Giảm 3 tháng liên tiếp, giá dầu có chuỗi thời gian sụt dài nhất hơn 2 năm
Giá dầu tiếp tục giảm và như vậy ghi nhận tháng thứ 3 giảm liên tiếp và cũng như chuỗi thời gian giảm dài nhất trong hơn 2 năm bởi những lo lắng về khả năng chính sách tiền tệ thắt chặt và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chững lại sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng. Tính toàn bộ tháng 8/2022, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm hơn 9% và có tháng giảm sâu nhất tính từ tháng 11/2020. Tâm lý bi quan cũng đang trở nên lớn dần khi mà tăng trưởng kinh tế chững lại tại nước tiêu thụ nhiều dầu như Trung Quốc.
Cùng lúc đó, các quan chức ngân hàng trung ương trên thế giới tái khẳng định lại cam kết nâng mạnh lãi suất cho vay nhằm hạ nhiệt lạm phát. Phiên ngày thứ Tư tuần vừa rồi, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI trên thị trường Mỹ đóng cửa dưới mốc 90USD/thùng lần đầu tiên trong 2 tuần.
Chuyên gia phân tích cao cấp về thị trường năng lượng tại tập đoàn Stone X, ông Harry Altham, nhận xét: “Diễn biến giá trong phiên sáng ngày cuối cùng của tháng có thể coi như tổng quan tâm lý của toàn tháng 8/2022, trong đó lãi suất của ngân hàng trung ương vốn được coi như yếu tố cản trở tăng trưởng nhu cầu dầu”.
Thanh khoản trên các thị trường giao dịch dầu thấp khiến cho biến động giá càng tăng cao hơn, nó không khỏi khiến cho nhiều quỹ đầu tư về dầu cảm thấy không hài lòng. Chuyên gia quản lý quỹ Pierre Andurand vào ngày thứ Năm khẳng định rằng thị trường tương lai đang có những “rạn vỡ”. Trong tuần qua, giá dầu liên tục dao động trong ngưỡng khoảng 10USD/thùng.
Việc giá dầu trên thị trường tương lai giảm đi diễn ra khi mà tình hình nguồn cung tại Mỹ có những diễn biến lạc quan, dự trữ dầu thô giảm đến tuần thứ 3, cùng lúc đó, tồn kho dầu tại trung tâm trữ dầu lớn nhất của Mỹ giảm lần đầu tiên trong 2 tháng, theo thông tin từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Giá dầu WTI có tháng giảm thứ 3 liên tiếp và như vậy có chuỗi thời gian giảm dài nhất tính từ tháng 4/2020.
Dù rằng có những yếu tố bất ổn tại Libya và Iraq trong những ngày gần đây, sản lượng dầu tại cả hai nước thành viên OPEC này dường như không chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Trong một diễn biến khác có liên quan, các cuộc đối thoại nhằm nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran nếu thành công có thể giúp mang đến thêm dầu vào thị trường thế giới, sản lượng dầu tại Nga cùng lúc đó đã được duy trì ở ngưỡng cao hơn so với các tính toán trước đây.
Sự đồng thuận nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 hoàn toàn không ngoài khả năng nếu các điều khoản cuối cùng có lợi hơn cho Iran, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian khẳng định trong cuộc họp báo tại Moscow.
Việc giá dầu sụt giảm trong tháng 8/2022 đánh dấu cho chương mới nhất của một năm đầy xáo trộn, giá dầu bị đẩy cao trong nửa đầu năm 2022 khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, sau đó giá dầu rơi vào khoảng thời gian suy giảm kéo dài khi ngân hàng trung ương nhiều nước thay đổi rõ rệt định hướng chính sách tiền tệ và phía Nga vẫn cố gắng xuất được dầu ra thị trường thế giới.
Việc giá dầu suy giảm trong thời gian gần đây khiến cho Saudi Arabia đã phải tính đến việc liên minh OPEC+ sẽ giảm sản lượng dầu. Tuy nhiên, truyền thông Nga gần đây đưa tin rằng nhóm này không bàn đến động thái đó ở hiện tại.
Chia sẻ thông tin hữu ích