Ảnh đại diện Pro
Góc nhìn 06/11: Ưu tiên quản trị rủi ro
Theo Chứng khoán Beta, trong giai đoạn này, việc quản trị rủi ro nên được ưu tiên hơn là cố gắng bắt đáy khi thị trường chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng.
VN-Index có khả năng tiếp tục giảm về 1,240
CTCK BIDV (BSC): VN-Index phiên 05/11 đi ngang và đóng cửa tại mốc 1,245.76 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 12/18 ngành tăng điểm, trong đó ngành du lịch và giải trí dẫn đầu đà tăng, theo sau là ngành hàng cá nhân và gia dụng, hóa chất… Ở chiều ngược lại, ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng... có phiên giao dịch không tích cực.
Đà giảm có dấu hiệu chững lại nhưng thanh khoản rất thấp. Trong những phiên tới, không thể loại bỏ khả năng VN-Index sẽ tiếp tục giảm về 1,240.
VN-Index suy yếu trong ngắn hạn
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Xu hướng ngắn hạn, VN-Index suy yếu hơn khi giao dịch dưới vùng kháng cự tâm lý 1,250 điểm. Tình hình chỉ có thể cải thiện tốt khi VN-Index vượt lên vùng kháng cự 1,250 điểm. Hỗ trợ gần nhất là 1,240 điểm và nếu không giữ được, chỉ số có thể tiếp tục chịu áp lực kiểm nghiệm lại vùng 1,220 – 1,230. Xu hướng trung hạn VN-Index vẫn tăng trưởng trên vùng hỗ trợ quanh 1,250 điểm.
Trong ngắn hạn, VN-Index đang chịu áp lực điều chỉnh đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhóm ngân hàng. Trong khi các nhóm vốn hóa trung bình đã chịu áp lực điều chỉnh trước và dần phân hóa phục hồi. SHS cho rằng, đây là vùng giá tương đối hợp lý, mở ra các vị thế mua lướt, tích lũy cổ phiếu tốt.
Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng danh mục hợp lý, xem xét giải ngân các mã cơ bản tốt, có quý 3 tăng trưởng tốt, kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong cuối năm. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt.
Lực cầu phản ứng yếu tại ngưỡng hỗ trợ 1,244, hướng tới 1,228
CTCK Asean (Aseansc): Mặc dù vẫn giữ được xu hướng tăng chủ đạo từ tháng 11/2022 nhưng thị trường trong ngắn hạn đang vận động theo chiều hướng xấu khi lực cầu phản ứng yếu tại ngưỡng hỗ trợ 1,244, hướng tới vùng cân bằng mới 1,228.
Ở góc nhìn vĩ mô, thị trường sắp tới có thể được hỗ trợ về mặt thanh khoản và tâm lý nhà đầu tư khởi sắc trở lại khi chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ đã về mức dương giúp tăng tính hấp dẫn của thị trường trong ngắn hạn, đồng thời Ngân hàng Nhà nước liên tục có các động thái bơm ròng từ tuần cuối tháng 10 đến nay (trong ngày 05/11 tiếp tục bơm gần 20 ngàn tỷ đồng) nhằm hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn.
Do đó, thị trường trong ngắn hạn có thể sẽ có nhịp hồi nhẹ. Tuy nhiên nhà đầu tư vẫn nên theo sát diễn biến giá dầu thế giới, tỷ giá, và các động thái của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới để chờ đợi các tín hiệu xác nhận xu hướng hồi phục và cân bằng lại rõ ràng hơn của VN-Index.
Aseansc duy trì đánh giá cao triển vọng thị trường trung và dài hạn, nhà đầu tư nên sẵn sàng lượng tiền mặt, cân nhắc giải ngân khi xu hướng thị trường được xác nhận và các cổ phiếu về mức định giá hấp dẫn.
VN-Index có thể tạo điểm cân bằng quanh khu vực 1,240 – 1,250
CTCK Vietcombank (VCBS): Áp lực bán đã chững lại trên VN-Index và có xác suất tạo điểm cân bằng quanh khu vực 1,240 – 1,250. Nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 50% - 60% và hạn chế giải ngân ở thời điểm hiện tại. Đồng thời, theo dõi sát sao diễn biến thị trường để kịp thời cơ cấu lại danh mục nếu thị trường ghi nhận xu hướng ngắn hạn thay đổi.
Nhà đầu tư ưa thích rủi ro có thể cân nhắc chọn lọc cơ hội lướt sóng ngắn hạn ở một số cổ phiếu mang tính đầu cơ cao và đang có tín hiệu đảo chiều sau khi đã ghi nhận nhịp điều chỉnh sâu, đồng thời thu hút được sự chú ý của dòng tiền.
Kỳ vọng tạo nền quanh ngưỡng 1,240
CTCK Tiên Phong (TPS): Các dấu hiệu tích cực đã xuất hiện khi thị trường đang chạm vào ngưỡng hỗ trợ 1,240 điểm.
TPS kỳ vọng vào việc thị trường có thể kìm hãm được xu hướng giảm và tạo nền quanh ngưỡng 1,240 để tìm động lực tiến đến những vùng điểm số cao hơn trong thời gian tới. Những nhà đầu tư đang nắm cổ phiếu có thể chờ đợi vùng 1,240 để tham gia giải ngân hạ giá vốn và mở ra cơ hội nắm giữ cổ phiếu.
Đối mặt với nhiều khó khăn do dòng tiền yếu và nhà đầu tư thận trọng
CTCK Beta: VN-Index duy trì xu hướng tiêu cực trong ngắn hạn khi nằm dưới các đường trung bình quan trọng. Đồng thời, các chỉ báo SAR, MACD và cặp DI+, DI- tiếp tục trạng thái tiêu cực.
Nhìn chung, thị trường vẫn đối mặt với nhiều khó khăn do dòng tiền yếu và sự thận trọng của nhà đầu tư. VN-Index có thể sẽ dao động với biên độ hẹp trong ngắn hạn, khi các yếu tố tích cực chưa đủ mạnh để kích thích dòng tiền quay trở lại. Áp lực bán ròng từ khối ngoại cũng là yếu tố tác động tiêu cực, khiến tâm lý thị trường suy yếu.
Trong giai đoạn này, việc quản trị rủi ro nên được ưu tiên hơn là cố gắng bắt đáy khi thị trường chưa có dấu hiệu rõ ràng của sự phục hồi. Các nhà đầu tư thận trọng có thể lựa chọn giữ tỷ trọng tiền mặt cao và theo dõi kỹ diễn biến thị trường. Đối với những nhà đầu tư ưa mạo hiểm, việc tìm kiếm cơ hội đầu tư ở vùng giá hấp dẫn là khả thi nhưng cần thực hiện từng phần và chọn lọc cổ phiếu kỹ lưỡng.
Tiếp tục biến động mạnh trong quá trình phục hồi về vùng 1,300 điểm
CTCK Ngân hàng Đông Á (DAS): VN-Index có thể tiếp tục biến động mạnh trong quá trình phục hồi về vùng 1,300 điểm. Kết quả kinh doanh quý 3 của hai nhóm ngành ngân hàng và bất động sản được công bố rất tích cực, vượt trội so với mặt bằng chung của thị trường, đồng thời mức định giá hợp lý để giữ tỷ trọng hai nhóm ngành này danh mục đầu tư trung dài hạn.
Các giao dịch ngắn hạn có thể được thực hiện với tỷ trọng nhỏ khi VN-Index về vùng 1,240 điểm.
Nhà đầu tư lưu ý
Mã chứng khoán liên quan bài viết
24.95 +0.10 (+0.40%)
5.80 -0.04 (-0.68%)
24.35 -0.25 (-1.02%)
41.15 -0.05 (-0.12%)
1,228.10 -0.23 (-0.02%)
prev
next
2 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ