10 gia tộc giàu nhất châu Á nắm giữ tổng tài sản hơn 300 tỷ USD
Gia tộc Ambani của Ấn Độ tiếp tục giàu nhất tại châu Á với khối tài sản 76 tỷ USD
1. GIA TỘC AMBANI (ẤN ĐỘ)
Ambani là gia tộc đứng sau đế chế công nghiệp Reliance Industries với doanh thu hàng năm gần 90 tỷ USD và khoảng 195.000 nhân viên. Vài năm gần đây, với tài sản và quyền lực ngày càng gia tăng, gia tộc giàu nhất châu Á Ambani được cho là đóng vai trò ngày càng lớn trong đời sống kinh tế và văn hóa tại châu lục này. Sự giàu có của họ thường được thể hiện ở những đám cưới, bữa tiệc xa hoa, những chuyến du lịch xa xỉ và ở chính nơi họ sống - căn nhà đắt nhất thế giới.
Trung tâm của gia tộc này là Mukesh Ambani. Ông và em trai Anil Ambani được thừa kế cơ nghiệp vào năm 2002, khi cha họ - ông Dhirubhai Ambani, người sáng lập Reliance Industries qua đời mà không để lại di chúc. Tranh chấp giành tài sản nổ ra giữa hai anh em khiến mẹ của họ buộc phải chia Reliance làm đôi.
2. GIA TỘC KWOK (HỒNG KÔNG)
Nhà Kwok đứng sau tập đoàn Sun Hung Kai Properties ở Hồng Kông - do Kwok Tak-seng, một nhà buôn hàng tạp hóa, đồng sáng lập vào năm 1972. Hiện tại, Sun Hung Kai Properties là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Hồng Kông. Đây cũng là nền móng cho khối tài sản khổng lồ của gia tộc Kwok.
Sau khi Kwok Tak-seng qua đời vào năm 1990, ba con trai của ông, Walter, Thomas và Raymond, tiếp quản quyền điều hành tập đoàn. Tuy nhiên, tới năm 2008, Walter Kwok bị cách chức chủ tịch tập đoàn do mâu thuẫn với hai em trai. Hiện tại, tập đoàn này đang dần được chuyển giao cho thế hệ thứ ba.
3. GIA TỘC CHEARAVANONT (THÁI LAN)
Gia tộc Chearavanont đứng sau tập đoàn tư nhân lớn nhất Thái Lan Charoen Pokphand, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực từ bán lẻ, thực phẩm cho tới viễn thông. Charoen Pokphand khởi nguồn từ một cửa hàng bán hạt giống nhỏ ở Bangkok, do Chia Ek Chor cùng em trai đồng sáng lập vào năm 1921.
Gần một thế kỷ sau đó, con trai của Chia, Dhanin Chearavanont trở thành chủ tịch của tập đoàn. Và hiện tại, hai con trai của Dhanin, tức thế hệ thứ ba của gia đình, đang lần lượt giữ vị trí CEO và chủ tịch tập đoàn.
4. GIA TỘC HARTONO (INDONESIA)
Năm 1950, doanh nhân gốc Trung Quốc Oei Wie Gwan đã mua lại một thương hiệu thuốc lá và đổi tên thành Djarum - công ty sau này trở thành nhà sản xuất thuốc lá lớn nhất Indonesia. Sau khi ông Oei qua đời vào năm 1963, hai con trai của ông, Michael Bambang Hartono và Robert Budi Hartono đã mở rộng hoạt động kinh doanh với việc đầu tư vào ngân hàng Bank Central Asia và đây trở thành nguồn tài sản lớn nhất của gia đình. Hiện tại, đế chế của gia đình Hartano đang được điều hành bởi thế hệ thứ ba. Trong đó, Armand Wahyudi Hartono - con trai của Robert Budi Hartono - là phó chủ tịch Bank Central Asia.
5. GIA TỘC SAMSUNG (HÀN QUỐC)
Nhà họ Lee là gia tộc đứng sau Samsung - đế chế kinh doanh lớn nhất Hàn Quốc. Tập đoàn này ra đời vào năm 1938, khi đó là một công ty thương mại xuất khẩu rau, trái cây và cá, do Lee Byung-chull sáng lập. Năm 1969, ông Lee Byung-chull bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực điện tử với việc thành lập Samsung Electronics - hiện là nhà sản xuất điện thoại và chíp lớn nhất thế giới.
Sau khi Lee Byung-chull qua đời năm 1987, con trai thứ ba của ông - Lee Kun-hee tiếp quản cơ nghiệp của gia đình, đưa Samsung trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới. Tháng 10/2020, ông Lee Kun-hee qua đời sau nhiều năm nằm viện vì bệnh tim, để lại tập đoàn cho thế hệ thứ ba nhà họ Lee - gồm con trai duy nhất Jay Y. Lee và hai con gái. Tuy nhiên, để thừa kế tài sản, các con của ông Lee Kun-hee có thể phải nộp tới 10 tỷ USD tiền thuế.
6. GIA TỘC YOOVIDHYA (THÁI LAN)
Gia tộc Yoovidhya bắt đầu kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm với công ty T.C. Pharmaceutical do ông Chaleo Yoovidhya thành lập vào năm 1956, sau đó mở rộng sang hàng tiêu dùng. Tới năm 1975, ông Chaleo Yoovidhya phát minh ra một loại nước tăng lực và đặt tên là Krating Daeng, trong tiếng Thái là "red bull". Sau khi đồ uống này "lọt vào mắt xanh" của nhà tiếp thị người Áo Dietrich Mateschitz, nó đã được Mateschitz và Chaleo điều chỉnh công thức và xuất khẩu ra toàn cầu dưới tên gọi Red Bull.
Ngày nay, phần lớn tài sản của gia đình Yoovidhya đến từ sự thành công của Red Bull, thông qua tập đoàn TCP Group. Sau khi ông Chaleo qua đời vào năm 2012, con trai thứ của ông - Saravoot Yoovidhya - trở thành CEO TCP Group. Năm 2019, Red Bull được tiêu thụ 7,5 tỷ lon trên toàn cầu.
Trong khi đó, con trai cả của ông Chaleo - Chalerm Yoovidhya - một trong những cổ đông chính của TCP Group, phụ trách mảng kinh doanh rượu và các hợp đồng với Ferrari ở nước ngoài. Thời gian gần đây, Red Bull vấp phải làn sóng phản đối tại quê nhà Thái Lan sau bê bối của "Thái tử Red Bull" Vorayuth Yoovidhya - con trai ông Chalerm Yoovidhya.
7. GIA TỘC CHENG (HỒNG KÔNG)
Gia tộc Cheng nắm giữ đế chế trang sức Chow Tai Fook Jewellery tại Hồng Kông với doanh thu 7,3 tỷ USD trong năm tính tới tháng 3/2020. Mã chứng khoán của công ty này là 1929 - tượng trưng cho năm thành lập. Ngoài ra, gia đình Cheng cũng nắm quyền kiểm soát công ty hạ tầng và bất động sản New World Development, sở hữu khách sạn Rosewood Hotels and Resorts, Carlyle ở New York và Hotel de Crillon ở Paris. Hiện tại, đế chế kinh doanh của gia đình Cheng được điều hành bởi thế hệ thứ 4.
8. GIA TỘC MISTRY (ẤN ĐỘ)
Đế chế kinh doanh của gia đình Mistry tại Ấn Độ bắt đầu vào năm 1865, khi ông nội của Pallonji Mistry thành lập một công ty xây dựng cùng với một đối tác người Anh. Công ty đó giờ đây trở thành Shapoorji Pallonji Group, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực từ kỹ thuật cho tới xây dựng. Gia đình này cũng nắm cổ phần tại Tata Sons, công ty sở hữu tập đoàn Tata Group - hoạt động tại hơn 100 quốc gia trên thế giới với 720.000 nhân viên. Hiện tại, Shapoorji Pallonji Group được điều hành bởi thế hệ thứ 5 của gia đình Mistry.
9. GIA TỘC PAO/WOO (HỒNG KÔNG)
Hơn 60 năm trước, doanh nhân Pao Yue-kong thành lập một công ty vận tải biển với lộ trình từ Thượng hải sang Hồng Kông với số tiền 20.000 Đôla Hồng Kông. Đến năm 1979, công ty này có hơn 200 tàu - đội tàu tư nhân lớn nhất thế giới thời điều đó - và trở thành BW Group. Sau đó, BW Group tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực bất động sản. Cuối những năm 1970, ông Pao thâu tóm hai công ty bất động sản và thương mại lớn tại Hồng Kông, giờ đây là styled Wharf và Wheelock.
Khi Pao qua đời vào năm 1991, các công ty của ông được chia cho 4 con gái và chồng của họ. Hiện tại, phần lớn tài sản của gia đình này đến từ công ty bất động sản Wheelock. Năm 2014, Douglas Woo, cháu trai của Pao, được bổ nhiệm làm chủ tịch Wheelock.
10. GIA TỘC SY (PHILIPPINES)
Cơ nghiệp của gia tộc Sy bắt đầu vào năm 1958, khi Henry Sy - người nhập cư từ Trung Quốc vào Philippines - mở một cửa hàng giày có tên Shoemart tại thành phố Manila. Shoemart sau đó phát triển trở thành tập đoàn khổng lồ SM Investments, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực từ bán lẻ, ngân hàng và bất động sản. Hiện tại, SM Investments điều hành gần 2.800 cửa hàng bán lẻ và có hơn 2.000 chi nhánh ngân hàng. Năm 2017, Harley Sy, con trai của nhà sáng lập, đã chuyển giao vị trí điều hành tập đoàn cho một giám đốc không thuộc gia đình Sy.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận