24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Thu Hiền
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

'1 luật sửa 4 luật': Cởi những nút thắt đang vướng lâu nay

Để yên tâm bấm nút thông qua dự án '1 luật sửa 4 luật', đại biểu đề nghị phải đánh giá kỹ lưỡng các tác động và có cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm rõ ràng.

Sáng 20-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Đa số các đại biểu đều cho rằng đây là bốn luật quan trọng, có tác động rất lớn đến đời sống của người dân, doanh nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

'1 luật sửa 4 luật': Cởi những nút thắt đang vướng lâu nay

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) góp ý cho dự thảo '1 luật sửa 4 luật'. Ảnh: NT

Luật sớm có hiệu lực sẽ đem lại nhiều lợi ích mong đợi

Góp ý cho dự thảo '1 luật sửa 4 luật', đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng về thời điểm có hiệu lực của các luật này đã được tính toán từ thời điểm làm luật. Vấn đề dời thời điểm có hiệu lực của luật sớm hơn không chỉ là thời gian mà là còn là tác động nhiều mặt.

Chẳng hạn, các văn bản hướng dẫn, những công việc chuẩn bị để tuân thủ như nhiều hợp đồng, thỏa thuận đã kí kết và dự kiến vào thời điểm đó; nhiều dự án kinh doanh hay giao dịch cũng đã lấy mốc thời gian đó.

“Để yên tâm bấm nút thông qua, chúng tôi đề nghị phải có cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm về việc sẽ không gây ra thiệt hại, hay bất lợi cho bất kỳ đối tượng nào trong xã hội hay không” – ông Nghĩa nói.

Đại biểu cũng đặt vấn đề các văn bản hướng dẫn, văn bản cụ thể hóa luật sẽ lùi về 6 tháng như vậy mà không có hướng dẫn thì có kịp không, bởi có một thực tế là lâu nay chúng ta gặp tình trạng “nợ” các văn bản hướng dẫn.

Tôi cho rằng việc dời thời gian có hiệu lực sớm hơn của các luật này là để tốt hơn vì có nhiều lợi ích, tuy nhiên đã là luật pháp thì chúng ta phải xem xét các tác động nhiều mặt trong đời sống kinh tế - xã hội.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho biết vào thời điểm thảo luận về Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản thì thấy sự rất cần thiết phải sửa đổi, bổ sung và sớm ban hành các luật này.

Lý do, các luật này đã thể chế hóa được nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước; đồng thời khắc phục được những hạn chế, vướng mắc của các luật trước đây. Cạnh đó, cũng có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo ra được động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội.

Dẫn chứng một dự án đầu tư ở TP.HCM, ông Ngân nói nếu luật có hiệu lực từ ngày 1-8 thì việc triển khai sẽ rất thuận lợi. “Như vậy, khi Luật sớm có hiệu lực sẽ đem lại nhiều lợi ích mong đợi” – ông nhìn nhận.

Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ băn khoăn khi luật có hiệu lực sớm hơn thì sẽ tác động như thế nào đến những tranh chấp (nếu có). Từ đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị nên xem xét, bổ sung một điều khoản về việc giải quyết các tranh chấp xảy ra khi luật này có hiệu lực.

Trước những lo lắng về ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật sẽ không kịp vào 1-8, ông Ngân cho biết Luật Đất đai có 97 điều giao Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng, HĐND, UBND tỉnh thành quy định. Do vậy, nếu có lùi thời điểm có hiệu lực của luật tới ngày 1-1-2025 thì cũng chưa chắc đã có đủ các văn bản hướng dẫn liên quan.

“Cần tạo ra áp lực để các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan sớm ban hành các văn bản hướng dẫn và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm chất lượng các văn bản được ban hành có giá trị lâu dài, tránh trường hợp ban hành xong lại phải điều chỉnh” – đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

'1 luật sửa 4 luật': Cởi những nút thắt đang vướng lâu nay

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đặt chất lượng xây dựng các nghị định lên hàng đầu

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) nhìn nhận dự án luật này ngắn gọn nhưng rất khó, để Quốc hội quyết định thông qua “cũng rất đau đầu”, vì bốn luật này có tác động rất lớn đến toàn bộ vấn đề của nền kinh tế. Nếu không cẩn trọng thì hậu quả sau này cũng rất lớn.

Ông cũng cho rằng bốn luật này sẽ có hiệu quả nếu chúng ta triển khai sớm, giúp khơi thông nhiều vấn đề đang vướng mắc. Chẳng hạn việc phục hồi thị trường bất động sản trong bối cảnh nhu cầu nhà ở rất lớn mà cung không đủ cầu hiện nay thì bốn luật này đã giúp cởi những nút thắt đó.

Nếu triển khai sớm sẽ có tác động ngay đến nền kinh tế, hiệu quả trước mắt cũng rất nhiều. Dù vậy theo ông, nếu không cẩn trọng, chỉ cần một quyết định không chính xác sẽ để lại hậu quả và. “đây là thách thức phải chấp nhận”.

Đại biểu Cường cũng đề nghị không chạy đua về tiến độ để đẩy nhanh sớm hoàn thành các nghị định hướng dẫn. “Phải chuẩn bị và đặt chất lượng lên hàng đầu” – ông nhấn mạnh và đề xuất cho phép thực hiện sớm các luật này nhưng đặt ra yêu cầu Chính phủ phải hoàn thành các nghị định, thông tư hướng dẫn hoàn thành trước 31-12 với chất lượng cao nhất.

“Những nội dung trong luật mới mà khi thực hiện không được lợi như luật cũ thì đối tượng thực hiện được lựa chọn từ này cho đến 31-12” – ông nói thêm.

Phát biểu tại thảo luận tổ, Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết Luật Đất đai có lẽ là luật duy nhất đến thời điểm này trải qua bốn kỳ họp. Cũng là luật được lấy ý kiến nhân dân rộng rãi sau Hiến pháp với 12 triệu lượt ý kiến đóng góp của nhân dân.

“Bốn kỳ họp chúng ta bàn rất kỹ, với tinh thần là ít hướng dẫn, cái gì giao được thì giao ngay, đồng thời tập trung giải quyết những vướng mắc, tồn đọng trong thực tế” – Bộ trưởng khẳng định và cho biết Chính phủ luôn chỉ đạo cơ quan soạn thảo là vừa xây dựng luật, vừa xây dựng cả nghị định, thông tư hướng dẫn. Tức là đồng bộ giữa luật và các văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh việc Luật ban hành sớm mà có lợi cho đất nước, người dân, doanh nghiệp thì cần sớm triển khai. Chính phủ đang rất quyết tâm làm ngày làm đêm, tờ trình thể hiện sự cam kết của Chính phủ trong việc quyết tâm ban hành sớm các nghị định hướng dẫn thi hành.

Từ đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT đề nghị các địa phương triển khai song song việc xây dựng các hướng dẫn của địa phương bởi có nhiều điều khoản mang tính kế thừa như bồi thường, hỗ trợ tái định cư…

“Hiện, Chính phủ đang chỉ đạo các địa phương và thực hiện song song cùng các dự thảo nghị định hướng dẫn” – ông nói và cho biết các địa phương vẫn đang sẵn sàng thực hiện.

TP.HCM đang tích cực chuẩn bị các nội dung thuộc thẩm quyền

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng đã chia sẻ với những băn khoăn của các đại biểu khác về việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của các luật từ ngày 1-8 thì liệu sự chuẩn bị có kịp hay không, bởi ngay trong thẩm định của Ủy ban Kinh tế cũng đặt ra vấn đề này.

Ông Mãi nói hiện Chính phủ, Thủ tướng đang rất quyết liệt trong việc ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn. Tinh thần khi thực hiện sớm hơn thì sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.

“Tất nhiên phải có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng, nếu không khi luật có hiệu lực mà chưa có văn bản hướng dẫn thì cũng không thực hiện được” – ông Phan Văn Mãi nói thêm.

Với những nội dung thuộc thẩm quyền, TP.HCM cũng đang tích cực chuẩn bị để có thể thực hiện khi luật được Quốc hội bấm nút thông qua. “Có 11 văn bản để hướng dẫn 20 nội dung liên quan mà TP phải ban hành. Hiện UBND TP đang tập trung chỉ đạo để chuẩn bị, triển khai” – ông Mãi nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả