Gần 130.000 tỷ đổ vào chứng khoán Việt trong 3 ngày: Sự trỗi dậy của dòng tiền nội
"Tây" bán ròng không còn là nỗi sợ hãi của nhà đầu tư chứng khoán Việt bởi dòng tiền nội đang trỗi dậy mạnh mẽ và lấn át nỗi sợ hãi đó. Chủ tịch SSI cho rằng dòng vốn của nhà đầu trong nước là quan trọng nhất của mọi thị trường chứng khoán trên thế giới.
"Ra đường sợ nhất công nông, đầu tư chứng khoán sợ nhất Tây bán ròng" là câu chế thành ngữ thuộc lòng của bao thế hệ nhà đầu tư chứng khoán Việt suốt 20 năm qua. Thế nhưng, thị trường chứng khoán sau 20 năm trưởng thành, dòng tiền nội đã lớn mạnh để đập tan nỗi sợ hãi Tây bán ròng của nhà đầu tư Việt.
Tây bán ròng kỷ lục và tiền nội vào thị trường như "thác đổ"
Tháng 10, đà bán ròng của khối ngoại đã giảm nhẹ chỉ còn 5.325 tỷ đồng, trong khi tháng 9 con số này lên tới 9.000 tỷ đồng. Dù có một vài phiên khối ngoại trở lại mua ròng song xuyên suốt từ đầu năm 2020 đến nay, khối ngoại bán ròng là xu hướng chủ đạo. Luỹ kế 10 tháng năm 2021, khối ngoại đã bán ròng 46.077 tỷ đồng. Năm 2020, nhờ các giao dịch thoả thuận mua ròng lớn của VHM và MSN, khối lượng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 15.741 tỷ đồng.
Con sóng chứng khoán 2020-2021 khác hẳn với năm 2017-2018 lúc đó nhà đầu tư nước ngoài mua ròng rất lớn. Cụ thể, năm 2017, khối ngoại mua ròng 26.424 tỷ đồng, năm 2018 khối ngoại mua ròng kỷ lục lên mức 43.075 tỷ đồng.
Trở lại chủ đề bán ròng kỷ lục của khối ngoại 10 tháng năm nay, HPG, CTG, VNM, VIC, VPB là top 5 cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất. Song nhìn lại các cổ phiếu này, khối ngoại bán ròng mạnh mẽ HPG và VPB, giá cổ phiếu vẫn lên mạnh, kể cả CTG gần đây có điều chỉnh ở mức nhất định nhưng vẫn tăng giá mạnh so với thời điểm giữa năm 2020 nhờ sự trỗi dậy của dòng tiền các nhà đầu tư trong nước hấp thụ hết lượng cổ phiếu bán ra của khối ngoại.
Dòng tiền nội đã thực sự trỗi dậy vô cùng mạnh mẽ, không chỉ hấp thụ hết lượng cổ phiếu xả của khối ngoại mà còn đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lập đỉnh về thanh khoản. Phiên giao dịch ngày 3/11, chứng khoán Việt đã lập đỉnh thanh khoản cao nhất mọi thời đại.
Cụ thể, thanh khoản của tam sàn đạt gần gần 1,5 tỷ cổ phiếu tương ứng 52.000 tỷ đồng, tăng 42% so với phiên trước đó. Trong đó, HOSE đạt gần 43.000 tỷ đồng, HNX 5.343 tỷ, UpCoM gần 3.400 tỷ đồng.
Dòng tiền nội cuồn cuộn đổ vào thị trường, những phiên gần đây thanh khoản tăng rất mạnh: phiên 2/11 đạt 36.340 tỷ đồng, ngày 1/11 đạt 40.386 tỷ đồng. Như vậy, chỉ tính thanh khoản trong 3 phiên đầu tháng 11 (T+3), dòng tiền đổ vào thị trường lên tới 128.700 tỷ đồng, riêng HOSE là 100.000 tỷ đồng.
Chưa bao giờ dòng tiền đổ vào thị trường lớn như vậy, chủ yếu là dòng tiền nội. Bởi, theo thống kê giao dịch trên HOSE, ngày 3/11, nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 5,2% lượng cổ phiếu, còn tính theo giá trị thì giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm gần 8%. Như vậy, giao dịch của khối ngoại không có tác động nhiều tới thị trường.
Thời kỳ đỉnh cao nhất của giao dịch khối ngoại là thời điểm năm 2018, khi có những phiên giao dịch khối ngoại chiếm tới 18-21% tổng giao dịch toàn thị trường. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhờ sự trỗi dậy của dòng tiền nội, giao dịch khối ngoại chỉ chiếm từ 7-8% mỗi phiên.
Trước khi có đại dịch Covid-19, thanh khoản của sàn thường chỉ dao động ở mức 5.000-6.000 tỷ mỗi phiên nhưng giờ đây đại dịch đã trở thành cú hích đẩy tiền cuồn cuộn vào sàn chứng khoán.
Tính trên HOSE, giá trị giao dịch tháng 12/2020 là khoảng 257.000 tỷ đồng thì ngay 3 phiên đầu tháng 11 đã lên tới gần 100.000 tỷ. Trước đó, tháng 10, giá trị giao dịch của HOSE cũng đạt 432.000 tỷ đồng, tháng 8 đạt 475.628 tỷ, tháng 6 đạt 486.600 tỷ đồng. Tiền như thác đổ ồ ạt vào thị trường.
"Cân Tây" đầy quật cường, mua ròng mạnh mẽ của cả nhà đầu tư tổ chức và tự doanh bán ròng, khối nhà đầu tư cá nhân đang làm chủ cuộc chơi. Nhà đầu tư cá nhân đang góp dòng tiền lớn nhất chiếm khoảng 80% giao dịch trên thị trường chứng khoán hiện nay.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng có chia sẻ trên trang cá nhân: "Chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm 2021, người đân đã chuyển thêm 68.000 tỷ đồng vào đầu tư chứng khoán. Khi niềm tin của người dân tăng cao thì cơ quan quản lý cần có những biện pháp giữ gìn thị trường minh bạch để bảo vệ nhà đầu tư. Nhà đầu tư trong nước là nhân tố quan trọng nhất của mọi thị trường chứng khoán trên thế giới". Lời chia sẻ của vị chủ tịch đứng đầu công ty chứng khoán lớn nhất thị trường chứng khoán Việt cho thấy sức mạnh trỗi dậy của dòng tiền nội.
Nhà đầu tư nước ngoài liệu có mua ròng trở lại?
Ông Vicente Nguyen, Quản lý quỹ AFC Vietnam Fund trước đó có dẫn ra thống kê từ Fiin Group, hiện lượng tiền gửi ở các công ty chứng khoán đạt trên 90.000 tỷ, đó là chưa kể số tiền gửi của các nhà đầu tư nước ngoại tại ngân hàng lưu ký. Bởi như bạn biết, trong mấy tháng qua, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng miệt mài cả tỷ đô la. Thực tế 10 tháng qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trên 46.000 tỷ đồng.
Cuối tháng 10, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng có cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, do tác động của đại dịch Covid-19, tâm lý chung của nhà đầu tư khá thận trọng khi đầu tư trên các thị trường cận biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam. Xét về giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường quốc tế, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng theo xu hướng chung nhưng thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng là do một số yếu tố như: tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt là hiện thực hóa khoản lợi nhuận trong danh mục đầu tư đã thực hiện giải ngân vào năm 2019 và 2020, sau khi thị giá cổ phiếu đã tăng cao để chờ đợi các cơ hội đầu tư mới.
Nhà đầu tư nước ngoài rút ròng trên thị trường cổ phiếu, nhưng có xu hướng mua trái phiếu và giữ lại tiền mặt đề chờ đầu tư tiếp. Số liệu thống kê cũng cho thấy, tỷ trọng tiền mặt trong tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tương đối ổn định ở mức cao từ đầu năm đến nay.
Dù nhà đầu tư nước ngoài có rút vốn ra khỏi Việt Nam, nhưng giá trị rút vốn lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay chỉ chiếm 0,8% tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài và thấp hơn giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán. Điều này cho thấy, hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài phần nào để tái cơ cấu danh mục, không phải hoàn toàn để rút vốn.
Số lượng nhà đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới mã số giao dịch chứng khoán và mở mới tài khoản giao dịch tăng đều qua các tháng. Tổng số lượng nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mã số giao dịch chứng khoán trong 9 tháng vừa qua là 3.235 tài khoản, bằng hơn 80% của năm 2020, nâng tổng số tài khoản nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường đạt 38.306 tài khoản. Đây là những chỉ báo cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
SSIAM cho biết sau giai đoạn bán ròng miệt mài, khối ngoại đang có xu hướng trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong những ngày gần đây. Tính riêng tuần giao dịch cuối tháng 10 (25-29/10), khối ngoại đã mua ròng 382 tỷ đồng trên sàn HOSE, chấm dứt chuỗi 11 tuần bán ròng liên tiếp trước đó.
Chia sẻ thông tin hữu ích