Tháng 10 bội thu của trader nhạy sóng
(ĐTCK) Xu thế dòng tiền luân chuyển ngày càng nhanh và mạnh trên thị trường chứng khoán, bám theo các thông tin của từng nhóm ngành mang đến cơ hội giao dịch ngắn hạn và đầu tư năng động cho nhà đầu tư.
Cuối tuần qua, nhóm cổ phiếu phân đạm đều tăng trần trên nền tảng kỳ vọng lợi nhuận quý IV tăng cao được dự báo từ trước, cộng thêm thông tin Nga sẽ áp dụng hạn ngạch xuất khẩu với một số loại phân bón từ 1/12 đến 31/5/2022. Động thái này được dự báo sẽ đẩy giá phân bón tiếp tục tăng cao.
Dòng tiền trong phiên cuối tuần qua cũng chảy vào nhóm cổ phiếu thủy sản khi giá cước vận tải tàu biển giảm hơn 10 phiên liên tiếp, giúp doanh nghiệp thủy sản cải thiện biên lợi nhuận. Trong phiên giao dịch giữa tuần thì tiền thoát ra khỏi nhóm bất động sản và sang nhóm cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu ngân hàng nhỏ đều tăng trần.
Diễn biến giao dịch tuần trước cho thấy dòng tiền cực kỳ năng động, “đổi dòng” cấp tập hơn cả những gì đã diễn ra trong một tháng qua.
Nhìn lại giai đoạn cuối tháng 9 và đầu tháng 10 là thời điểm dòng tiền tập trung nhiều vào câu chuyện hưởng lợi từ giá vận tải, giá khí, giá phân bón đồng loạt tăng cao, thì trong 3 tuần gần đây, nhóm bất động sản thương mại, bất động sản công nghiệp cũng đồng loạt nổi sóng.
Trong đó, xét trong vòng 20 phiên giao dịch trở lại đây, nhiều cổ phiếu bất động sản tăng mạnh như IDC (tăng 33% lên 72.900 đồng/cổ phiếu), DIG (tăng 63%, lên 54.200 đồng/cổ phiếu); DPG (tăng 47%, lên 84.700 đồng/cổ phiếu), SAM (tăng 85,4%, lên 22.250 đồng/cổ phiếu), NHA (tăng 55,7%, lên 50.900 đồng/cổ phiếu)…
Thậm chí, một số cổ phiếu sàn HNX và UPCoM như HU4, AAV, VEF, VCR… có tốc độ tăng lớn hơn rất nhiều.
Dòng tiền cũng có dấu hiệu dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu chứng khoán với kỳ vọng hưởng lợi từ thanh khoản gia tăng mạnh trong năm nay…
Nhìn chung, xu hướng dòng tiền trong giai đoạn cuối tháng 9 tới nay có sự dịch chuyển vào các nhóm cổ phiếu có câu chuyện kỳ vọng hưởng lợi, cũng như câu chuyện kỳ vọng tái định giá lại tài sản trong tương lai gần. Tuy nhiên, sau khi liên tục tăng nóng, thị trường đang có dấu hiệu rung lắc khi phiên giao dịch ngày 3/11/2021, các cổ phiếu bất động sản thương mại, công nghiệp, phân bón, vận tải đều có dấu hiệu bị chốt lời mạnh.
Thống kê trên sàn HOSE, kể từ 7/10 - 3/11, chỉ số VN-Index tăng 6%, lên 1.444,3 điểm. Khối lượng giao dịch tăng 22,1%, giá trị giao dịch tăng 24,8% so với tháng trước và lần lượt tăng 101,7% và 196% so với cùng kỳ. Như vậy, tháng 10 tiếp tục là tháng mà thị trường trải qua giai đoạn tích cực cả về điểm số và thanh khoản.
Nhờ dòng tiền trên thị trường vận động liên tục qua nhiều nhóm cổ phiếu đã tạo nên hiệu suất sinh lời tốt cho các nhà đầu tư nhạy sóng. Cụ thể, theo thống kê của SSI Research, kể từ ngày 7/10 - 3/11, nhóm công nghiệp đã tăng 15,3%, nhóm bất động sản tăng 10,9%, nhóm tiện ích tăng 10,5%, nhóm tài chính (không bao gồm bất động sản) tăng 9%, nhóm năng lượng tăng 7,7%.
Bức tranh dòng tiền trên thị trường trong 1 tháng trở lại đây tương đối tích cực, nhưng chủ yếu vẫn là dòng tiền từ các nhà đầu tư nội. Nếu nhìn rộng ra, trong gần 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, thị trường chứng khoán liên tục được nâng đỡ bởi dòng tiền trong nước, ngược lại khối ngoại vẫn chưa cho thấy dấu hiệu dừng rút ròng trên sàn.
Các nhà đầu tư tham gia thị trường từ sau đợt bán tháo do đại dịch Covid-19 vào tháng 3/2020 tới nay đều đã thắng lớn.
Với việc thị trường tiếp tục thuận lợi, điều này đã thôi thúc các nhà đầu tư tiếp tục duy trì giao dịch và tăng giá trị giao dịch nhờ vào giá trị tài sản đã tăng nhiều trong hơn 1 năm, điều này cũng là một phần thúc đẩy thanh khoản thị trường tiếp tục tăng cao kỷ lục như hiện tại.
Chia sẻ thông tin hữu ích