Ảnh đại diện
WSJ: OPEC+ CÂN NHẮC TĂNG SẢN LƯỢNG TRƯỚC KHI PHƯƠNG TÂY CẤM VẬN DẦU THÔ CỦA NGA
Phái đoàn OPEC+ cho biết liên minh dầu mỏ đang thảo luận về việc tăng sản lượng, một động thái có thể giúp hàn gắn rạn nứt giữa Arab Saudi và chính quyền Tổng thống Biden.
OPEC+ tính chuyện tăng sản lượng
Các nhà sản xuất dầu mỏ OPEC+ đang thảo luận về việc tăng sản lượng, theo ghi nhận của Wall Street Journal.
Động thái này có thể giúp hàn gắn rạn nứt giữa Arab Saudi và chính quyền Tổng thống Joe Biden, đồng thời giữ cho dòng chảy năng lượng ổn định trong bối cảnh châu Âu sắp chính thức cấm vận dầu mỏ của Nga.
Cụ thể, phái đoàn OPEC+ cho biết các nước thành viên đang cân nhắc nâng sản lượng dầu thô tới 500.000 thùng/ngày tại cuộc họp đầu tháng 12.
Cuộc họp diễn ra một ngày trước khi Liên minh châu Âu (EU) áp lệnh cấm vận đối với dầu nhập khẩu bằng đường biển từ Nga cũng như G7 xúc tiến kế hoạch áp trần giá. Cả hai động thái đều có thể loại bỏ nguồn cung dầu của Nga khỏi thị trường.
Sau khi Wall Street Journal và truyền thông đưa tin về cuộc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, đã phủ nhận thông tin trên và nói có thể OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng.
WSJ: OPEC+ CÂN NHẮC TĂNG SẢN LƯỢNG TRƯỚC KHI PHƯƠNG TÂY CẤM VẬN DẦU THÔ CỦA NGA. Phái đoàn OPEC+ cho  ...
Nếu OPEC+ bơm thêm dầu ra thị trường, động thái đó sẽ đảo ngược một phần quyết định gây tranh cãi hồi tháng trước là giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày.
Nhà Trắng từng chỉ trích rằng việc giảm sản lượng của OPEC+ đã làm suy yếu các nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn cản cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Quyết định của liên minh dầu mỏ cũng được coi là một cái tát vào mặt ông Biden ngay trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ cũng như ngay tại thời điểm lạm phát đang leo thang.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Arab Saudi đã rơi xuống mức thấp do bất đồng về sản lượng dầu thô trong năm nay. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết họ đang hướng tới cuộc họp tháng 12 của OPEC+ với một vài hy vọng.
Truyền thông xôn xao về cuộc thảo luận tăng sản lượng sau khi Washington đề nghị với một thẩm phán liên bang rằng Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman nên được miễn trừ quốc gia trong vụ kiện liên quan đến vụ giết hại nhà báo Jamal Khashogi.
Quyết định miễn trừ nói trên sẽ là một sự nhượng bộ đối với Thái tử Mohammed, giúp củng cố vị thế của ông với tư cách là người cai trị thực tế của Arab Saudi sau khi chính quyền Tổng thống Biden cố gắng cô lập ông trong nhiều tháng qua.
Thời điểm bất thường
Theo lưu ý từ Wall Street Journal, đây quả thực là thời điểm bất thường để OPEC+ cân nhắc tăng sản lượng, bởi giá dầu thế giới đã giảm hơn 10% kể từ tuần đầu tiên của tháng 11.
Giá dầu Brent tiếp tục mất thêm 5% sau khi có tin tức về việc tăng nguồn cung, sau đó phục hồi phần nào nhờ bình luận của Hoàng tử Abdulaziz.
Các đại biểu cho biết việc tăng sản lượng là nhằm đáp ứng nhu cầu dự kiến sẽ đi lên trong mùa đông. So với mức trung bình năm nay, nhu cầu tiêu thụ dầu thô có thể sẽ tăng 1,69 triệu thùng/ngày lên 101,3 triệu thùng/ngày trong quý đầu năm 2023.
Các nước OPEC+ cho biết họ đã nghiên cứu cẩn thận kế hoạch áp trần giá dầu Nga của G7, đồng thời thừa nhận một cách kín đáo rằng hành động kiểm soát thị trường của các nước tiêu thụ dầu là một mối đe doạ lớn.
WSJ: OPEC+ CÂN NHẮC TĂNG SẢN LƯỢNG TRƯỚC KHI PHƯƠNG TÂY CẤM VẬN DẦU THÔ CỦA NGA. Phái đoàn OPEC+ cho  ...
Nga từng tuyên bố nước này sẽ không bán dầu cho bất kỳ quốc gia nào tham gia vào kế hoạch giới hạn giá. Điều này có thể khiến nguồn cung từ Nga - một trong ba nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới - biến mất khỏi thị trường.
Tháng trước, trả lời câu hỏi về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung từ Nga, Hoàng từ Abdulaziz cho biết Arab Saudi sẽ “cung cấp dầu thô cho tất cả những ai cần từ chúng tôi”. OPEC đã phát tín hiệu tới phương Tây rằng họ sẽ can thiệp nếu sản lượng của Nga đi xuống.
Cuộc thảo luận về việc tăng sản lượng có thể khơi mào cho một cuộc chiến tiềm tàng giữa hai nhà sản xuất lớn nhất của OPEC+ là Arab Saudi và Nga. Hai nước là đồng minh thân cận trong ngành công nghiệp dầu mỏ, dù từng xích mích trong quá khứ.
Giới chức Arab Saudi từng khẳng định rằng quyết định giảm sản lượng của họ vào tháng trước không phải là nhằm hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Thay vào đó, OPEC+ chỉ đang cố giải quyết việc nhu cầu tiêu thụ năng lượng đi xuống trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại.
Việc nâng sản lượng trước lệnh cấm vận của EU và kế hoạch áp trần giá của G7 có thể khiến Arab Saudi lập luận rằng họ đang hành động vì lợi ích của chính mình chứ không phải của Nga.
Yếu tố khác
Ngoài ra, còn một yếu tố khác đang thúc đẩy cuộc thảo luận sản lượng. Hai thành viên lớn khác trong liên minh là Iraq và UAE đang muốn bơm thêm dầu, các phái đoàn OPEC+ cho hay.
Theo các phái đoàn, cả hai nước đều đang kêu gọi OPEC+ nâng hạn ngạch sản lượng của họ. Nếu đề nghị này được chấp thuận, sản lượng dầu của Iraq và UAE có thể tăng lên. UAE từ lâu đã kêu gọi được nâng hạn ngạch, nhưng đều bị Arab Saudi khước từ.
Theo hệ thống hạn ngạch phức tạp của OPEC+, UAE có nghĩa vụ phải giữ sản lượng dầu thô không vượt quá 3,018 triệu thùng/ngày.
Công ty dầu mỏ nhà nước Abu Dhabi National Oil hiện khai thác phần lớn dầu thô của UAE. Abu Dhabi National Oil có công suất khoảng 4,45 triệu thùng/ngày và đang đặt mục tiêu đưa mức khai thác lên 5 triệu thùng/ngày vào năm 2025.
Trong khi đó, hồi đầu tháng 11, Thủ tướng Iraq Mohammed Shia’ al-Sudani thông báo rằng nước này sẽ thảo luận về hạn ngạch mới với các thành viên khác tại cuộc họp kế tiếp. Hiện, Iraq là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai OPEC.
Theo Doanh nghiệp & Kinh doanh
Nhà đầu tư lưu ý
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ