menu
24hmoney

Bài của Lê Quốc Vinh

THÚC ĐẨY DU LỊCH QUỐC TẾ: THAY ĐỔI CHIẾN LƯỢC MARKETING TỪ BÂY GIỜGIỜ
Những quy định kiểm soát cởi mở hơn với khách du lịch quốc tế, cùng với quyết định nối lại chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho 13 quốc gia đã thật sự tạo một luồng gió phấn khích đối với các công ty lữ hành Việt Nam. Đã lâu lắm tôi mới thấy sự hồ hởi trong cộng đồng những người làm du lịch inbound, sau hơn hai năm ngừng trệ vì Covid-19. Đây đó, có người còn hối thúc ngành du lịch nắm bắt lấy cơ hội vàng mở cửa du lịch quốc tế.
Nhưng, thực tế chưa phải như chúng ta kỳ vọng. Trong bảng xếp hạng Destination Insights with Google hồi đầu tuần, Việt Nam đứng thứ 43 về lượng tìm kiếm điểm đến trong tháng 3/2022 (giảm 10 - 25%). Nhưng nếu chỉ chọn du lịch quốc tế thì Việt Nam biến mất khỏi top 50 điểm đến hàng đầu, trong khi, ở khu vực Đông Nam Á, năm đối thủ hàng đầu đều có mặt trong top 10, bao gồm Indonesia (thứ 1), Thái Lan (3), Singapore (4), Philippines (6), Malaysia (8).
Thành thực mà nói, lượng tìm kiếm khách sạn trên Google, mặc dù chỉ là một trong những biểu hiện xu hướng, nhưng nó khá quan trọng đối với ngành du lịch. Nó cho thấy mức độ quan tâm của khách du lịch ở một thời điểm tức thời. Nhưng nếu quan sát rộng hơn, chúng ta cũng thấy các hoạt động xúc tiến du lịch đang hoặc sắp diễn ra đều không đặt kỳ vọng thu hút du khách nước ngoài như những năm trước đây. Cuối tháng này, Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - Vietnam International Travel Mart (VITM) sẽ diễn ra, và trong tháng 6/2022 sẽ là Festival Huế. Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Du lịch, cũng nhận định, mục tiêu thu hút 5 triệu khách du lịch quốc tế năm 2022 là một chỉ tiêu tương đối “tham vọng”. Mở cửa chính thức không có nghĩa là khách quốc tế sẽ ồ ạt đến, vì độ trễ chính sách có thể từ 6 đến 12 tháng.
Vì sao?
Dĩ nhiên, nguyên nhân chính của thực trạng khách du lịch quốc tế chưa mặn mà chọn đến Việt Nam là bởi vì chính sách kiểm soát Covid-19 khá cứng rắn của chúng ta trong suốt một thời gian dài, có thể nói là thuộc hàng những quốc gia khắt khe nhất. Chúng ta cũng là một trong những nước mở cửa chậm nhất trong khu vực. Ở thời điểm này, những chuyến bay VTL (vaccinated travel lane) dành cho người tiêm đủ vaccine đã bay đến Singapore,... Những động thái mở cửa của các nước láng giềng đưa ra trong thời gian Việt Nam còn lúng túng với số lượng các ca nhiễm chủng Omicron tăng phi mã đã giúp họ tiến xa hơn chúng ta một bước.
Tuy vậy, nguyên nhân sâu xa hơn là ở chiến lược thu hút khách du lịch. Ngay trong thời gian các nước đều đóng cửa, hạn chế những chuyến bay quốc tế, thì các nước Đông Nam Á này không ngừng quảng bá cho du lịch inbound (khách nước ngoài đến du lịch). Ít nhất, dù không thể mở bán tour du lịch, họ vẫn bền bỉ truyền đi thông điệp luôn sẵn sàng đón du khách trở lại, thể hiện sự quan tâm và nỗ lực khởi động lại du lịch ngay khi có thể. Thậm chí, Singapore từng có sáng kiến tạo hành lang an toàn cho khách kinh doanh kết nối với đối tác trong nước với các điều kiện kiểm soát hạn chế. Hay như Thái Lan đã từng lay động cảm xúc toàn cầu với chiến dịch “Better Together” truyền đi thông điệp tinh thần giữa mùa dịch cao điểm. Những chiến dịch này không đơn thuần là quảng bá đất nước, con người bản địa, mà họ thể hiện sự thấu cảm với từng con người, chia sẻ trăn trở, nỗi đau và nhu cầu đi lại của con người. Nói một cách khác, họ làm quảng bá du lịch theo kiểu kiến tạo, nuôi dưỡng và phát triển quan hệ cá nhân với du khách tiềm năng - một xu hướng marketing hiện đại, phù hợp với giai đoạn bất ổn và nhiều xáo trộn trên toàn cầu.
Việt Nam đã chuyển dịch chậm hơn các nước trong khu vực trong cuộc đua phục hồi và phát triển du lịch “hậu Covid-19”. Phải nói là, mặc dù có những chiến dịch truyền thông nhất định, và một vài hoạt động có dấu ấn, thí dụ như tham gia World Expo ở Dubai, nhưng thời gian vừa qua chúng ta không làm được nhiều.
Thực tế chúng ta đã để mất đi cơ hội vàng khi không tận dụng được thời gian tạm “nghỉ đông” để hoạch định một chiến lược mới, sáng tạo, thay đổi phương thức marketing cho điểm đến Việt Nam.
Trong khi đó, ngay từ tháng 1 vừa qua, Thái Lan đã kịp tung ra một chiến dịch mang tên “Amazing Thailand New Chapter”, khởi động tiến trình phục hồi kinh tế qua du lịch. Họ thu thêm 9 USD trên mỗi khách du lịch quốc tế, tính vào vé máy bay, để đầu tư cho các sản phẩm du lịch và bảo hiểm cho du khách, một phần trong mục tiêu thu 800 tỷ baht từ du lịch quốc tế. Đó là một gợi ý rất hay cho Việt Nam.
Làm thế nào?
Có ba mảng hành động chính chúng ta cần làm để đẩy nhanh mục tiêu phục hồi du lịch quốc tế. Đầu tiên phải là một chiến lược marketing kiểu mới, chuyển dịch mạnh mẽ từ phương thức quảng bá đồng loạt sang chiến lược truyền thông tương tác, tùy biến theo từng phân khúc khách hàng mục tiêu, nhằm vào từng thị trường trọng điểm. Chiến lược truyền thông này đòi hỏi tích hợp đa nền tảng truyền thông, sử dụng công nghệ số và giao tiếp trực tiếp với khách hàng mục tiêu.
Thứ hai, nghiên cứu đổi mới sản phẩm du lịch. Trải nghiệm của khách du lịch đang thay đổi. Ngày nay, khách du lịch quốc tế đòi hỏi dịch vụ cá nhân hóa và linh hoạt thay đổi theo nhu cầu phát sinh thường xuyên. Mô hình dịch vụ theo chương trình cố định đã không còn phù hợp. Các doanh nghiệp, từ lữ hành đến khách sạn và dịch vụ hỗ trợ, cần thiết kế những dịch vụ, sản phẩm mới hơn, linh hoạt hơn, ngày càng nhân bản hơn, trong đó, cần bảo đảm sự an toàn, đề cao giá trị, tính riêng tư cũng như trải nghiệm đặc biệt. Phải làm sao tạo được ấn tượng sâu đậm cho khách du lịch.
Thứ ba, cần có chiến lược gia tăng nguồn đầu tư cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch và đầu tư cho các mô hình sản phẩm dịch vụ hiện đại. Biện pháp thu một khoản nhỏ trên đầu khách du lịch, tính vào giá vé máy bay hay hóa đơn dịch vụ đã được Thái Lan và nhiều nước áp dụng, có thể nên được nghiên cứu. Bên cạnh đó, có các chính sách thực tiễn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh tay hơn cho các sản phẩm du lịch hiện đại, đặc biệt là các chương trình giải trí tầm cỡ, có tính văn hoá cao.
Du lịch là ngành bị tổn thương nhất trong đại dịch Covid-19, nhưng lại là ngành mũi nhọn của kinh tế Việt Nam trước đây và trong tương lai. Phục hồi và nhanh chóng nối lại đà tăng trưởng du lịch quốc tế chính là cú huých chung cho nền kinh tế.
Lê Quốc Vinh
Chủ tịch Le Group of Companies
(Bài viết đăng trên Nhân Dân Cuối Tuần, ra ngày 24/3/2022, trong chuyên đề cùng nhiều tác giả về QUYẾT SÁCH CHO DU LỊCH BỨT PHÁ)
Nhà đầu tư lưu ý
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ