PetroVietnam dự kiến chi hơn 1 tỷ USD cho đầu tư thượng nguồn trong năm nay
Dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy, đầu tư vào khâu thượng nguồn dầu khí trong năm 2022 đã tăng 11% so với năm 2021, và ước tính tăng 7% trong năm 2023. Trong đó, riêng tại khu vực Trung Đông ghi nhận mức tăng trưởng đầu tư lên tới 33% trong năm ngoái, theo Tạp Chí Công Thương.
Hiện nhiều tổ chức uy tín trên thế giới nhận định giá dầu thô sẽ tiếp tục neo cao trong giai đoạn 2024 - 2025. Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo tiêu thụ dầu thô toàn cầu sẽ tăng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm nay, vượt qua mức tăng trưởng nguồn cung. Qua đó, đầu tư vào hoạt động thượng nguồn dự kiến sẽ vẫn ở mức cao và thậm chí có thể tăng nhẹ.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng gia tăng đầu tư vào khâu thượng nguồn dầu khí. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã đẩy mạnh hoạt động đầu tư kể từ sau đại dịch, mở ra chu kỳ phát triển mới cho ngành dầu khí trong nước.
Trong 2024, Petrovietnam có kế hoạch đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng (2 tỷ USD), tăng 54% so với số vốn đầu tư thực tế của năm 2023, trong đó đầu tư thượng nguồn sẽ chiếm 52% tổng số vốn đầu tư trên, theo báo cáo mới nhất của VNDirect.
Trên thực tế, sản lượng dầu khí của Việt Nam đã liên tục giảm kể từ năm 2015, chủ yếu là do thiếu vắng các dự án dầu khí lớn trong nhiều năm qua do việc giá dầu sụp đổ vào năm 2014 và duy trì ở mức thấp trong nhiều năm khiến các dự án dầu khí lớn trở nên không hiệu quả về mặt kinh tế.
Do các dự án dầu khí luôn kéo dài trong nhiều năm, Petrovietnam được kỳ vọng sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vốn trong những năm tới, báo hiệu hoạt động tại khâu thượng nguồn dầu khí trong nước sẽ ngày càng sôi động hơn kể từ năm 2024 trở đi. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho các nhà cung cấp dịch vụ thượng nguồn, trước hết là cho các nhà thầu EPCI và sau đó là các nhà cung cấp dịch vụ khoan và các dịch vụ thượng nguồn khác.
Nhiều dự án dầu khí trong nước có những tín hiệu tích cực đáng kể như:
Dự án Lạc Đà Vàng, tập đoàn Murphy Oil (Mỹ) đã đưa ra Quyết định Đầu tư cuối cùng (FID) cho dự án này vào cuối năm 2023.
Dự án Nam Du - U Minh, tập đoàn Jadestone Energy (Singapore) đã ký thỏa thuận khung (HOA) với Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS (HM:GAS)) liên quan đến việc mua bán khí và phát triển các mỏ khí Nam Du và U Minh ngoài khơi Việt Nam vào tháng 01/2024.
Dự án Sư Tử Trắng giai đoạn 2B, các chủ mỏ đang làm việc với cơ quan có thẩm quyền để đàm phán và gia hạn Hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí (PSC). PSC sẽ là tiền đề để thực hiện các bước tiếp theo của dự án.
Dự án Thiên Nga - Hải Âu, liên doanh Zarubezhneft EP Việt Nam đã đặt mục tiêu phát triển mỏ khí ngoài khơi biển Việt Nam từ năm 2025. Công ty có kế hoạch lắp đặt giàn khai thác cho giai đoạn 1 từ quý 3/2025 với mục tiêu có dòng khí khai thác thương mại đầu tiên từ quý 4/2026.
Chia sẻ thông tin hữu ích