menu
24hmoney

Bài của Đặng Gia Lượng TVI

Pro
TẠI SAO VĨ MÔ VIỆT NAM TÍCH CỰC NHƯNG CHỨNG KHOÁN TỤT SÂU???
GDP 9 tháng của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, song chỉ số VN-Index lại giảm hơn 30% so với mức đỉnh đầu năm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP quý III/2022 tăng 13,67% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng, GDP tăng 8,83% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Trong khi đó, lạm phát 9 tháng chỉ tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 1,88%, dưới ngưỡng mục tiêu 4% được Quốc hội giao. Thế nhưng, bất chấp những số liệu kinh tế vĩ mô tích cực, thị trường chứng khoán liên tục lao dốc. Tính từ đáy 993,36 điểm mới thiết lập hôm 26/10/2022, chỉ số VN-Index đã mất 93,08 điểm (tương ứng 8,57%) so với đầu tháng 10 và giảm 535,21 điểm (hơn 35%) so với đỉnh lịch sử 1.528,57 điểm của chỉ số này được thiết lập hôm 6/1/2022. Với diễn biến này, VN-Index đã “gia nhập” nhóm chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới.
Có không ít nhà đầu tư băn khoăn trước sự “lệch pha” này, nhưng thị trường chứng khoán giảm cũng có lý do. Những số liệu vĩ mô quý III, 9 tháng đầu năm, hay kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đều là số liệu quá khứ, trong khi giá cổ phiếu lại thể hiện kỳ vọng tương lai. Theo ông Trần Ngọc Báu, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần WiGroup: thị trường chứng khoán Việt Nam phụ thuộc vào dòng tiền (có sự tương đồng với các động thái nới lỏng, thắt chặt tiền tệ) hơn là phụ thuộc tăng trưởng vào GDP thực của nền kinh tế. Cụ thể, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát khiến đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền trên thế giới và VND cũng không nằm ngoài ảnh hưởng này.
Dòng vốn ngoại từ mua ròng đã chuyển sang bán ròng mạnh. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hai lần nâng lãi suất điều hành kể từ đầu tháng 9 tới nay để giảm áp lực lên tỷ giá USD/ VND, làm tăng gánh nặng chi phí của các doanh nghiệp. Chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ khiến dòng vốn có xu hướng rút khỏi các lĩnh vực rủi ro cao (chứng khoán, bất động sản…). Mối tương quan chặt chẽ giữa dòng tiền với diễn biến thị trường chứng khoán thể hiện rõ qua việc chỉ số VN-Index tăng 35,7% trong năm 2021 dù nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, GDP cả năm chỉ tăng 2,58%. Dòng tiền dồi dào thì chứng khoán thăng hoa và ngược lại, ngay cả khi tăng trưởng GDP “lệch pha"
Thị trường chứng khoán suy giảm có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính là dòng tiền cạn kiệt. Cụ thể, trước diễn biến lãi suất, nhiều nhà đầu tư (90% nhà đầu tư là cá nhân, tâm lý dễ dao động) hoảng loạn bán tháo cổ phiếu để gửi tiền vào tiết kiệm, nhiều doanh nghiệp rút tiền từ kênh cổ phiếu để trả nợ trái phiếu và phục vụ sản xuất - kinh doanh.
Trong thời gian tới, sau hai lần tăng lãi suất điều hành vào 23/9 và 24/10, rất có thể về cuối năm Ngân hàng Nhà nước sẽ còn điều chỉnh tăng thêm 0,5- 1 điểm phần trăm lãi suất điều hành để giảm bớt áp lực tỷ giá. Và như vậy, lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục tăng, xu hướng dòng tiền rút ra khỏi kênh chứng khoán vẫn tiếp tục.
Nhà đầu tư lưu ý
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

1,177.40

-12.82 (-1.08%)

Biểu đồ mã VN-INDEX
10 Yêu thích
6 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ