Ảnh đại diện Vip
Cơn "khát" mua đồ giá rẻ trên Temu
(Bài đăng trên báo Dân Trí)
Đang lướt Facebook thì một món hàng đồ chơi trẻ em đập vào mắt tôi. Đó là một chiếc xe máy xúc điều khiển từ xa, giá chỉ 65.000 đồng. Tim tôi bỗng rộn ràng, từng mảng ký ức tuổi thơ ùa về. Khi còn bé, tôi từng ao ước có một chiếc xe đồ chơi thế này, dù chỉ là chiếc bằng nhựa đơn giản, nhưng mơ ước đó chưa bao giờ thành hiện thực. Còn đây lại là một phiên bản chi tiết, bằng kim loại và điều khiển từ xa, và cái giá thì "rẻ đến mức không thể tin nổi".
Không chần chừ, tôi nhấp vào đường dẫn mua hàng. Để hưởng mức ưu đãi này, tôi phải cài đặt một ứng dụng tên là Temu từ Google Play, và cũng không do dự gì, tôi lập tức cài đặt ứng dụng.
Vừa mở ứng dụng, chiếc xe máy xúc đã nằm gọn trong giỏ hàng, và tôi đã sẵn sàng thanh toán. Thế nhưng, nút thanh toán lại không xuất hiện. Đọc kỹ hướng dẫn, tôi thấy có một điều kiện: Tổng giá trị đơn hàng phải đạt ít nhất 120.000 đồng mới có thể thanh toán. Một chút chần chừ xuất hiện, nhưng tôi lại tự nhủ, đây là "món hời hiếm có".
Thế là tôi bắt đầu dạo quanh tìm thêm món đồ để đủ điều kiện. Nhưng khi xem qua một lượt, tôi nhận ra các sản phẩm khác trên Temu không hề rẻ hơn so với những trang thương mại điện tử khác mà tôi từng mua hàng. Giao diện cũng khá rối, có lẽ vì tôi chưa quen. Sau một vòng tìm kiếm, tôi nhận ra chẳng có món đồ nào thật sự cần thiết.
Việc mua sắm quá đà trở thành một thói quen gây hao tổn tài chính khi những món hàng tích tụ thành gánh nặng tài chính lâu dài (Ảnh minh họa: CV).
Tôi đột nhiên tự hỏi: Tại sao mình lại cần chiếc xe này ngay từ đầu? Con gái tôi còn quá nhỏ, và chiếc xe này chỉ là một quyết định ngẫu hứng không mục đích. Đã vậy, tôi lại còn tính mua thêm món gì đó chỉ để đủ số tiền thanh toán.
Là một chuyên gia tài chính, tôi cảm thấy xấu hổ khi nhận ra mình vừa để cảm xúc nhất thời chi phối. Thoát khỏi ứng dụng, tôi lặng lẽ xóa nó.
Những tưởng câu chuyện dừng lại ở đó, nhưng không. Ngay sau đó, Facebook của tôi tràn ngập những chia sẻ về sản phẩm từ ứng dụng Temu, được bạn bè và người quen đăng tải với những đường dẫn liên kết. Mọi người đều hào hứng khoe về những món đồ giá rẻ đến khó tin, từ mỹ phẩm đến đồ gia dụng, và rất nhiều sản phẩm được quảng cáo với giá "không tưởng".
Cứ mỗi lần ai đó nhấp vào đường dẫn mua hàng, cả người chia sẻ và ứng dụng lại đều được hưởng lợi. Trong đầu tôi bỗng hiện lên một câu hỏi: Liệu đây có phải là một cơ hội tốt, hay chỉ là một "cạm bẫy tài chính", một lời mời gọi bước vào vòng xoáy tiêu dùng không hồi kết mà mọi người không dễ thoát ra?
Các nền tảng thương mại điện tử bán hàng giá rẻ dường như nắm rõ cách khơi gợi cảm giác "phải mua ngay" trong lòng người tiêu dùng. Những sản phẩm với giá "không tưởng" cùng các ưu đãi liên tục khiến chúng ta cảm thấy như thể nếu không mua ngay thì sẽ bỏ lỡ một cơ hội "hiếm có".
Chính sách tiếp thị liên kết càng làm tăng tính lan tỏa khi nhiều người chia sẻ để nhận hoa hồng. Bức tranh ấy thật hấp dẫn, nhưng đằng sau đó có phải là những "cái giá" khác mà chúng ta chưa nhìn thấy?
Không riêng Việt Nam, các thị trường tiêu dùng khó tính như Mỹ, châu Âu… cũng bị tràn ngập bởi một số nền tảng thương mại điện tử như Temu, Shein… thông qua giá cả hấp dẫn và chiến lược marketing vô cùng tinh vi. Những món đồ "siêu rẻ" trở thành mồi nhử, khiến người tiêu dùng dễ dàng đưa ra quyết định mua hàng, mà không đắn đo rủi ro ẩn sau mỗi ưu đãi.
Để duy trì mức giá rẻ ấy, một nền tảng thương mại điện tử phải xây dựng mô hình kinh doanh tinh gọn, cắt giảm tối đa chi phí, đồng thời khuyến mãi sâu… Nhưng những món hàng này, tuy giá rẻ, lại thường không có thương hiệu rõ ràng.
Những chiêu thức bán hàng như ưu đãi "số lượng có hạn," "giảm giá lên đến 90% chỉ trong vài giờ" tạo ra cảm giác khan hiếm, kích thích tâm lý sợ bỏ lỡ (Fomo), khiến chúng ta không kịp suy nghĩ kỹ và dễ dàng hành động một cách bồng bột. Đây là lý do nhiều khi quyết định mua sắm của chúng ta diễn ra trong vô thức, không hoàn toàn nhận thức được điều gì đang thúc đẩy mình hành động.
Không chỉ vậy, nền tảng thương mại điện tử còn tận dụng "bằng chứng xã hội" (Social proof) thông qua hệ thống tiếp thị liên kết. Thấy bạn bè, người quen chia sẻ, chúng ta dễ dàng bị ảnh hưởng và nghĩ rằng sản phẩm này đáng tin cậy. Chỉ trong thời gian ngắn, Temu đã thành công trong việc dùng chính những người dùng mạng xã hội để xây dựng lòng tin cho thương hiệu còn non trẻ của mình ở thị trường Việt.
Các đợt quảng cáo, các bài đăng từ người ảnh hưởng, những ưu đãi tràn ngập trên mạng xã hội khiến chúng ta khó lòng cưỡng lại. Những ai không có kế hoạch tài chính rõ ràng dễ dàng bị cuốn vào vòng xoáy mua sắm không hồi kết. Cái lợi trước mắt từ giá rẻ ban đầu dần trở thành gánh nặng tài chính lâu dài, khi người tiêu dùng nhận ra mình mua sắm quá mức cho những thứ không cần thiết.
Nguy hiểm hơn, thói quen này dần trở thành một cách để lấp đầy những cảm xúc tiêu cực. Trong thế giới số hóa hiện nay, mua sắm không chỉ là một hành động sở hữu mà còn là một hành trình tâm lý.
Nhiều người tìm đến mua sắm như một liệu pháp tạm thời để xoa dịu nỗi buồn, sự lo âu hay căng thẳng. Khi cuộc sống có những vấn đề khó khăn, thay vì đối mặt và giải quyết, người ta dễ tìm cách lãng quên bằng cách mua sắm. Nhưng, cảm giác thỏa mãn ngắn ngủi khi mua hàng không giải quyết được vấn đề, mà còn để lại sự trống rỗng và tiếc nuối, đưa chúng ta vào vòng lặp tiêu cực.
Lâu dần, việc mua sắm quá đà trở thành một thói quen gây hao tổn tài chính khi những món hàng giá rẻ ban đầu tích tụ thành gánh nặng tài chính lâu dài.
Khi người tiêu dùng nhận ra mình mua sắm quá mức cho những thứ không cần thiết và gây ra những gánh nặng như nợ thẻ tín dụng, phải vay mượn từ bạn bè hay người thân để chi tiêu. Cùng với đó, sức khỏe tinh thần suy yếu khi nỗi xấu hổ, cảm giác cô đơn và buồn bã ngày càng gia tăng. Mối quan hệ với gia đình, bạn bè cũng dần rạn nứt khi người mua sắm mất đi sự gắn kết, giấu giếm các khoản chi tiêu, dẫn đến tình trạng lo âu, căng thẳng và đôi khi là trầm cảm.
Ở góc độ vĩ mô, sự xuất hiện của các nền tảng thương mại điện tử giúp tăng tính cạnh tranh trên thị trường, người tiêu dùng có thêm lựa chọn. Chúng ta không tiếp cận theo hướng cực đoan với các nền tảng này. Nhưng ở góc độ cá nhân, lâu nay chúng ta vẫn thường nói với nhau rằng "hãy là người tiêu dùng thông minh", vì vậy mỗi người cần tỉnh táo hơn trong quản lý chi tiêu.
Hãy đặt ra giới hạn ngân sách rõ ràng và nghiêm túc tuân thủ, tránh lưu thông tin thẻ tín dụng trên các ứng dụng mua sắm để qua đó giảm sự tiện lợi khi mua sắm. Đừng quên dành ra "khoảng chờ" trước mỗi quyết định mua hàng. Hủy đăng ký email quảng cáo và giới hạn theo dõi các tài khoản quảng bá cũng là cách để giảm cám dỗ.
Trước khi nhấn nút "mua ngay," hãy nghĩ kỹ xem liệu món đồ ấy có thật sự cần thiết hay chỉ là cảm xúc nhất thời. Nó có thực rẻ như chúng ta nghĩ không? Và rẻ để được gì?
Khi tôi bắt đầu mua sắm cho con người thật của mình, thay vì cho phiên bản lý tưởng trong trí tưởng tượng, tôi nhận thấy một sự thay đổi tích cực trong thói quen mua sắm trực tuyến. Thay vì săn tìm những món đồ chỉ để thỏa mãn cảm giác muốn "sống khác," tôi bắt đầu tập trung vào những gì thực sự cần thiết và phù hợp với cuộc sống hiện tại của mình. Từng giao dịch trở nên có ý nghĩa hơn, không còn là cách để lấp đầy một hình ảnh hay kỳ vọng về bản thân mà chính là để phục vụ nhu cầu thực tế, giúp tôi tiết kiệm thời gian, tiền bạc và tâm trí.
Sự xuất hiện của Temu và các kênh bán hàng trực tuyến khác có thể mang lại nhiều cơ hội, nhưng đừng để "món hời" làm ta mất đi sự tỉnh táo. Mua sắm là một phần của cuộc sống hiện đại, nhưng không phải tất cả những gì ta thấy đều là cần thiết, và không phải mọi cảm giác hài lòng đều đáng để theo đuổi.
Hãy là người mua sắm thông minh và có trách nhiệm với chính mình. Đừng để những lần "click chuột" dẫn đến nợ nần và những hệ lụy tâm lý không đáng có. Thế giới mua sắm vẫn đầy những cơ hội, nhưng thứ quý giá hơn vẫn là sự tự chủ và sự tỉnh thức trong từng quyết định tài chính của mỗi chúng ta.
Nhà đầu tư lưu ý
3 Yêu thích
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ