Giá vàng thế giới giảm với vàng giao ngay giảm 9,5 USD xuống 2.649,7 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.663,7 USD/ounce, giảm 12,6 USD so với rạng sáng qua.
Đà phục hồi của đồng USD vào đầu tuần đã gây áp lực lên vàng, khiến kim loại quý này mất đi 0,2% sau khi đạt mức cao nhất trong hơn một tuần vào đầu phiên giao dịch.
Theo đó, chỉ số US Dollar Index đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 8 khi các nhà đầu tư tiếp nhận thông báo về các biện pháp kích thích kinh tế vào cuối tuần của Trung Quốc. Trong khi đó, đồng Euro tiếp tục giảm trước cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu vào tuần này.
Theo chiến lược gia thị trường Phillip Streible của Blue Line Futures, vàng đang chịu rất nhiều lực cản, bao gồm gói kích thích kinh tế mới của Trung Quốc, đồng bạc xanh mạnh hơn, đồng Euro yếu hơn cùng hoạt động chốt lời.
Đợt tăng giá kỷ lục của vàng trong vài tháng qua đã làm giảm tâm lý nhà đầu tư và nhu cầu vàng thỏi ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, đồng bạc xanh mạnh hơn khiến vàng đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Hiện tại, các nhà giao dịch đang chờ các bình luận từ các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này để có thêm manh mối về việc cắt giảm lãi suất trong tương lai của Ngân hàng Trung ương Mỹ, cùng với dữ liệu bán lẻ của Mỹ. Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà đầu tư đang dự báo có khoảng 88% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tháng 11.
Dù vàng đang giảm, nhưng Giám đốc điều hành Florian Grummes của Midas Touch Consulting lại cho rằng, các đợt điều chỉnh hiện tại sẽ là bàn đạp cho các đợt tăng giá tiếp theo của kim loại quý này. Theo ông, vàng vẫn đang được hỗ trợ tốt bởi nhiều yếu tố và chúng sẽ sớm đẩy vàng lên mốc 3.000 USD/ounce.
Trong một lưu ý mới đây, chuyên gia phân tích thị trường Carlo Alberto De Casa của Kinesis Money cũng nhấn mạnh rằng, việc căng thẳng địa chính trị vẫn chưa lắng dịu, đặc biệt là tình hình tại Trung Đông, sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho kim loại màu vàng.
Chia sẻ thông tin hữu ích