menu
24hmoney

Bài của Nghi Trương

Ảnh đại diện Pro
Thực trạng ngành bán lẻ và một số ngành nổi bật có triển vọng tích cực
Lũy kế 10T2023, doanh thu mảng bán lẻ hàng hóa và cung cấp dịch vụ đạt 5,105 nghìn tỷ đồng (+9.7% YoY). Đà hồi phục vẫn duy trì sau giai đoạn COVID-19. Tăng trưởng doanh thu hạ nhiệt do tình hình kinh tế biến động, nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng dương so với mức nền cao của năm 2022
1. Thị trường bán lẻ Việt Nam duy trì đà hồi phục sau COVID-19
• Năm 2022, ngành bán lẻ hồi phục mạnh mẽ sau ảnh hưởng của dịch COVID-19 (+21.3% YoY), với CAGR đạt 8.0% giai đoạn 2016-2022.
• 10T2023, tổng doanh thu Bán lẻ Hàng hóa và Dịch vụ đạt 5,105 nghìn tỷ đồng (+9.7% YoY). Năm 2023, dù tình hình kinh tế có nhiều thử thách nhưng đà tăng trưởng vẫn duy trì ở mức ổn định so với năm 2022.
• Ngành Bán lẻ và Dịch vụ ở Việt Nam gồm 4 mảng chính: (i) Bán lẻ hàng hóa; (ii) Dịch vụ lưu trú, ăn uống; (iii) Du lịch lữ hành; (iv) Dịch vụ khác. Trong đó, nhóm “Bán lẻ hàng hóa” đóng góp gần 80% doanh thu toàn ngành bán lẻ. Sau năm dịch COVID, doanh thu từ “Bán lẻ hàng hóa” vẫn tăng trưởng ổn định, cho thấy mức độ bền vững của ngành bán lẻ Việt Nam.
2. Các hoạt động bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chính ở Việt Nam
• Kết quả 10T2023, doanh thu “Bán lẻ hàng hóa” tăng 8.4% YoY, đạt 3,989 nghìn tỷ đồng, chiếm 78.1% tổng doanh thu Bán lẻ và Dịch vụ (10T2022: 79.1%).
• Ước tính tổng doanh thu Bán lẻ Hàng hóa và Dịch vụ của Việt Nam năm 2023 đạt 6,198 nghìn tỷ đồng (+9.3% YoY); trong đó doanh thu từ “Bán lẻ hàng hóa” vẫn sẽ duy trì đóng góp khoảng 78%, ước tính đạt 4,836 nghìn tỷ đồng (+8.1% YoY).
• Sau thời gian nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, ngành bán lẻ dần hồi phục từ Q4.2021 nhờ các hỗ trợ kịp thời từ Nhà Nước.
• Tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ có dấu hiệu tích cực trong năm 2022 và duy trì ổn định trong năm 2023. Tuy sự bùng nổ và cải thiện hạ nhiệt dần từ cuối năm 2022 do tình hình kinh tế biến động và người dân có xu hướng ưu tiên chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu, nhóm “Bán lẻ hàng hóa” vẫn duy trì tăng trưởng ở mức ổn định so với năm các năm trước.
• Nhóm “Bán lẻ hàng hóa” vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thị trường kinh doanh bán lẻ và dịch vụ. Doanh thu “Bán lẻ hàng hóa” T10.2023 tăng 6.7% YoY, đạt 412.9 nghìn tỷ đồng. Đây là mức doanh thu theo tháng cao nhất từ trước đến nay, giúp duy trì chuỗi tăng trưởng dương YoY liên tục kể từ T3.2022.
• Các nhà bán lẻ lớn ở Việt Nam được chia làm các nhóm: (1) Đại siêu thị/trung tâm phân phối; (2) Trung tâm thương mại; (3) Siêu thị; (4) Siêu thị mini/cửa hàng chuyên dụng, (5) Siêu thị điện máy; (6) Bán lẻ trực tuyến. Xu hướng dịch chuyển mua sắm thực phẩm và hàng FMCG từ kênh chợ truyền thống sang các kênh bán lẻ hiện đại ngày càng rõ nét.
• Theo Euromonitor, thị phần thị trường bán lẻ thực phẩm và FMCG năm 2022 chiếm 88.5%. Tổng số lượng điểm bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi,siêu thị mini,...) là hơn 7,000 điểm bán, chỉ bằng 1% so với tổng số điểm bán ở kênh bán lẻ truyền thống (các cửa hàng, hộ kinh doanh cá thể, chợ, gánh hàng rong,...). Quy mô thị trường bán lẻ bách hóa của Việt Nam hiện đạt hơn 50 tỷ USD và tăng trưởng với tốc độ khoảng 10%/năm. Thị trường có độ phân mảnh cao khi 90% thị phần nằm ở hơn 9,000 chợ truyền thống và 2.2 triệu tạp hóa nhỏ lẻ.
• Đây là thị trường giàu tiềm năng, là cơ hội cho các chuỗi bách hóa hiện đại (Bách hóa Xanh của MWG) nếu bài toán tối ưu hóa chi phí, vận hành đạt hiệu quả song song với việc mở rộng chuỗi được giải quyết.
• Sau thời gian giãn cách xã hội, các hoạt động vui chơi, lưu trú và ăn uống nhanh chóng hồi phục. Nhu cầu du lịch mạnh mẽ đã hỗ trợ sự phục hồi này, bất chấp tình hình lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao ở hầu hết các quốc gia.
• Du lịch quốc tế: Việt Nam đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế trong 10T2023, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước; gần hoàn thành mục tiêu đón 12-13 triệu khách quốc tế trong năm 2023.
• Cụ thể, Hàn Quốc là nhóm du lịch đến Việt Nam cao nhất, đạt 2.9 triệu khách (+469%YoY; chiếm gần 30% lượng khách đếnViệt Nam).
• Lượng khách quốc tế đến TP. HCM và Hà Nội lần lượt đạt 4.1 triệu (+55.3% YoY) và 3.6 triệu (+250% YoY) lượt khách quốc tế, tổng chiếm 77% tổng khách quốc tế tới Việt Nam trong 10T2023.
• Tổng thu từ khách du lịch ở TP. HCM và Hà Nội trong 10T2023 lần lượt ước đạt 140 nghìn tỉ đồng (+32.6%) và 76.3 nghìn tỷ đồng (+66.7% YoY).
• Du lịch nội địa: Phục vụ 98.7 triệu lượt khách trong 10T2023. Sức nóng của cầu du lịch nội địa vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại.
• Ngành du lịch Việt Nam đang chú trọng nhiều hơn đến các xu hướng du lịch mới trên thế giới, kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng mạnh ở cả khách quốc tế lẫn nội địa trong thời gian tới.
3. Một số ngành hàng nổi bật
Hàng tiêu dùng nhanh
• Thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng ở Việt Nam được thống trị bởi các nhà bán lẻ như Aeon, Lotte Mart, Saigon Co-op, Winmart và Bách hoá xanh. Tăng trưởng nhóm ngành hàng tiêu dùng chủ yếu phụ thuộc vào tăng trưởng của nhóm hàng không thiết yếu. Trong đó, các mặt hàng chứng kiến tăng trưởng nhanh nhất là thức uống không cồn và chăm sóc cá nhân, đặc biệt là thông qua kênh phân phối trực tuyến.
• Quản lý chi phí vẫn là bài toán quan trọng nhất của các chuỗi bán lẻ. Trong khi Bách hoá xanh nỗ lực để đạt điểm hoà vốn vào cuối năm nay thì Winmart đã tuyên bố tìm ra "công thức" để hoà vốn dù doanh thu bình quân mỗi cửa hàng chỉ bằng 1/3 của Bách hoá xanh. Ngược lại, chuỗi siêu thị của Saigon Coop - chuỗi siêu thị lớn nhất Việt Nam vẫn đang đều đặn sinh lời mỗi năm trên 1,000 tỷ đồng từ 2015 tới nay.
Thiết bị gia dụng và công nghệ
Mùa kinh doanh chính của các cửa hàng bán lẻ ngành hàng này là quý 3 và quý 4 hàng năm, gắn liền với nhu cầu máy tính, thiết bị văn phòng vào mùa tựu trường và sự kiện ra mắt các dòng sản phẩm cao cấp của Apple, Samsung. Bên cạnh đó, ngành hàng thiết bị gia dụng cũng thường chứng kiến nhu cầu tăng mạnh vào giai đoạn cuối năm và gần Tết Nguyên đán.
Ngành hàng ICT bắt đầu chứng kiến khó khăn từ năm 2021 do tác động của dịch Covid-19. Tăng trưởng chậm lại khiến cho các nhà bán lẻ ngành hàng này phải cạnh tranh mạnh hơn để giành thị phần. Cuộc chiến giá giữa các nhà bán lẻ ngành hàng này bắt đầu nổ ra từ giữa năm 2022 và vẫn đang tiếp diễn với việc các nhà bán lẻ liên tục đưa ra những chương trình khuyến mại, giảm giá để kích cầu. Tuy nhiên, cuộc chiến giá đã khiến biên lợi nhuận gộp của các chuỗi bán lẻ bị ảnh hưởng và chi phí bán hàng tăng lên nhanh chóng. Dù phải hi sinh lợi nhuận, các nhà bán lẻ hầu như đều không thể đứng ngoài cuộc chơi và để mất thị phần vào tay đối thủ.
Trang sức
Thị trường bán lẻ trang sức của Việt Nam có mức độ tập trung tương đối thấp, số lượng cửa hàng vàng bạc nhỏ rất nhiều, thống kê toàn quốc là khoảng trên 10,000 cửa hàng. Các chuỗi bán lẻ trang sức lớn và có độ nhận diện cao hiện tại chỉ có Phú Nhuận, Doji. Trang sức là ngành hàng có mức tiêu thụ ổn định trên thị trường Việt Nam, CAGR giai đoạn 2017-2022 đạt 1.9% trong khi mức tăng trưởng toàn thế giới trong cùng giai đoạn là -0.2%. Tuy nhiên, báo cáo quý 2 của Hội đồng Vàng thế giới cho thấy nhu cầu tiêu thụ trang sức ở Việt Nam đã giảm tới 18% so với cùng kỳ do tác động của tăng trưởng kinh tế chậm.
Do là mặt hàng có giá trị cao, và gắn liền với quan niệm cất trữ tài sản trong văn hoá châu Á nói chung, sự tăng trưởng của ngành hàng trang sức phụ thuộc lớn vào tốc độ gia tăng thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, thị trường trang sức Việt Nam không quá nhạy cảm với giá, vì vậy, tăng trưởng của ngành ổn định hơn so với những thị trường lớn nhưng lại rất nhạy cảm với giá cả như Ấn Độ.
Nhà đầu tư lưu ý
2 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ