Ảnh đại diện
Sự kiện diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, nơi cách đây 5 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc đối thoại đầu tiên với cộng đồng doanh nghiệp ngay sau khi nhậm chức.
Tham dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa…
Đại hội XIII đã đặt ra các mục tiêu phát triển đến năm 2045.
Toàn cảnh Đối thoại 2045 lần đầu tiên đươc tổ chức. (Ảnh: H.Phúc)
Triển khai Nghị quyết Đại hội, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị Đối thoại 2045 nhằm biểu dương những đóng góp to lớn của đội ngũ doanh nhân và trí thức với các thành tựu của đất nước qua 35 năm đổi mới và nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, đồng thời tiếp tục lắng nghe các ý kiến để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nhắc lại hai mong muốn lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đó là thống nhất đất nước và đưa Việt Nam vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu. Hội trường Thống Nhất cũng là địa điểm ghi dấu ấn lịch sử trong việc thực hiện di nguyện thống nhất đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu Hội nghị 2045. (Ảnh: H.Phúc)
Năm 2045 cũng là thời điểm kỷ niệm 70 năm ngày thống nhất đất nước và chúng ta cũng có niềm tin vững chắc rằng mong ước của Bác về một Việt Nam vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu cũng sẽ trở thành hiện thực.
"Đối thoại 2045" sẽ được tổ chức định kỳ, theo hình thức trực tuyến và trực tiếp về nhiều chủ đề khác nhau liên quan tới tầm nhìn về một Việt Nam hùng cường sánh vai với các cường quốc năm châu.
“Cuộc đối thoại còn thiếu vắng nhiều trí thức lớn, nhiều doanh nghiệp, chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức các cuộc đối thoại 2045 hằng năm với sự chủ trì của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng, đại diện các doanh nghiệp phát biểu. Được biết, ước tính sơ bộ, tổng doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp tham dự Hội nghị lần này đạt khoảng 26 tỷ USD.
Đội ngũ doanh nhân ngày càng có vị trí đặc biệt, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước.
Hiện nay, cả nước có trên 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.
Khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng vai trò rất quan trọng, đóng góp khoảng 42% GDP và tạo ra hơn 50% việc làm cho xã hội.
Cả nước có khoảng 7 triệu người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên.
Ngoài trí thức trong nước, còn có khoảng hơn 400.000 người trí thức Việt kiều; trong đó có hơn 6.000 tiến sĩ và hàng trăm trí thức tên tuổi được đánh giá cao trên tổng số hơn bốn triệu người Việt Nam đang sinh sống ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Cuộc gặp mặt hôm nay giữa Thủ tướng Chính phủ với đại diện cho nhiều doanh nhân tiêu biểu, nhiều học giả lớn của Việt Nam để lắng nghe, thảo luận về các sáng kiến hay góc nhìn của những doanh nhân thành đạt, những học giả uyên bác với một mục tiêu cốt lõi là "đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng vào năm 2045".
Đồng thời, lắng nghe những kiến giải để thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế đất nước trong bối cảnh Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới, cũng như tận dụng cơ hội để chuyển hóa những khó khăn, thách thức thành những thời cơ, lợi thế để phát triển đất nước nhanh hơn, bền vững hơn.
Nhà đầu tư lưu ý
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ