Ảnh đại diện
Tiền mã hóa nên được xem là kho lưu trữ giá trị hơn là tiền tệ. Ông Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban Chứng  ...
Tiền mã hóa nên được xem là kho lưu trữ giá trị hơn là tiền tệ
Ông Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC), cho rằng khả năng Bitcoin (BTC) hoặc các loại tiền mã hóa khác được sử dụng rộng rãi như một phương tiện thanh toán là rất thấp. Thay vào đó, ông nghĩ chúng nên được coi như một "kho lưu trữ giá trị" hơn là tiền tệ.
Trong một sự kiện tại Trường Luật Đại học New York (NYU), ông Gensler đã trả lời câu hỏi về giá trị của tiền mã hóa khi nó được tạo ra nhằm tách khỏi sự kiểm soát của chính phủ. Ông nói SEC "không thiên vị" và công chúng đầu tư sẽ quyết định liệu có giá trị thực sự nào cho mỗi loại tiền mã hóa thông qua việc công bố thông tin không.
Ông Gensler phân trần:
“Tiền tệ và hệ thống tài chính đã tồn tại từ thời cổ đại, từ thời Plato và Aristotle, kéo dài suốt 3.000 năm lịch sử. Hàng trăm quốc gia lớn, hàng ngàn dân tộc thường chỉ có một loại tiền tệ chính thức cho mỗi nền kinh tế. Thậm chí, việc sử dụng hệ thống tiền tệ kép (bimetallism) cũng không phổ biến.”
Gensler trích dẫn "Luật Gresham" - một nguyên tắc tiền tệ từ thế kỷ 19, nêu rõ "tiền xấu sẽ đẩy tiền tốt ra khỏi lưu thông", ám chỉ rằng các quốc gia thường chỉ muốn có một loại tiền tệ. Một đơn vị tiền tệ duy nhất đóng vai trò là một kho lưu trữ giá trị, phương tiện trao đổi, và đơn vị tính toán - tất cả đều có lợi thế về kinh tế nhờ mạng lưới sử dụng.
Cuối cùng, ông kết luận khả năng tiền mã hóa trở thành tiền tệ thực sự là rất thấp. Để chứng minh giá trị của mình, crypto cần phải dựa vào việc công bố thông tin và cách mà nó được sử dụng, giống như việc lựa chọn chứng khoán trên các sàn giao dịch.
Trong thảo luận với Giáo sư NYU Robert Jackson, Gary Gensler đã bảo vệ lập trường của ủy ban trong việc mạnh tay chống lại các công ty tiền mã hóa. Theo Chủ tịch SEC, cần có sự giám sát để đảm bảo luật pháp được tuân thủ, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, nơi con người thường có xu hướng vượt quá giới hạn cho phép. Các hành động pháp lý là cần thiết để “uốn nắn” mọi người theo khuôn khổ luật pháp.
Gensler một lần nữa đề cập đến vấn nạn gian lận trong lĩnh vực tiền mã hóa, đặc biệt gợi nhắc những nhân vật crypto đầy tai tiếng đang bị giam giữ hoặc chờ dẫn độ trong năm 2024.
Do đó, Chủ tịch SEC cho rằng không cần thiết phải có khung pháp lý mới ngoài quy định sẵn có từ phán quyết của Tòa án Tối cao năm 1940: Bài test Howey.
Kết lời, Gensler từ chối bình luận về cuộc bầu cử tổng thống sắp tới có thể ảnh hưởng như thế nào đến SEC hoặc liệu ông có từ chức nếu cựu Tổng thống Trump tái đắc cử hay không.
Tại Hội nghị Bitcoin 2024 hồi tháng 7, ông Trump đã tuyên bố sẽ sa thải Gensler nếu giành được chính quyền lần thứ hai. Theo Politico, Dan Gallagher, Giám đốc Pháp lý của Robinhood, là ứng viên sáng giá cho vị trí Chủ tịch SEC nếu Trump thắng lợi trong cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới.
Cựu Ủy viên SEC, Michael Piwowar, nhận định rằng nếu có Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán mới, người này có thể xem xét lại các quy định hiện hành, bao gồm cả những quy định ảnh hưởng đến ngành tiền mã hóa, và quyết định có tiếp tục hay không, song sẽ cần sự đồng tình của các ủy viên khác.
Đường lối quản trị crypto của SEC là “thảm họa”
Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ đã gây khó khăn cho ngành tiền mã hóa trong một thời gian dài, và một trong những ủy viên của SEC cũng không ngần ngại chỉ trích điều này đang gây tổn hại đến toàn bộ lĩnh vực.
Ủy viên Mark Uyeda của SEC (thuộc Đảng Cộng hòa) phát biểu trên chương trình "Mornings with Maria" của đài Fox Business rằng:
"Tôi nghĩ chính sách và cách tiếp cận của chúng ta trong vài năm qua thực sự là thảm họa cho toàn bộ ngành này. Chúng ta đã áp dụng chính sách thông qua việc thực thi mà không cung cấp bất kỳ hướng dẫn cụ thể nào. Kết quả là các tòa án đã phải can thiệp, và các phán quyết từ các tòa khác nhau cũng không đồng nhất."
Ông Uyeda nhấn mạnh sự thất vọng đến từ việc SEC không cung cấp hướng dẫn rõ ràng về những gì có thể và không thể làm, cũng như cách đăng ký và điều chỉnh hoạt động môi giới và giao dịch tài sản số. Theo vị ủy viên, không thể bắt đầu bất kỳ cuộc thảo luận nào nếu không xác định rõ ranh giới giữa các tài sản nằm trong hay ngoài phạm vi điều chỉnh của luật chứng khoán.
Phát biểu này được đưa ra sau một ngày SEC gửi cảnh cáo Well Notices và bị sàn Crypto.com kiện ngược. Nền tảng giao dịch tuyên bố SEC đã vượt quá thẩm quyền của mình và phản đối luận điệu chứng khoán. Trước đó, SEC đã liên tục tạo ra cuộc chiến pháp lý kéo dài với các gã khổng lồ Coinbase, Binance, Kraken, Ripple…
Chủ tịch SEC luôn cáo buộc hầu hết tiền mã hóa nên được phân loại là chứng khoán và kêu gọi các nền tảng crypto đăng ký với SEC. Ở chiều ngược lại, các công ty tiền mã hóa phản đối và cho rằng khung pháp lý hiện hành đã không phù hợp với tài sản kỹ thuật số.
Song, trên đây không phải là lần đầu tiên Chủ tịch SEC bị chỉ trích vì lập trường quá nghiêm ngặt và có phần cực đoan của ông. Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Emmer từng gọi Gensler là Chủ tịch SEC phá hoại và vô luật pháp nhất trong lịch sử 90 năm của cơ quan. Thậm chí một số nghị sĩ Mỹ còn kêu gọi cải cách SEC và phế truất Gensler khỏi vị trí chủ tịch.
Trong diễn biến mới nhất, Ủy ban Chứng khoán Mỹ vừa khởi kiện thêm Cumberland DRW LLC, một đơn vị tạo lập thị trường (market maker) nổi tiếng trong ngành tiền mã hóa, với cáo buộc là trung gian giao dịch 2 tỷ USD crypto bị xem là chứng khoán.
Nhà đầu tư lưu ý
Mã chứng khoán liên quan bài viết
98,186.50 +1,512 (+1.56%)
3,306.04 -36.87 (-1.10%)
prev
next
2 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ