CPI của Mỹ tăng 9,1% trong tháng 6, cao hơn cả mức Dow Jones ước tính
Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động hôm thứ Tư, người mua sắm đã trả mức giá cao hơn rất nhiều cho nhiều loại hàng hóa trong tháng 6 khi lạm phát tiếp tục kìm hãm nền kinh tế Mỹ đang chậm lại.
Cuộc họp Mỹ công bố số liệu CPI vào ngày 13/07 đã khép lại. Chỉ số CPI đã tăng 9,1% so với năm trước, cao hơn mức 8,8% của Dow Jones ước tính. Điều đó đánh dấu tốc độ lạm phát nhanh nhất kể từ tháng 11 năm 1981.
Nếu loại trừ giá lương thực và năng lượng biến động, thì CPI cốt lõi tăng 5,9%, so với ước tính 5,7%. Lạm phát cơ bản đạt đỉnh 6,5% vào tháng 3 và đã giảm dần kể từ đó.
Trên cơ sở hàng tháng, CPI tiêu đề tăng 1,3% và CPI cốt lõi tăng 0,7%, so với ước tính tương ứng là 1,1% và 0,5%.
Tổng hợp lại, các con số dường như phản bác lại thông tin cho rằng lạm phát có thể đang đạt đến đỉnh điểm, vì mức tăng dựa trên nhiều loại khác nhau.
Số liệu lạm phát mới có thể đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào một vị trí thậm chí còn ngang trái hơn. Các nhà đầu tư giờ đây tin rằng Fed sẽ tăng lãi suất còn mạnh mẽ hơn.
Theo công cụ FedWatch của CME Group vào khoảng 21h40 ngày 13/7 (theo giờ Việt Nam), thị trường đặt cược các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ tăng lãi suất 100 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 7, thay vì 75 điểm như trước đó.
Giá năng lượng tháng 6 tăng 7,5% so với tháng trước đó và nhảy vọt 41,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá lương thực đi lên 1%, trong khi chi phí nhà ở - hiện chiếm khoảng 1/3 chỉ số CPI, tăng 0,6% so với tháng 5 và cao hơn một năm trước 5,6%.
Phần lớn mức tăng của CPI là đến từ giá xăng dầu. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, giá xăng tháng 6 tăng 11,2% so với tháng 5 và cao hơn cùng kỳ năm 2021 xấp xỉ 60%. Giá điện nhích 1,7% so với tháng 5 và tăng 1,6% so với 12 tháng trước.
Ngoài ra, chi phí chăm sóc y tế đi lên 0,7% so với tháng 5. Trong đó, dịch vụ nha khoa tăng 1,9% - mức biến động hàng tháng lớn nhất từng ghi nhận đối với lĩnh vực này kể từ năm 1995.
Giá vé máy bay là một trong số ít hạng mục có sự đi xuống, khi tụt 1,8% so với tháng 5. Dù vậy, giá vé vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 34,1%. Nhóm hàng thịt, gia cầm, cá và trứng cũng giảm 0,4% so với tháng trước nhưng tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhìn chung, giá hàng hoá và dịch vụ tăng trên diện rộng đang tiếp tục gây khó khăn cho người tiêu dùng. Họ phải trả giá cao hơn cho hầu hết mọi thứ, từ vé máy bay, ô tô đã qua sử dụng đến thịt xông khói và trứng.
Đối với người lao động, số liệu lạm phát mới nhất là một cú đánh khác vào túi tiền, vì thu nhập điều chỉnh theo lạm phát (dựa trên thu nhập trung bình hàng giờ) đã giảm 1% so với tháng 5 và 3,6% so với một năm trước.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã phải vật lộn để hạ nhiệt lạm phát. Từ đầu năm đến nay, ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất chuẩn thêm 1,5 điểm %. Dự kiến, Fed sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách cho đến khi lạm phát lùi dần về ngưỡng mục tiêu 2%.
Giới chức Nhà Trắng đổ lỗi việc giá hàng hoá tiêu dùng tăng cao là do Nga tấn công Ukraine, mặc dù áp lực lạm phát đã phình to từ trước chiến sự. Gần đây, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi các chủ trạm xăng hạ giá bán để giúp đỡ người tiêu dùng.
Ngoài ra, chính quyền ông Biden và Đảng Dân chủ cũng cho rằng các doanh nghiệp tham lam đang tận dụng dịch bệnh để làm cái cớ tăng giá hàng hoá. Tuy nhiên, lợi nhuận doanh nghiệp chỉ tăng 1,3% kể từ quý II/2021, thời điểm lạm phát bắt đầu gây chú ý, CNBC cho hay.
Trong một tuyên bố sau báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ, ông Biden nhấn mạnh “giải quyết lạm phát là ưu tiên hàng đầu của tôi”. Ông cũng lặp lại lời kêu gọi các công ty dầu khí hạ giá bán và thúc giục Quốc hội bỏ phiếu cho dự luật mà ông cho là sẽ giúp giảm chi phí của nhiều sản phẩm và dịch vụ.
Mặt khác, có một số lý do để tin rằng lạm phát sẽ dịu bớt trong tháng 7. Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, giá xăng đã giảm từ mức đỉnh hồi giữa tháng 6 xuống còn trung bình 4,64 USD/gallon.
Aladin Finance (Theo CNBC)
Chia sẻ thông tin hữu ích