Đây là những nhận định mà các chuyên gia nghiên cứu, kinh tế và pháp lý đã đưa ra tại hội thảo “Cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội hay thách thức với doanh nghiệp?” do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Hội nhập quốc tế TPHCM (CIIS) tổ chức hôm nay, 25-6 tại TPHCM.
Cả Mỹ, Trung đều đầu tư nhiều vào Việt Nam
Luật sư Kent Đạt Dương, Luật sư điều hành Công ty Luật TDL (Mỹ) cho biết, trong vòng 24 tháng qua, công ty của ông đã giúp 20 khách hàng là các doanh nghiệp Mỹ thực hiện các thủ tục đầu tư, mua bán sáp nhập, liên doanh… tại Việt Nam. Theo ông Kent, cách thường làm của các doanh nghiệp Mỹ lâu nay là đầu tư vào Singapore, Hongkong, Đài Loan rồi từ đây, các pháp nhân này mới thành lập công ty ở Việt Nam và thường là các tập đoàn lớn. Nhưng nay, các doanh nghiệp Mỹ đã đi thẳng vào Việt Nam và có đủ các quy mô, từ lớn đến nhỏ và vừa.
Chẳng hạn, một công ty vốn thành lập ở Trung Quốc để thu mua hoa xuất đi thì ba tháng nay đã mở ở Việt Nam. Một khách hàng khác, vốn trước đây đưa nguyên liệu từ Trung Quốc đem về Việt Nam chế biến, xuất đi Mỹ thì nay đã mua cổ phần của công ty chế biến ở Việt Nam. Một doanh nghiệp chuyên sản xuất màn hình LED thì đang có kế hoạch liên doanh với doanh nghiệp tại Việt Nam…
“Cách làm của các công ty Mỹ là mua bán, sáp nhập, liên doanh. Đây là thời điểm tốt để các doanh nghiệp Việt Nam gọi vốn, bán vốn. Tất nhiên là phải chuẩn bị sẵn sàng những yếu tố cần thiết”, ông Kent nói.
Tuy nhiên, ông Kent cũng lưu ý, Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro khi đón dòng đầu tư này. Ngoài câu chuyện cạnh tranh lao động (lương của các công ty Mỹ luôn cao nhất trên thị trường); thiếu nguyên liệu sản xuất… thì còn rất nhiều rủi ro pháp lý khác như các công ty dùng Việt Nam để sản xuất với nguyên liệu mua từ Trung Quốc, có nguy cơ bị Mỹ áp thuế nếu để tình trạng chuyển tải xảy ra.
“Chẳng hạn như việc nhập nguyên liệu Trung Quốc để sản xuất. Luật quy định 51% nguyên liệu tại nước nào thì hàng được tính xuất xứ của nước đó. Nhưng các sản phẩm khác nhau, nguyên liệu rất khác nhau, đó là chưa kể dịch vụ gia tăng, chế biến. Nếu công ty Mỹ dùng đến 49% nguyên liệu từ Trung Quốc thì thực tế là Trung Quốc được hưởng lợi”, ông Kent dẫn chứng.
Thêm vào đó, ông Kent cho rằng, kinh nghiệm cho thấy Mỹ sẽ đánh thuế với Việt Nam. Trước đây là cá tra, tôm và giờ là gỗ. Và một khi Việt Nam còn sản xuất gỗ giá rẻ, phải cạnh tranh với hàng Trung quốc thì nguy cơ càng cao. Đó là sẽ cạnh tranh khó khăn với doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam.
Luật sư Bùi Văn Thành, Trưởng văn phòng Luật Mặt trời mới cho biết, ông đã biết đến nhiều trường hợp doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam với nhiều hình thức. Trong đó, có tình trạng đầu tư chui, tức cá nhân Việt Nam đứng tên để làm nhưng tiền là của Trung Quốc. Cũng đã có trường hợp người Việt Nam đứng tên pháp lý cho doanh nghiệp Trung Quốc và “chịu đòn” khi có các vấn đề xảy ra.
Đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics thì nhận xét, trong ngành gỗ, các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều. Kim ngạch xuất khẩu của ngành tăng nhưng đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam đang giảm xuống. Các doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ mất thị trường.
Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên chính sách công, nguyên Giám đốc phát triển, giảng viên Trường Đại học Fullrigt Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu ở một số mặt hàng tăng nhưng phần nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng tương ứng. Doanh nghiệp Việt Nam không nắm bắt được cơ hội mà là các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển dịch.
Nhìn rộng hơn, theo số liệu thống kê thì trong 5 tháng đầu năm, dòng vốn đăng ký mới của Trung Quốc, lần đầu tiên đã vươn lên đứng đầu, dù là chưa giải ngân. Ông Thành cũng nhận được chia sẻ từ các doanh nghiệp rằng, sự hiện diện của Trung Quốc ở nhiều ngành như gỗ, cơ khí, nhựa, hóa chất… ngày càng nhiều hơn, dù có thể là tên Việt Nam.
“Hiện tại, Việt Nam đang tăng cường kiểm soát để ngăn chặn chuyển tải nhưng lại không thể xây dựng những hàng rào mới với Trung Quốc. Do vậy, sẽ còn nhiều doanh nghiệp khác vào thêm. Doanh nghiệp mình không nên mong đợi chính sách hỗ trợ mà cần tăng năng lực và tự đối mặt ngay tại một khu công nghiệp”, ông Thành nói.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc - VEPR (VCES) thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, những diễn biến mới nhất cho ông dự đoán chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn leo thang, các đe dọa sẽ thành sự thật. Cuộc gặp của hai bên ở G20 sẽ khó có thỏa thuận, khả năng áp thuế cao hơn đình chiến và đàm phán.
Tương lai này sẽ khiến cho kinh tế toàn cầu suy giảm và chắc chắn ảnh hưởng đến nền kinh tế mở như Việt Nam. Quan trọng hơn là sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ đang bùng nổ thời gian qua.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, không có chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã sụt giảm. Nhưng chiến tranh leo thang thì tăng trưởng còn giảm nữa và kéo theo đó là phản ứng về chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Xu hướng là nới lỏng tiền tệ. Bên cạnh đó, Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không tăng lãi suất và thậm chí kỳ vọng giảm. Điều này sẽ giúp áp lực mất giá đồng nhân dân tệ và các đồng tiền khác của châu Á, trong đó có tiền đồng Việt Nam giảm đi.
Về khả năng phá giá đồng nhân dân tệ, các chuyên gia đồng quan điểm rằng Trung Quốc sẽ hy sinh dự trữ ngoại tệ để đảm bảo tỷ giá đồng nhân dân tệ và đô la Mỹ ở mức 7 ăn 1 như hiện nay. Đồng Việt Nam thì tham chiếu nhiều hơn với đô la Mỹ, hơn là nhân dân tệ. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có những chính sách điều hành phù hợp.
Chia sẻ thông tin hữu ích