Ảnh đại diện
Cổ phiếu thủy sản qua cơn bĩ cực
Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng trở lại, giá cước vận tải giảm giúp lợi nhuận của công ty thủy sản phục hồi.
Qua cơn bĩ cực
2020 - 2021 có thể xem là giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây của các doanh nghiệp chế biến thủy sản. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lan rộng trên toàn cầu khiến nhu cầu của khách hàng sụt giảm. Thống kê đến giữa năm 2020, số đơn đặt hàng của nhiều doanh nghiệp giảm từ 35 - 50%. Sức cầu giảm trong khi các nhà sản xuất đẩy mạnh xuất khẩu để giải phóng tồn kho càng làm cho giá bán rơi xuống thấp, tỷ suất lợi nhuận gộp sụt giảm.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2020. Nguồn: Tổng cục Hải Quan.
Bên cạnh khó khăn về sức cầu, các công ty chế biến thủy sản của Việt Nam còn chịu nhiều rào cản liên quan đến chính sách bảo hộ tại các thị trường xuất khẩu, nhất là các vụ kiện và áp thuế chống bán phá giá.
Tại thị trường Trung Quốc, việc thắt chặt kiểm soát hải sản nhập khẩu bắt đầu từ đầu tháng 11/2020 đã gây ách tắc tại các cảng biển, thời gian thông quan theo chính sách mới mất thêm 20 - 30 ngày, gây áp lực cho việc giao hàng và tăng chi phí cho container lạnh.
Bước sang năm 2021, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi các đợt lây lan dịch bệnh phức tạp hơn đã khiến nhiều địa phương phải áp dụng nhiều biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, đặc biệt là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu.
Tình hình càng khó khăn hơn khi gián đoạn chuỗi cung ứng do dịch bệnh và một số sự cố cục bộ khiến giá cước vận tải tăng đột biến, thiếu container rỗng, kéo theo chi phí lưu kho, bãi đậu gia tăng. Giá thuê một container vận tải biển vào tháng 1/2020 từ châu Á đến một cảng ở Mỹ khoảng 2.700 USD đã vọt lên 17.000 USD vào tháng 9/2021.
Riêng quý III/2021, Công ty cổ phần Nam Việt (mã ANV) đã báo lỗ hơn 13 tỷ đồng. Công ty cổ phần Thủy sản Cửu Long An Giang (mã ACL) báo lãi giảm 61% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) cũng giảm 9,5%, còn Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (mã ABT) báo lãi giảm 55%…
Tuy vậy, bước sang quý IV/2021, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đứng trước triển vọng hồi phục khi mà các điều kiện sản xuất - kinh doanh “dễ thở” hơn.
Tới hồi thái lai
Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản tháng 10/2021 ước đạt 918 triệu USD, tăng 47% so với tháng trước và gần tương đương cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tăng 31%, sang EU tăng 9%, sang Hàn Quốc tăng 20%, sang Canada tăng 17%.
Như vậy, sau khi sụt giảm do giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, xuất khẩu đã phục hồi nhờ các địa phương mở cửa trở lại.
Bản tin tóm tắt hoạt động của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết, trong tháng 10/2021, Công ty đã sản xuất tôm thành phẩm là 2.507 tấn, tăng 18% so với cùng kỳ 2020, doanh số tiêu thụ đạt 23,9 triệu USD, tăng 5%, ghi nhận tháng tăng trưởng thứ 2 liên tiếp sau khi sụt giảm do chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bản tin của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) cũng cho biết, doanh thu xuất khẩu tháng 10 đã đạt 780 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước và tăng 19% so với tháng trước. Thị trường Mỹ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng ở mức 95% so với cùng kỳ năm trước và tăng 37% so với tháng trước. Lũy kế 10 tháng, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu 6.899 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh sức cầu hồi phục, Vĩnh Hoàn còn hưởng lợi từ việc vào tháng 6/2021, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 16 (POR16) đối với cá tra - basa của Việt Nam.
Trong đó, DOC xác định mức thuế chống bán phá giá đối với Vĩnh Hoàn và Nam Việt trong đợt rà soát này là 0 USD/kg, giúp tăng lợi thế cạnh tranh cho VHC khi một doanh nghiệp khác là Biển Đông bị áp thuế 2,39 USD/kg sau nhiều năm liền hưởng thuế 0%. Còn với ANV là mở rộng cửa để phát triển thị trường này.
Cũng hưởng lợi từ chính sách thuế, vào tháng 2/2021, Thủy sản Minh Phú (mã MPC) cũng nhận được quyết định từ Cơ quan Hải quan Mỹ (CBP) hủy bỏ quyết định áp thuế chống phá giá với tôm Ấn Độ lên sản phẩm tôm xuất khẩu từ Minh Phú vào Mỹ. Qua đó, Minh Phú tiếp tục được xuất khẩu tôm đông lạnh vào Mỹ mà không phải chịu thêm thuế chống phá giá, đồng thời được hoàn lại các khoản thuế chống phá giá đã phải tạm nộp.
Tại thị trường châu Âu, Minh Phú cũng đang được hưởng lợi từ việc giảm thuế theo các cam kết của Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU (EVFTA). Theo đó, sau khi thuế nhập khẩu tôm đông lạnh của Việt Nam vào EU giảm ngay từ mức 4,2% về 0% từ ngày 1/8/2020, thuế nhập khẩu tôm chế biến giảm dần từ 7% về 0% trong 7 năm tiếp theo. Trong khi đó, thuế nhập khẩu của các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia,
Thái Lan vẫn duy trì ở mức từ 4 - 20% tùy quốc gia, điều này cũng giúp Minh Phú có khả năng cạnh tranh tốt hơn về giá bán.
Trong khi giá trị xuất khẩu phục hồi tăng trưởng thì từ tuần đầu tháng 10/2021 đến nay, giá cước vận tải trên nhiều tuyến quốc tế đã hạ nhiệt sau giai đoạn tăng nóng. Chỉ số cước phí, bao gồm cước vận tải các loại tàu đến giữa tháng 11/2021 giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021.
Trên tuyến xuyên Thái Bình Dương, cước vận chuyển container đã giảm 50% từ tháng 9 đến giữa tháng 11/2021. Xu hướng giảm được dự báo sẽ còn tiếp tục khi các chuỗi cung ứng từng bước được nối lại, giúp giảm áp lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Trong báo cáo triển vọng ngành xuất khẩu tháng 10/2021, Bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cập nhật giá cá tra và giá tôm đã có tín hiệu tạo đáy và dần hồi phục sau chu kỳ giảm; trong đó, giá cá tra đang có xu hướng phục hồi sớm hơn và mạnh mẽ hơn so với giá tôm, bởi nhu cầu đơn hàng rất lớn, đặc biệt là từ thị trường châu Mỹ.
Giá cổ phiếu thủy sản lập đỉnh mới
Những chuyển động tích cực trong hoạt động kinh doanh đã giúp nhóm cổ phiếu thủy sản có sóng tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Giữa tháng 11/2021, thị giá cổ phiếu của “nữ hoàng cá tra” VHC đã vượt qua mức 65.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 75% chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng. Thị giá cổ phiếu của “vua tôm” MPC cũng tiến sát vùng 50.000 đồng/cổ phiếu, tăng 26% chỉ sau hơn 1 tháng và tăng hơn 70% so với đầu năm.
Thị giá một loạt cổ phiếu thủy sản khác như IDI, ANV, CMX, FMC cũng tăng giá hàng chục phần trăm chỉ trong thời gian ngắn. Đợt tăng giá này đã đưa thị giá VHC, ANV, IDI, FMC vượt qua các đỉnh giá từ khi niêm yết .
Bên cạnh bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến tích cực với mức tăng cả về thị giá và thanh khoản, việc những khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh từng bước được giải quyết đang là điểm tựa cho sự bứt phá của các cổ phiếu thủy sản.
Giai đoạn vừa qua, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã tập trung phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư mở rộng thêm chuỗi giá trị, theo mô hình sản xuất khép kín từ lai tạo giống, sản xuất thức ăn, thực hiện nuôi đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, phụ phẩm.
Chẳng hạn, với ANV, đến cuối năm 2020, trang trại Bình Phú đã hoàn thành 229 ao cá thịt, 64 ao cá giống. Công ty đã đầu tư được 3 hệ thống sông trong ao có mái che nhà màng để sản xuất cá tra giống.
VHC đã đầu tư xây dựng trại cá giống, mở rộng dây chuyền sản xuất Nhà máy Collagen và xây dựng nhà máy tinh luyện dầu cá, tăng vốn xây dựng và cải tạo các vùng nuôi. MPC phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao và đưa vào vận hành tại vùng nuôi Minh Phú Kiên Giang và Minh Phú Lộc An, mở rộng mạng lưới liên kết và cung ứng tôm.
Hay FMC đã nâng diện tích vùng nuôi từ 270 ha lên 370 ha trong năm 2021 và 2 nhà máy mới, gồm Thủy sản Sao Ta công suất 15.000 tấn/năm và Nhà máy chế biến tôm Tam An công suất 5.000 tấn/năm kỳ vọng đưa vào hoạt động từ giữa năm 2022.
Đây sẽ là nền tảng quan trọng giúp quá trình phục hồi của các doanh nghiệp bền vững hơn và hướng tới các kết quả kinh doanh cao hơn cả trước khi dịch bệnh bùng phát.
Với IDI, doanh nghiệp này hiện có hơn 400 ha ao nuôi chủ động và hợp tác với nông dân nuôi gia công cho IDI, Công ty chủ động sản xuất con giống và tự chủ động thức ăn chăn nuôi.
Ngoài ra, với nguồn lực tài chính mạnh, Công ty còn tích trữ được 1.400 tỷ đồng cá tra giá rẻ trong giai đoạn giãn cách xã hội ở thời điểm giá cá dưới 17.000 đồng/kg, nay giá cá tăng lên 23.000 đồng/kg và có những hợp đồng tương lai lên tới 28.000 đồng/kg. Như vậy, Công ty hưởng lợi khi giá bán tăng mạnh vào cuối năm.
Bước chuyển biến mạnh của IDI ở chỗ trước đây công ty này xuất cá thô (bỏ đầu) nay đã xuất khẩu dạng phi lê (tương tự Vĩnh Hoàn), phụ phẩm như đầu, xương cá… được dùng chế biến thức ăn cho cá ở chính nhà máy trong hệ sinh thái. Nhờ vậy, biên lợi nhuận ròng của doanh nghiệp có thể lên tới 12%.
Tác động của dịch bệnh còn đem đến thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn, có nền tảng tài chính mạnh khi các doanh nghiệp nhỏ gặp nhiều khó khăn, cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất, thậm chí không thể phục hồi và phải rút lui khỏi ngành. Đơn cử, số liệu từ VASEP cho thấy gần 70% doanh nghiệp cá tra nhỏ đã dừng hoạt động. Điều này hạn chế tình trạng cạnh tranh bằng giá mang tính chất “huỷ diệt” như trước kia.
Nhà đầu tư lưu ý
2 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ