Gỡ khó cho nhà đầu tư “bắt dao rơi”
Trong rủi ro luôn đi kèm cơ hội và ngược lại, cơ hội nào cũng tiềm ẩn những rủi ro phía sau. Đặc biệt trên thị trường chứng khoán, không ít quyết định sai lầm xảy ra khi mà nhà đầu tư không nhận diện rõ được đâu là cơ hội, đâu là rủi ro.
Dưới góc nhìn môi giới, tiếp xúc trực tiếp với nhiều nhà đầu tư (NĐT), những chuyên viên môi giới mà người viết trao đổi cùng cho rằng, trước đây đa số NĐT mua – bán cổ phiếu bằng cảm tính, thiếu thông tin, thiếu sự tìm hiểu phân tích và kiểm soát các rủi ro, đặc biệt là mua – bán theo tâm lý đám đông… Hiện nay, phần lớn NĐT đã thay đổi, có sự am hiểu và kiến thức khá tốt về vĩ mô nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng như phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật về cổ phiếu, khả năng kiểm soát tâm lý và hành vi cũng tốt hơn…
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán ở giai đoạn phát triển nào thì những sai lầm của NĐT vẫn luôn tồn tại và chủ yếu thuộc về vấn đề kiểm soát tâm lý. Như ông Hồ Văn Cường, Trưởng bộ phận môi giới CTCK SBBS cho biết, lỗi thuộc về phạm trù tâm lý là một trong hai lỗi cơ bản mà NĐT hay mắc phải, đó là hưng phấn quá đà hay quá bi quan hoảng loạn khi thị trường giảm điểm.
Chung với nhận định này, chuyên viên môi giới lâu năm tại TPHCM, ông Dương Thành Như cũng chia sẻ “NĐT để cảm xúc và ảnh hưởng bên ngoài tác động đến quyết định đầu tư của mình. Hành động theo tâm lý đám đông và sự lây lan thông tin khiến việc đầu tư trở nên sai lệch thay vì một quyết định hợp lý. Hoặc khi đang ở trong tâm trạng quá lạc quan hay quá bi quan trước một thông tin mà NĐT nghĩ là “rất hot”, thì rất dễ đưa ra quyết định sai lầm mà cái giá của nó là rất lớn, nhà đầu tư sẽ không còn gì nữa và buộc sẽ phải dừng “cuộc chơi” trong thất bại nặng nề”.
Lỗi cơ bản thứ hai là mua theo tin đồn trong khi không có những phân tích về doanh nghiệp hay xu hướng thị trường. Cũng chính điều này sẽ dễ dẫn đến tài khoản NĐT bị “bào mòn”. Thua lỗ sẽ dễ khiến NĐT trở nên nôn nóng, mất bình tĩnh, muốn “gỡ gạc” lại ngay và từ đó lại sa vào những sai lầm khác.
Cũng về tâm lý đó là việc vội vã bắt đáy giống như bắt một con dao đang rơi khi mua một cổ phiếu đang trên đà sụt giảm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tương tự, nhiều NĐT vẫn “cứng đầu” giữ chặt cổ phiếu của các công ty đang làm ăn thua lỗ, xuống dốc với đủ loại lý do biện hộ, mà trong đó thường thấy nhất là “lỗ chưa thực hiện được là chưa lỗ”, chuyên viên môi giới trên chia sẻ.
Ông Dương Thành Như cũng so sánh việc mua những cổ phiếu rẻ, thị giá thấp khiến nhiều NĐT có cảm giá như đang mua được nhiều hơn so với cùng một số tiền, tuy nhiên thực tế thì không phải vậy. Bởi việc suy nghĩ theo số lượng cổ phiếu mua được là không nên, mà nên suy nghĩ theo giá trị số tiền đầu tư và tỷ suất sinh lợi trên tổng số tiền đó.
Mặt khác, về vấn đề tài chính, nếu không có tiền mặt dự phòng và lúc nào cũng ở trạng thái full-margin thì cực kỳ rủi ro. Do việc này sẽ dẫn đến thua lỗ nặng nếu lỡ có một yếu tố bất ngờ xảy ra, thị trường giảm điểm mạnh. Đơn cử vào tháng 5/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan vào biển Đông đã khiến thị trường chứng khoán rớt điểm mạnh.
Cũng theo chuyên viên môi giới Dương Thành Như, phần lớn các NĐT hiện nay còn gặp khó khăn trong việc quản trị danh mục đầu tư, ông chia sẻ ba yếu tố quan trọng nhất để có thể tối đa hóa được lợi nhuận danh mục đó là rủi ro và tỷ suất lợi nhuận.
Thứ nhất, danh mục có quá nhiều mã cổ phiếu có thể giảm bớt rủi ro nhưng không mang lại hiệu quả mong đợi. Điều này sẽ khiến NĐT vừa mất sức lực vừa không kiểm soát tốt cổ phiếu của mình. Theo chuyên gia thì NĐT nên tìm hiều nhiều loại chứng khoán để đưa vào danh sách theo dõi, sau đó đầu tư vào một số cổ phiếu mà họ tin tưởng nhất bằng việc phân tích vĩ mô đến phân tích ngành, rồi đến phân tích doanh nghiệp, sau cùng là dùng phân tích kỹ thuật để chọn ra thời điểm thích hợp mua – bán.
Thứ hai, đối với danh mục đầu tư tập trung thì không nên vượt quá 6 mã cổ phiếu. Khi đã xác định xu thế tăng trưởng của thị trường, cần phải vào những cổ phiếu “khỏe” nhất thị trường, thông thường thì nên chọn những mã tăng trưởng đầu ngành và thanh khoản tốt… Những tháng cuối năm sắp tới, có thể đầu tư các ngành như dầu khí, chứng khoán, dệt may, cao su chế biến.
Thứ ba, với những người ưa thích những cổ phiếu “làm giá” hoặc đầu cơ “nóng” thì nên để tỷ trọng thấp và luôn sẵn sàng tinh thần thoát ra hoặc cắt lỗ để không ảnh hưởng đến danh mục. Với kiểu “đánh bạc”, dốc hết vốn vào các mã nóng và để margin tối đa thì rủi ro cháy tài khoản, dừng “cuộc chơi” là điều khó tránh khỏi.
Chia sẻ thông tin hữu ích