DÒNG ĐẦU TƯ TRÊN TRÊN TTCK VIỆT NAM - Đà rút vốn chậm lại
Các quỹ ETF tiếp tục rút vốn trong tháng 5, tuy nhiên giá trị rút ròng đã giảm đáng kể so với hai tháng trước, ghi nhận ở mức -1,8 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 2,6% tổng tài sản quỹ.
Tính từ đầu năm, các ETF đã rút ròng tổng cộng -12,38 nghìn tỷ đồng, tương đương -16,3% tổng tài sản các quỹ vào cuối năm 2023. Các quỹ chịu áp lực rút vốn mạnh nhất bao gồm DCVFM VN30 (-6,4 nghìn tỷ), SSIAM VNFIN Lead (-1,7 nghìn tỷ), DCVFM VN30 (-1,5 nghìn tỷ) và Fubon (-1,5 nghìn tỷ).
Đà rút ròng chậm lại chủ yếu do quỹ DCVFM VNDiamond giảm tốc độ rút ròng (-270 tỷ trong tháng 5) hay quỹ iShares Frontier tạm ngừng rút vốn và quỹ Xtrackers FTSE cũng đảo chiều từ rút ròng -408 tỷ đồng trong tháng 4 sang vào ròng +183 tỷ đồng trong tháng 5. Quỹ KIM Growth VN30 tiếp tục ghi nhận dòng vốn vào ròng tích cực với giá trị +310 tỷ trong tháng.
Ngược lại, các quỹ DCVFM VN30 (-564 tỷ), SSIAM VNFIN Lead (-676 tỷ), và Fubon (-773 tỷ) tiếp tục chịu áp lực rút vốn tăng mạnh trong tháng 5.
SSI duy trì quan điểm thận trọng về dòng vốn vào các Quỹ ETF của Việt Nam, tuy nhiên cường độ rút ròng sẽ hạn chế hơn so với giai đoạn Quý 2. Tín hiệu tích cực có thể sẽ bắt đầu xuất hiện khi môi trường vĩ mô (tỷ giá và lãi suất) hay biến động chính trị ổn định hơn. Đặc biệt, Việt Nam có thể được hưởng lợi khi xu hướng chốt lời và tìm kiếm cơ hội đầu tư khác xuất hiện ở thị trường Đài Loan.
Dòng vốn chủ động tiếp tục phân hóa trong tháng 5
Các quỹ chủ động có diễn biến khá phân hóa giữa các Quỹ chỉ đầu tư vào Việt Nam và các Quỹ đầu tư đa quốc gia. Các Quỹ chỉ đầu tư vào Việt Nam rút ròng nhẹ khoảng 50 tỷ đồng và đáng lưu ý một số quỹ đẩy mạnh vào ròng nhẹ trong tháng 5 và các Quỹ đầu tư đa quốc gia tiếp tục rút ròng mạnh trọng tháng 5.
Tính tổng chung, dòng tiền rút khoảng 1500 tỷ đồng trong tháng 5 và đưa tổng mức rút ròng trong 5 tháng đầu năm lên tới hơn 5,5 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 1,2% tổng tài sản Quỹ.
Một điểm đáng lưu ý là khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trong tháng 5 với tổng khối lượng lên đến 19 nghìn tỷ đồng, tập trung ở nhóm ngân hàng và bất động sản. Sự chênh lệch giữa dòng vốn đầu tư và giao dịch khối ngoại đến từ 2 nguyên nhân chính sau: 1) các quỹ chủ động mới chỉ tái cơ cấu danh mục nhưng chưa rút vốn ra khỏi Việt Nam và 2) thống kê có độ trễ (như giai đoạn Quý 2 và Quý 3/2023)
Các rủi ro về lãi suất, tỷ giá và chính trị là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến dòng vốn vào Việt Nam ở giai đoạn hiện tại. Điểm tích cực là kỳ vọng về bản dự thảo lần 2 của thông tư cho phép CTCK triển khai hình thức hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức sẽ sớm được công bố.
Chia sẻ thông tin hữu ích