menu
24hmoney

Bài của Minh Hoàn

Pro
NHỮNG SAI LẦM THƯỜNG GẶP TRONG ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN VÀ CÁCH KHẮC PHỤC.
NHỮNG SAI LẦM THƯỜNG GẶP TRONG ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN VÀ CÁCH KHẮC PHỤC.. Có rất nhiều sai lầm trên thị  ...
Có rất nhiều sai lầm trên thị trường mà nhà đầu tư luôn mắc phải, lặp đi lặp lại ngày này qua tháng khác khiến cho họ thua lỗ. Họ cứ mải mê đi tìm chén thánh trong đầu tư mà quên mất rằng, việc tránh khỏi những sai lầm cố hữu cũng có thể giúp họ có được lợi nhuận trên thị trường.
1. Không cắt lỗ:
- Chúng ta nên đặt ra kế hoạch giao dịch trước khi vào lệnh, xách định điểm chốt lời, cắt lỗ rõ ràng. Việc cắt lỗ sớm sẽ giúp ta không phải chịu những khoản thua lỗ lớn hơn. Mặt khác, việc mắc kẹt ở một giao dịch lỗ và chờ cổ phiếu hồi lên đôi khi sẽ làm ta bị chôn vốn ở đó và mất cơ hội ở những cổ phiếu khác, khi mà các tín hiệu mua tốt xuất hiện.
- Việc ôm lỗ trong thời gian dài cũng ảnh hưởng xấu tới tâm lý của nhà đầu tư, gây ra sự chán nản, lo sợ và thiếu tự tin trong giao dịch. Hãy coi việc cắt lỗ là 1 khoản chi phí cần có trong kinh doanh, nó sẽ được bù đắp bởi các khoản lợi nhuận ở các giao dịch khác.
2. Thích bắt đáy, ham mua cổ phiếu đang giảm, sợ mua cổ phiếu đang tăng giá:
- Chúng ta thường có tâm lý thích mua rẻ, mua hạ giá nên đa số nhà đầu tư thích mua các cổ phiếu khi nó đang giảm giá hoặc nó đang ở vùng đáy. Thị trường luôn có quán tính, 1 cổ phiếu đang giảm nó sẽ có xu hướng tiếp tục giảm, ta không thể biết khi nào nó ngừng giảm. Do đó việc mua cổ phiếu đang trong xu hướng giảm thường dẫn tới thua lỗ. Các cổ phiếu đang ở vùng giá đáy tức là không có dòng tiền lớn tham gia vào, nó có thể ở đó nhiều tuần hoặc nhiều tháng, bạn sẽ bị chôn vốn ở đó . Thậm chí là có những cú rũ bỏ để đánh bật bạn ra khỏi vị thế nắm giữ với một khoản lỗ lớn, trước một đợt tăng giá.
- Ngược lại chúng ta thường có tâm lý sợ mua cổ phiếu đang tăng giá vì nghĩ rằng giá nó đã “ Cao”. Tuy nhiên cổ phiếu tăng nghĩa là đã có dòng tiền lớn tham gia vào, và thường nó sẽ tăng tiếp. Nó chỉ đảo chiều sang xu hướng giảm sau khi xảy ra sự phân phối (chuyển giao cổ phiếu giá cao từ cá mập sang nhỏ lẻ). Do đó mua một phần cổ phiếu trong các nhịp tăng và mua thêm ở cuối nhịp chỉnh ngắn trong trend tăng là 1 chiến lược an toàn và thuận xu hướng
3. Yêu cổ phiếu:
- Một số nhà đầu tư sau khi phân tích đánh giá doanh nghiệp (hoặc tham khảo phân tích của các chuyên gia) họ cảm thấy một cổ phếu A nào đó rất tốt, doanh nghiệp rất triển vọng, giá cổ phiếu rất rẻ. Họ bỏ ngoài tai tất cả nhưng cảnh báo không tốt về cổ phiếu đó. Bất kì ai nói xấu nó đều bị họ phản bác kịch liệt. Vì quá yêu cổ phiếu nên khi giá giảm mạnh họ vẫn nắm giữ với niềm tin rồi thị trường sẽ nhận ra giá trị thật của nó. Cho tới khi khoản lỗ của họ quá lớn, vượt quá sức chịu đựng họ mới cắt lỗ và rời bỏ thị trường với một vết thương lòng.
- Đối với một nhà đầu tư chuyên nghiệp, cổ phiếu chỉ là 1 món hàng, không có sự yêu -ghét, không có sự trung thành hay phản bội. Họ sẽ mua món hàng đó khi kỳ vọng sự tăng giá trong ngắn hoặc dài hạn, bán cổ phiếu khi những kỳ vọng ban đầu không còn đúng hoặc chạm giới hạn cắt lỗ.
4. Không có kế hoạch giao dịch, dẫn tới fomo hoặc hoảng sợ.
- Sai lầm này khá phổ biến, hầu hết nhà đầu tư đều không có 1 kế hoạch giao dịch cụ thể, họ mua vì thấy nó tăng hay vì nó đang hạ giá. Hoặc họ mua theo người khác khuyến nghị, mua theo cảm tính. Không hề có mục tiêu lợi nhuận hay kế hoạch cắt lỗ cụ thể. Do đó họ dễ dàng rơi vào tình trạng fomo mua theo đám đông hưng phấn. Đến khi cổ phiếu đảo chiều giảm lại không bán ngay mà cho tới khi lỗ nặng ở những đợt rũ bỏ cuối cùng họ lại hoảng sợ bán ra trước khi cổ phiếu hồi phục.
- Nếu chúng ta có 1 kế hoạch mua bán rõ ràng, ta sẽ mua hoặc bán khi nó thỏa mãn các điều kiện đặt ra từ đầu. Sẽ không hề có yếu tố cảm xúc nào ở đây, vì tất cả đã nằm trong kết hoạch dù giao dịch đó là lãi hay lỗ.
5. Đầu tư theo tin tức, hội nhóm.
- Đầu tư theo tin tức cũng là 1 sai lầm khá phổ biến, tuy nhiên chúng ta thường là những người biết thông tin cuối cùng trên thị trường. Nên trong đầu tư chứng khoán mới có câu “Tin ra là bán”. Cáp mập thường gom hàng từ trước đó, khi mọi thứ đều xấu, sau đó mới đánh lên. Những tin tức tốt thường xuất hiện ở đỉnh của thị trường để việc phân phối cổ phiếu ở giá cao diễn ra thuận lợi.
- Các nhóm cổ đông tự phát của 1 cổ phiếu nào đó cũng rất phổ biến. Thậm chí đôi khi nó còn được lập bởi chính thành viên hội đồng quản trị hoặc người trong bộ máy công ty. Hãy đặc biệt cảnh giác với những nhóm kiểu này, có nhiều trường hợp họ hô hào nhóm nắm giữ và mua vào, họ hứa hẹn sẽ có mức giá cao trong tương lai, nhưng thực tế chính họ và đội nhóm của họ lại đang ngầm bán ra.
- Do đó, mỗi chúng ta khi tham gia thị trường nên có tư duy độc lập và rèn luyện khả năng tự phân tích thị trường, phân tích cổ phiếu, để tránh khỏi những cạm bẫy trên thị trường.
6. Cố chấp, sợ phải thừa nhận sai lầm. Hơn thua với thị trường.
- Đôi khi chúng ta bị kẹt trong một giao dịch thua lỗ. Thay vì thoát khỏi giao dịch với 1 khoản lỗ nhỏ và tìm cơ hội khác, chúng ta lại không thừa nhận mình sai. Có thể là thừa nhận với chính bản thân mình hoặc với bạn bè, hội nhóm. Chúng ta sợ mất mặt, sợ bị chê cười mà quên mất rằng giao dịch lỗ là hết sức bình thường trong đầu tư. Ngay cả những thiên tài chứng khoán cũng gặp nhiều giao dịch thua lỗ nhưng số lượng hoặc lợi nhuận từ các giao dịch lãi của họ lớn hơn mà thôi.
- Có một số người khác lại có tính hơn thua với thị trường, coi thị trường là kẻ địch với tâm thế “ không bán xem nó đạp được tới khi nào”. Thật ra thị trường không biết bạn là ai, không quan tâm bạn lãi hay lỗ, nó luôn tạo ra các dòng chảy cơ hội song song với các rủi ro. Ai tận dụng được nhiều cơ hội hơn sẽ chiến thắng, ai mắc phải nhiều rủi ro hơn sẽ thất bại. Bạn không có kẻ địch trực tiếp trên thị trường, chỉ có bạn và giao dịch của bạn mà thôi.
7. Bỏ chứng vào quá nhiều giỏ.
- Chúng ta đã quá quen với câu “ không nên bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ”. Tức là không nên dùng hết tiền mua 1 cổ phiếu. Thực tế là hầu hết các nhà đầu tư yếu kém thường mua rất nhiều cổ phiếu, luôn có từ 10 -20 cổ phiếu trong danh mục của họ. Thậm chí họ không thể nhớ hết mình đã mua những gì. Và hầu hết họ là các nhà đầu tư không chuyên, đầu tư chỉ là việc phụ. Việc mua quá nhiều cổ phiếu và bỏ ra ít thời gian để tìm hiểu, theo dõi sẽ dẫn tới việc không nắm được diễn biến của cố phiếu để đưa ra hành động phù hợp. Họ bỏ nhiều trứng vào nhiều giỏ khác nhau nhưng lại vứt mỗi giỏ một nơi để rồi cuối cùng tất cả đều vỡ.
- Theo kinh nghiệm của tôi, nhà đầu tư không chuyên chỉ nên mua 3 đến 5 cổ phiếu để tránh rủi ro tập trung mà vẫn quản lý tốt danh mục của mình. Việc quan trọng hơn không phải là mua bao nhiêu cổ phiếu mà là chỉ mua khi cổ phiếu phù hợp với các tiêu chí mình đặt ra và có kế hoạch giao dịch cụ thể.
Hi vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp các bác có một tư duy đúng đắn trong đầu tư, tránh được những sai lầm không đáng có.
Chúc mọi người đầu tư thành công!
Nhà đầu tư lưu ý
16 Yêu thích
28 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ