10 điểm nổi bật trong hoạt động ngân hàng Việt Nam năm 2019
Việc điều hành chính sách tiền tệ và hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam trải qua một năm nhiều thử thách, thành công trong giữ ổn định chung và cải thiện chất lượng hoạt động.
1. Giảm nhiều loại lãi suất
Sau xu thế cắt giảm lãi suất mở rộng trên thế giới, ngày 16/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chính thức điều chỉnh các lãi suất điều hành, nhưng chỉ giảm một bước nhẹ 0,25 điểm phần trăm.
Ngày 19/11, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ trần lãi suất VND cho vay ngắn hạn đối với các nhóm, lĩnh vực ưu tiên; hạ trần lãi suất tiền gửi VND.
Trong quá trình điều hành, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có hai lần giảm lãi suất thị trường mở; ba lần giảm lãi suất tín phiếu; lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc cũng giảm khá mạnh sau nhiều năm.
Trong năm, một số ngân hàng thương mại lớn có hai đợt công bố giảm lãi suất cho vay nổi bật, tập trung cho dư nợ thuộc các nhóm, lĩnh vực ưu tiên.
2. Tỷ giá USD/VND đi ngang, dự trữ ngoại hối lập kỷ lục mới
Sau đợt biến động mạnh cuối quý II, về cơ bản tỷ giá USD/VND đi ngang trong năm 2019. Sự ổn định này đặt trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ có nhiều đợt biến động mạnh.
Điểm nhấn của 2019 nằm ở tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố, với mức tăng gần 1,5% so với cuối 2018. Hướng tăng này được cho là sự chủ động của nhà điều hành để đưa tỷ giá trung tâm trở nên cân bằng hơn so với các mức tỷ giá giao dịch trên các thị trường.
Năm 2019 ghi nhận Ngân hàng Nhà nước có lần giảm khá mạnh giá mua vào USD, từ 23.200 VND xuống 23.175 VND vào cuối tháng 11. Cùng đó, cơ quan này đã có năm mua ròng lượng lớn ngoại tệ, nâng kỷ lục dự trữ ngoại hối quốc gia lên khoảng 73-75 tỷ USD.
3. Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ
Ngày 29/5, Bộ Tài chính Mỹ công bố báo cáo chính sách kinh tế vĩ mô, thương mại và tỷ giá với các nước là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tại báo cáo này Bộ Tài chính Mỹ đưa ra danh sách 9 nước cần theo dõi, giám sát, trong đó có Việt Nam.
Trong ba tiêu chí để Bộ Tài chính Mỹ đưa các nước vào báo cáo này, Việt Nam thỏa mãn 2 tiêu chí về thặng dư thương mại và cán cân vãng lai, còn tiêu chí về can thiệp ngoại hối 1 chiều thấp hơn ngưỡng Mỹ đưa ra.
Việc bị đưa vào danh sách trên được cho là một điểm áp lực đối với việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, khi căn theo các tiêu chí Bộ Tài chính Mỹ đưa ra, đặc biệt trong bối cảnh các xung đột thương mại trên thế giới diễn ra căng thẳng trong năm 2019, cũng như chủ nghĩa bảo hộ nổi lên trước đó.
4. 18 ngân hàng đạt chuẩn Basel II trước thời hạn
Đến cuối 2019, hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam đã có 18 thành viên được Ngân hàng Nhà nước xác nhận áp dụng Thông tư 41 (Basel II – phương pháp tiêu chuẩn) trước thời hạn.
Trong số 18 ngân hàng này, mới chỉ duy nhất 1 ngân hàng đã hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II.
Trong khi đó, khoảng phân nửa hệ thống, đặc biệt là những thành viên lớn như Agribank và VietinBank, hiện vẫn chưa rõ triển vọng đáp ứng yêu cầu. Điều này dự kiến sẽ có trở ngại trong các chỉ tiêu tăng trưởng năm 2020, nhất là ở chỉ tiêu tín dụng.
5. Tăng trưởng tín dụng dự kiến thấp nhất trong 5 năm
Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14%. Tuy nhiên, nhiều dự báo cập nhật gần đây cho thấy thực tế mức tăng trưởng tín dụng cả năm có thể không đạt chỉ tiêu trên.
Một số chuyên gia và công ty chứng khoán dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2019 chỉ vào khoảng quanh 13%, và sẽ là mức tăng thấp nhất trong 5 năm gần đây. Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng năm 2015 là 17,29%, năm 2016 là 18,71%, năm 2017 là 18,17%, năm 2018 là 13,89%.
Tăng trưởng tín dụng dự kiến thấp đi trong điều kiện hệ thống tổ chức tín dụng đang và sẽ phải đáp ứng các giới hạn, tỷ lệ an toàn hoạt động ngày một chặt chẽ hơn, trong khi tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam đã vượt trên 130% kể từ cuối năm 2018.
6. Thay đổi lớn cơ cấu tiền gửi Kho bạc Nhà nước
Lần đầu tiên trong lịch sử, cơ cấu tiền gửi hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam có thay đổi lớn từ tháng 11/2019. Theo quy định mới của Bộ Tài chính, nguồn tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước phải kết chuyển về Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, thay vì đọng lại tại một số ngân hàng thương mại.
Cùng đó, cũng từ tháng 11/2019, nguồn tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước cũng chuyển sang cơ chế đấu thầu, với việc chọn lọc các ngân hàng thương mại để gửi.
Nguồn tiền gửi Kho bạc Nhà nước những năm gần đây có quy mô hàng trăm nghìn tỷ đồng, trước đây chủ yếu để tại “Big 4”. Thay đổi trên được cho là nguyên nhân khiến lãi suất liên ngân hàng biến động rất mạnh vào cuối tháng 11 đầu tháng 12, nhưng dần lập lại cân bằng sau đó.
7. Quốc hội không thay đổi cơ chế tăng vốn cho “Big 4”
Qua kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, kết luận cuối cùng về các đề xuất tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã chốt lại. Đây được cho là nội dung quan trọng, đang được thẩm tra, báo cáo theo đúng quy trình và không đưa vào nghị quyết năm nay.
Theo đó, yêu cầu tăng vốn cho “Big 4” ngân hàng có vốn nhà nước chi phối chưa thể tháo gỡ về cơ chế và bố trí nguồn trong 2019. Agribank và VietinBank tiếp tục gặp khó khăn trong vấn đề này; còn BIDV đã tự hóa giải bằng thương vụ bán vốn cho KEB Hana Bank; Vietcombank tiếp tục xúc tiến kế hoạch bán thêm vốn cho nhà đầu tư nước ngoài để tăng vốn.
Liên quan, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hệ số an toàn vốn (CAR) của 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã ở sát ngưỡng cho phép. Nếu các ngân hàng này không tăng được vốn điều lệ, có thể phải hạn chế cấp tín dụng, thậm chí ngừng cấp tín dụng. Hiện “Big 4” đang chiếm khoảng 48% thị phần tín dụng.
8. Nhiều ngân hàng lên kế hoạch huy động vốn quốc tế
Năm 2019 đánh dấu hướng đi mới và có hướng mở rộng: một số ngân hàng thương mại lên kế hoạch và triển khai phát hành trái phiếu quốc tế để huy động vốn ngoại tệ.
VPBank, SHB, SeABank, TPBank… đều có kế hoạch huy động từ 300 triệu USD đến trên 1 tỷ USD ở hướng đi này - một quy mô và lượng ngân hàng thương mại tham gia ít thấy từ trước đến nay. Múc đích nhằm bổ sung nguồn vốn ngoại tệ trung và dài hạn, tạo cơ cấu bền vững hơn, khắc phục hạn chế nguồn vốn ngoại tệ huy động trong nước chủ yếu là ngắn hạn và bị giới hạn bởi trần lãi suất 0%.
Tuy nhiên, trong năm mới chỉ ghi nhận một phần vốn huy động thành công ở kênh này, và hầu hết các trường hợp trên đều chuyển kế hoạch sang năm 2020, hoặc tùy thời điểm thuận lợi.
9. Nhiều ngân hàng tất toán xong nợ xấu tại VAMC
Sau một số trường hợp trong 2017 và 2018, đến năm 2019 hệ thống tiếp tục có thêm các ngân hàng thương mại tất toán xong nợ xấu bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trước đây.
Đến cuối 2019, toàn hệ thống đã có 9 thành viên thực hiện được kết quả trên. Dự kiến kết năm có thể thêm một số thành viên lớn nữa.
Như vậy, kể từ khi VAMC bắt đầu mua nợ xấu từ năm 2013, cao điểm trong năm 2015, đến nay nhiều ngân hàng thương mại đã tự chủ động xử lý nợ xấu bằng việc tất toán trước hạn trái phiếu đặc biệt của tổ chức này.
10. Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm 18 ngân hàng
Ngày 20/12, sau khi hạ triển vọng của Việt Nam xuống “Tiêu cực”, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng có điều chỉnh tương ứng đối với 18 ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, Moody’s khẳng định việc điều chỉnh không nhằm phản ánh sức khỏe tài chính của các ngân hàng yếu đi, mà hoàn toàn chịu ảnh hưởng từ quyết định của tổ chức này với tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.
Trong khi đó, nửa đầu năm 2019 Việt Nam và các ngân hàng thương mại lần lượt đón kết quả đánh giá tích cực từ các hãng xếp hạng tín nhiệm khác. Tháng 4/2019, S&P lần đầu tiên sau 9 năm đã điều chỉnh nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ mức BB- lên BB; tháng 5/2019, Fitch nâng triển vọng từ mức ổn định lên tích cực, khẳng định duy trì mức xếp hạng BB.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận