng khác như giáo dục hay đầu tư. Như vậy, nó có đáng để bạn đánh đổi hay không?
8. Không tham khảo ý kiến người thân khi mua những thứ có giá trị
Trước khi mua những món đồ có giá trị lớn trong gia đình, bạn nên tham khảo ý kiến từ cha mẹ hay vợ chồng. Họ là người thân và sẽ luôn ở cùng nhóm lợi ích với bạn. Hãy thảo luận về kế hoạch của bạn với gia đình, có thể bạn sẽ nhận được những lời khuyên có giá trị và tránh được việc “rước” những món đồ “cả thèm chóng chán”.
9. Không quan tâm tới thị trường tài chính – chứng khoán
Nếu tại thời điểm hiện tại mà thị trường tài chính - chứng khoán vẫn là một khái niệm khó hiểu với bạn thì bạn nên dành ngay thời gian để tìm hiểu. Mỗi ngày có tới hàng chục ngàn tỷ đồng giao dịch trên các thị trường chứng khoán, tiền tệ, vàng bạc. Nếu bạn muốn trở nên độc lập về tài chính, bàn cần có những kiến thức này.
Hãy bắt đầu với những khái niệm đơn giản để hiểu một cách cơ bản về tài chính, nên nhớ biến động của lạm phát hay tỷ giá có tác động trực tiếp tới túi tiền của bạn. Nếu hứng thú và muốn phát triển, hãy đầu tư và kiếm lợi nhuận.
10. Bỏ quên việc chuẩn bị và lập kế hoạch cho các kỳ nghỉ
Nếu không lên kế hoạch cho các kỳ nghỉ dài ngày, bạn có thể sẽ lâm vào tình cảnh phải mua những chiếc vé máy bay và đặt phòng khách sạn với giá đắt gấp nhiều lần so với khi bạn đặt trước.
Thông thường, thứ 3, thứ 4 là những ngày các chuyến bay, giá phòng khách sạn rẻ nhất. Cuối tuần hay những ngày nghỉ lễ luôn là thời điểm mà giá các dịch vụ cho một chuyến du lịch tăng vọt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận