1 triệu liều vắc-xin do Nhật Bản tài trợ về Việt Nam vào ngày 1/7
Chiều 29/6, tin từ Bộ Y tế cho biết 1 triệu liều vắc-xin Covid-19 do Chính phủ Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam dự kiến được chuyển đến vào ngày 1/7 và 8/7.
Trước đó, 1 triệu liều vắc-xin Covid-19 AstraZeneca do Nhật Bản viện trợ đã về Việt Nam vào tối 16/6. Sau đó, toàn bộ số vắc-xin này được chuyển tới TP.HCM, phục vụ chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử của TP.HCM.
Chiều 29/6, Bộ Y tế cho hay một triệu liều vắc-xin Covid-19 do Chính phủ Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam dự kiến được chuyển đến vào ngày 1/7 và 8/7. |
Việc cung cấp thêm 1 triệu liều vắc-xin sau 1 triệu liều đầu tiên là kết quả sau cuộc hội đàm của Việt Nam và Nhật Bản vào chiều ngày 21/6. Như vậy, cùng với lô vắc-xin cung cấp vào ngày 16/6, Nhật Bản đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng 2 triệu liều vắc-xin AstraZeneca.
Liên quan tới công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhà khoa học của Viện Hóa học vừa tìm ra phương pháp tổng hợp thuốc Favipiravir trong phòng thí nghiệm.
Favipiravir còn có tên gọi là T-705, được đăng ký thương mại với tên Avigan. Đây là dược phẩm chống virus phát triển bởi hãng Toyama Chemical, công ty con của Fujifilm Holdings tại Nhật Bản thử nghiệm. Nó hoạt động chống lại nhiều loại virus RNA, trong đó có SARS-CoV-2.
Không giống với phần lớn thuốc trị cúm sử dụng chất ức chế neuraminidase, Favipiravir ngăn chặn các gene của virus nhân rộng trong tế bào bị nhiễm bệnh. Nhờ vậy, Favipiravir rất hiệu quả khi sử dụng sớm trong quá trình điều trị, thời điểm mà nồng độ virus trong cơ thể vẫn ở mức thấp.
Trên thế giới thuốc Favipiravir đã được nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, một số nước như Nga, Ý đã đưa thuốc Favipiravir vào sử dụng trong điều kiện khẩn cấp cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 và thấy có những hiệu quả trong điều trị.
Tại Việt Nam, trước những diễn biến phức tạp trên thế giới, vào tháng 8/2020, Viện Hóa học đã bắt tay vào nghiên cứu tổng hợp thuốc Favipiravir. Sau gần 1 năm bắt tay vào nghiên cứu, các nhà khoa học tại Viện Hóa học đã tổng hợp thành công nguyên liệu làm thuốc Favipiravir.
GS.TS Nguyễn Văn Tuyến, Viện trưởng Viện Hóa học cho hay, hiện tại các nhà khoa học Viện Hóa học đã tổng hợp thành công nguyên liệu làm thuốc trong phòng thí nghiệm, chưa phải thuốc thành phẩm.
Việc nghiên cứu tổng hợp này sẽ rút ngắn quy trình, cải tiến điều kiện phản ứng, giúp cho hiệu suất và giá thành hợp lý khi sản xuất thuốc.
Thuốc Favipiravir được bào chế dưới dạng viên nén và sẽ được dùng bằng đường uống. Thuốc sẽ được sử dụng tương tự như các loại thuốc kháng virus điều trị cúm.
Theo các chuyên gia, việc nghiên cứu, cấp phép, sản xuất và tiêm chủng một số loại vắc-xin như Astrazeneca, Pfizer, Moderna, Johnson and Johnson đã góp phần ngăn ngừa đại dịch Covid-19 hiệu quả. Tuy nhiên, do xuất hiện nhiều loại biến thể mới có khả năng kháng vắc-xin, nên thuốc chống virus là yếu tố bổ sung quan trọng cho các loại vắc-xin hiện có trong phòng chống đại dịch Covid-19.
Tính chung cả ngày nước ta có 361 ca ghi nhận trong nước: TP. HCM (155), Bắc Giang (27), Bình Dương (24), Đồng Tháp (22), Tiền Giang (22), Quảng Ngãi (21), Phú Yên (20), Hưng Yên (15), Nghệ An (14), Long An (12), Hà Tĩnh (12), Bắc Ninh (5), Đồng Nai (4), Hải Phòng (2), Lạng Sơn (2), Trà Vinh (1), Vĩnh Long (1), Bình Thuận (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1); trong đó 308 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tính đến 18h30 ngày 29/6, Việt Nam có tổng cộng 14.624 ca ghi nhận trong nước và 1.789 ca nhập cảnh.
Có 10 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Quảng Nam, Trà Vinh, Bắc Kạn, Gia Lai, An Giang, Kiên Giang, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đắk Lắk.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận