menu
24hmoney

Bài của Anh Le

CEO Group: Loạt dự án chậm tiến độ
Tình hình kinh doanh của CEO Group ra sao?
Từ Đại hội cổ đông 2023 lần 1 tổ chức bất thành dù từng không có chỗ cho cổ đông ngồi năm trước, loạt dự án tại Hà Nội bị “nhắc tên” vì chậm tiến độ, cổ phiếu lao dốc từ đỉnh cho đến động thái tăng vốn “khủng”, từng là một cái tên đình đám, giới đầu tư đang đặt ra câu hỏi lớn về những kế hoạch kinh doanh của CEO Group.
Tham vọng tăng vốn
Kể từ sau Đại hội cổ đông 2023 với phát ngôn gây chú ý:"Tôi nắm giữ hơn 27% số cổ phần Công ty, trong lịch sử nắm giữ, tôi chỉ mua vào chứ chưa từng bán ra", mới đây ông Đoàn Văn Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO đã đăng ký thực hiện quyền mua 26,59 triệu cổ phiếu. Đồng thời, ông Bình thực hiện chuyển nhượng 42,5 triệu cổ phiếu trong tổng số 69,09 triệu cổ phiếu CEO được quyền mua trong đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu của công ty.
Toàn bộ số cổ phiếu ông Bình đăng ký chuyển nhượng cho một doanh nghiệp có tên Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Trường Thuận vừa được thành lập vào ngày 9/8, vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Trường Thuận do bà Đỗ Phương Anh - vợ ông Đoàn Văn Bình làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Theo kế hoạch, Tập đoàn CEO sẽ chào bán tổng cộng hơn 257,3 triệu cổ phiếu ra công chúng, trong đó phát hành cho cán bộ công nhân viên theo chương trình ESOP hơn 5,1 triệu cổ phiếu và phát hành cho cổ đông hiện hữu trên 252,1 cổ phiếu, giá chào bán 10.000 đồng/cp, thấp hơn 60% so với thị giá cổ phiếu CEO chốt phiên 17/8 là 25.100 đồng/cp.
Hiện ông Bình đang nắm giữ 70,5 triệu cổ phiếu CEO, tương đương 27,4% tổng số cổ phần của công ty. Được biết, ông Bình cũng là cổ đông lớn và duy nhất của Tập đoàn này với mức sở hữu 27,4% vốn.
Vào thời điểm cuối 2021 - đầu 2022, cổ phiếu CEO tăng phi mã, có thời điểm vượt mức 100.000đồng/cổ phiếu, mặc dù báo cáo tài chính kinh doanh cho thấy không mấy khả quan. Sau giai đoạn này, cổ phiếu CEO lao dốc, mất hơn 90% thị giá so với mức đỉnh. Trong quý II/2023, cổ phiếu này đi ngang trong biên độ hẹp. Việc cổ phiếu CEO phi nước đại khiến giới đầu tư nghi ngại nhiều nhiều rủi ro bởi thị giá vượt quá giá trị thực của doanh nghiệp, bị thổi phồng từ dòng tiền đầu cơ.
Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý 2, Tập đoàn CEO đạt doanh thu thuần hơn 331 tỷ đồng, giảm 22% và lãi ròng gần 48 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp cho biết, lợi nhuận quý II tăng là do tổng chi phí trong kỳ báo cáo được tiết giảm.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng kinh doanh bất động sản đạt 239 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ 2022; mảng cung cấp dịch vụ đạt hơn 92 tỷ đồng, giảm 29%.
Lũy kế nửa đầu năm 2023, CEO ghi nhận doanh thu hợp nhất gần 690 tỷ đồng, giảm 4% và lãi ròng đạt hơn 76 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. So với kế hoạch doanh thu 3.000 tỷ và lãi sau thuế 315 tỷ đồng, công ty mới thực hiện được 23% của cả hai chỉ tiêu.
Nhiều dự án chậm tiến độ
CEO Group cho biết, việc phát hành cổ phiếu nhằm đầu tư dự án khu biệt thự cao cấp Sonasea Residence, tăng vốn cho các công ty con và bổ sung vốn lưu động, sau 3 năm vừa qua kinh doanh sa sút. Hiện doanh nghiệp có khoảng 15 dự án với quỹ đất hơn 1.000 ha. Đến nay mới khai thác được khoảng 260 ha.
Dù góp mặt tại danh mục dự án khá lớn, nhưng nhiều dự án chưa xác định được ngày khởi công như: Seven Star (lô D27 khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội), CEO Group liên danh với Tập đoàn Bảo Việt và Tổng công ty Sông Đà Thăng Long, River Silk City (Hà Nam), Sonasea Premier Nha Trang, CEOHomes Hana Garden và Sonasea Residences... đều đang trong trạng thái chờ thủ tục pháp lý.
Tháng 7 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ra loạt văn bản yêu cầu kiểm tra, rà soát, xử lý do chậm tiến độ triển khai tại một loạt dự án của Tập đoàn CEO. Có thể kể đến dự án Sunny Garden City tại huyện Quốc Oai, CEO chậm tiến độ thực hiện dự án tại 3 ô đất, trong đó có 2 ô đất quy hoạch là trường tiểu học và trường mầm non.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, rà soát tham mưu UBND Thành phố xem xét tháo gỡ thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với Dự án Khu đô thị mới CEO Mê Linh.
Về dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City, dự án trọng điểm của CEO tại Quảng Ninh, nhiều nhà đầu tư lo ngại trước thông tin dự án thành phần giai đoạn 2-3 đã bị tỉnh Quảng Ninh thu hồi. Lãnh đạo CEO Group cho biết, việc Quảng Ninh thu hồi giai đoạn 2-3 của dự án là để tập đoàn hoàn thiện lại các thủ tục cần thiết, do quy hoạch 1/500 của Vân Đồn có sau quy hoạch của dự án Sonasea Vân Đồn Harbor nên cần phải điều chỉnh.
Nhà đầu tư lưu ý
2 Yêu thích
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ