Gian nan tìm thuốc giảm đau
Gia đình sinh sống ở tỉnh Đắk Lắk, nhưng từ khi bệnh ung thư trực tràng chuyển nặng, ông N.V.D (59 tuổi) phải chuyển hẳn xuống sống với con tại TP.HCM. Tháng 11/2022, ông xuất viện, bắt đầu điều trị giảm nhẹ tại nhà với thuốc morphin.
Khoảng đầu tháng 3, bệnh viện nơi ông D. điều trị bị đứt quãng thuốc morphin dạng viên. Nếu không có thuốc, những cơn đau đớn khủng khiếp chắc chắn sẽ hành hạ ông. Nhưng ông lại không muốn nhập viện vì cảm giác tâm lý rất nặng nề.
Thương bố, con gái ông lên mạng tìm kiếm trong các hội nhóm dành cho bệnh nhân ung thư. Hỏi han khắp nơi, chị cũng nhờ người mua được hộp thuốc morphin 21 viên với giá gần 1,5 triệu đồng.
Một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Ảnh: GL.
“Lên mạng mới thấy nhiều người cũng như mình, có người bị lừa chuyển tiền nhưng không nhận được thuốc. Bình thường, lên viện nhận thuốc theo đơn sẽ không mất tiền, nhưng lúc khan hiếm thì mình phải tìm cách. Tôi cũng không nghĩ sâu xa thuốc giả thuốc thật. Bố tôi thoải mái tâm lý, đi lại được, vậy là mừng rồi", con gái ông tâm sự.
Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn B. (45 tuổi) tham gia vào các nhóm hỗ trợ bệnh nhân ung thư vì cậu ruột mắc bệnh. Thấy ai có ý nhường lại thuốc morphin vì người nhà của họ vừa qua đời, anh B. lại nhắn tin hỏi xin. Lần nào anh cũng chậm chân vì có người đã xin trước.
“Thuốc dạng này thường rất ít, người ta chia sẻ không lấy tiền, hoặc lấy tượng trưng vì đồng cảm. Một khi đã buộc phải mua morphin, giá vô cùng đắt”, anh nói. Theo anh B., người rao bán khẳng định "ai rồi cũng mua thêm vì viện cấp morphin không đủ". Họ tiết lộ, có thời điểm, giá thuốc lên đến 120.000 đồng/viên. "Nếu uống 5 viên/ngày, bệnh nhân tốn khoảng 600.000 đồng, ai dám mua", anh B. lắc đầu.
Khảo sát trên các hội nhóm Facebook, khi phóng viên đề cập đến việc mua morphin, không cần hỏi đơn thuốc hay mục đích, một số tài khoản báo giá rất nhanh chóng. Mỗi viên morphin 30mg giá từ 65.000-85.000 đồng, một ống morphin 10ml giá 60.000 đồng, bán theo hộp với giá từ 1,3-1,5 triệu đồng (tương ứng 25 ống hoặc 21 viên).
“Mua có vài ống làm sao mà chuyển được? Đã ung thư thì sớm muộn cũng phải dùng, mua vài hộp mà để dành”, người bán nhắn.
Cũng theo người này, gia đình không cần hỏi bác sĩ tư vấn mà cứ tiêm khi đau. Một tài khoản khác tư vấn thêm morphin dạng tiêm có tác dụng ngay lập tức nhưng thuốc viên lại giảm đau dài hơn.
Thậm chí, ông Nguyễn Văn Hưng (quận 12, TP.HCM), đang điều trị ung thư tại một bệnh viện đa khoa, chia sẻ ông từng bị người lạ mời mua morphin với giá hơn 100.000 đồng/viên tận giường. Người đàn ông này đã từ chối.
“Thứ nhất là quá đắt. Thứ hai là không ai biết thuốc đó thật hay giả thế nào, tôi chỉ tin bác sĩ. Người bệnh ung thư đã khổ, cứ lợi dụng buôn bán trên nỗi đau thì buồn quá”, ông tâm sự.
Thuốc trôi nổi đội giá từ 10-20 lần
Tra cứu trên trang Công khai y tế của Bộ Y tế, thuốc morphin 30mg có giá 6.489 đồng/viên, thuốc morphin 10mg/ml dao động từ 3.696 đồng đến 4.620 đồng/ống. Một con số rẻ đến mức người bệnh không ngờ.
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM xác nhận, có một thực tế là người bệnh ung thư phải tự đi tìm morphin trôi nổi khi không thể tiếp cận được morphin ở các cơ sở y tế. “Đây là điều rất nguy hiểm”, ông nói.
Thuốc morphin không đắt nhưng quy định quản lý rất chặt chẽ. Ảnh chụp màn hình.
Về mặt quản lý, thứ nhất, thuốc morphin thuộc nhóm giảm đau opioid (nhóm giảm đau gây nghiện), phải được quản lý ở các cơ sở y tế. Thứ hai, chỉ một số ít nhà thuốc được cơ quan có thẩm quyền cấp phép bán thuốc này. Các nhà thuốc được phép phân phối sẽ bán morphin theo toa, dựa trên danh sách chữ ký của các bác sĩ được phép kê đơn morphin (ký hiệu đơn thuốc N).
Do đó, việc mua bán morphin không theo các quy định trên đều là vi phạm. Người bệnh ung thư cũng đối mặt với rủi ro vì không được bác sĩ hướng dẫn, dùng quá liều, nguy cơ thuốc giả, thuốc trôi nổi...
Cũng theo bác sĩ Thịnh, một thực tế khác là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối qua đời khi chưa dùng hết morphin. Số thuốc dư cần phải nộp lại cho cơ sở y tế theo quy định. Vì nhiều lý do, người nhà không quay lại viện để trả thuốc hoặc tặng/cho cho người bệnh khác. Tuy nhiên, số lượng này rất ít ỏi.
Chia sẻ thông tin hữu ích