Ảnh đại diện
Như vậy, quý II/2022, xuất khẩu thuỷ sản của cả nước đã ghi nhận doanh số trên 3,2 tỷ USD, tăng gần 36% so với 2,4 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Với kết quả trên, luỹ kế hết nửa đầu năm nay, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam ước đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 40% so với nửa đầu năm 2021.
Theo Vasep, doanh số xuất khẩu tôm trong tháng 6/2022 chỉ duy trì mức tăng trưởng khiêm tốn 7% , đạt 450 triệu USD do thiếu nguyên liệu chế biến. Luỹ kế nửa đầu năm 2022, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ và chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản.
Các doanh nghiệp cho biết, lạm phát giá và thiếu nguyên liệu đang là bài toán khó cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm trong giai đoạn hiện nay. Trong khi đó, tôm chân trắng tươi/đông lạnh size nhỏ vẫn được ưa chuộng trong giai đoạn khủng hoảng lạm phát này nhờ giá bán bình ổn.
Một số doanh nghiệp cũng chọn giải pháp tăng tỷ lệ tôm chế biến giá trị gia tăng để xuất khẩu sang những thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, EU nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm nguyên liệu. Xuất khẩu tôm chân trắng chế biến nửa đầu năm tăng 17%, trong khi xuất khẩu tôm tươi/đông lạnh tăng 21%.
Đáng lưu ý là xuất khẩu tôm hùm tăng trưởng kỷ lục với gần 130 triệu USD trong nửa đầu năm, tăng gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Dù lạm phát nhưng xuất khẩu tôm sú nửa đầu năm vẫn tăng 20% đạt hơn 300 triệu USD.
Trái ngược với tôm, lạm phát và xung đột Nga - Ukraine lại là cơ hội cho cá tra trong năm 2022. Bà Lê Hằng, Giám đốc Trung tâm Vasep Pro phân tích: Thị trường thế giới thiếu cá thịt trắng, nhất là cá tuyết tại các thị trường EU, Mỹ, Anh do lệnh trừng phạt với Nga, nhiều nhà hàng ở các thị trường này đã phải bỏ cá tuyết ra khỏi thực đơn. Nhờ đó, cá tra có cơ hội giành thị phần tại những thị trường quan trọng sau thời gian dài khó khăn.
Cụ thể, trong tháng 6/2022, xuất khẩu cá tra vẫn giữ được mức tăng trưởng cao 54% so với cùng kỳ, đạt gần 220 triệu USD. Tính chung nửa đầu năm nay, xuất khẩu cá tra của cả nước đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 1/4 doanh số xuất khẩu thuỷ sản. Xuất khẩu cá tra sang Anh nửa đầu năm nay tăng đột phá, gấp 6 lần cùng kỳ 2021; xuất khẩu sang Tây Ban Nha cũng tăng gấp gần 3 lần, sang Pháp, Hà Lan, Đức, Bỉ đều tăng 45-90%.
Với nhóm thuỷ sản, xuất khẩu cá ngừ trong tháng 6 đạt trên 91 triệu USD, tăng 43%. Tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ nửa đầu năm tăng 56% đạt 553 triệu USD, chiếm gần 10% giá trị xuất khẩu thuỷ sản.
Sản phẩm chủ lực vẫn là cá ngừ loin, cắt khúc đông lạnh, mang về 377 triệu USD, tăng 122%. Mỹ đang là thị trường xuất khẩu chủ lực có sức tiêu thụ lớn, tăng trưởng gần gấp đôi và chiếm hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam.
Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ sang EU chỉ tăng 9%, mức tăng khiêm tốn hơn nhiều so với các thị trường khác, chủ yếu tăng nhờ giá trung bình xuất khẩu tăng. Thẻ vàng IUU vẫn đang là hàng rào khiến cho cánh cửa xuất khẩu cá ngừ cũng như các mặt hàng hải sản khai thác sang thị trường này bị thu hẹp.
Các mặt hàng khác gồm mực, bạch tuộc trong tháng 6/2022 đạt trên 68 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ. Tính đến hết nửa đầu năm, sản phẩm nhuyễn thể chân đầu mang về kim ngạch 344 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu các nhuyễn thể hai mảnh vỏ, cua ghẹ và các loại cá khác 6 tháng đầu năm nay đều đạt tăng trưởng 11-54% so với cùng kỳ.
Dù đối mặt với nhiều thách thức từ lạm phát, suy giảm đơn hàng và thiếu nguyên liệu chế biến, song các doanh nghiệp ngành thuỷ sản đang nỗ lực thích ứng một cách linh hoạt và chuyển đổi hướng đi phù hợp với nhu cầu thị trường.
Dựa trên tương quan giữa cơ hội thị trường và thực trạng sản xuất hiện nay, Vasep dự báo xuất khẩu thuỷ sản cả năm 2022 sẽ chạm ngưỡng 10 tỷ USD, tăng khoảng 12% so với năm 2021.
Theo đó, dự báo xuất khẩu tôm sẽ đạt 4,2 tỷ USD, cá tra 2,5-2,6 tỷ USD, cá ngừ gần 1 tỷ USD, còn lại là mực, bạch tuộc và các loài khác.
Nhà đầu tư lưu ý
4 Yêu thích
6 Bình luận 5 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ