Câu chuyện hậu Silicon Valley Bank (SVB)
Việc Silicon Valley Bank (SVB) phá sản có lẽ đã phần nào phai nhạt đi trong kí ức của mọi người sau 1 tháng vừa qua, ít nhất thì là đối với thị trường chứng khoán và crypto. Kể từ sau khi SVB sụp đổ, chỉ số S&P500 đã tăng khoảng 10% và Bitcoin thậm chí tăng tận 50%, trở về khu vực giá $30,000, cao nhất kể từ hồi tháng 5 năm ngoái. Nếu chỉ nhìn vào giá của thị trường chứng khoán hay crypto thì có thể thấy rằng rất nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng chuyện tồi tệ nhất đã đi qua và đang chuẩn bị để bước vào một chu kì bull run mới. Mặc dù phải công nhận là chuyện gì cũng có thể xảy ra, những dự liệu gần đây chưa hề cho thấy rằng nền kinh tế đã tạo đáy và bắt đầu hồi phục, mà ngược lại vẫn còn trên đà xuống.
Như mình đã nói ở bài trước, sau khi SVB phá sản, nhận thức về rủi ro đã thay đổi 180 độ. Thị trường Fed Fund Futures, TPCP Mỹ, hay là Eurodollar Futures đã liên tục phản ảnh lãi suất thấp hơn do lo sợ rằng SVB sẽ là ngòi nổ một sự sụp đổ của các ngân hàng mang tính hệ thống. Điều này đã gây rất nhiều áp lực lên FED và ngay lập tức họ đã phải phù phép ra một chính sách mới gọi là Bank Term Funding Program (BTFP) để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường. Không chỉ vậy, một tuần sau đó Fed đã thông báo sẽ hỗ trợ thanh khoản USD toàn cầu cho 5 NHTW đồng minh khác bằng việc mở thêm swap line. Nếu nhìn vào bảng kế toán của FED thì có thể thấy rằng đã c0.ó rất nhiều tổ chức tài chính, hay thậm chí là quốc gia, do gặp khó khăn trong việc tìm nguồn thanh khoản đã tìm tới sự hỗ trợ của FED qua các công cụ như là BTFP, Primary Credit, hay là FIMA Repo. Tuy là con số này đã bắt đầu giảm, việc chúng vẫn còn được sử dụng chứng tỏ rằng vấn đề thanh khoản trên thị trường vẫn còn nhiều nút thắt chưa được tháo gỡ.
Ngay sau Silicon Valley Bank, một ngân hàng khác là Signature Bank cũng chịu chung số phận khi đã phá sản trước một cuộc bank run. Mặc dù là số ngân hàng phá sản mới chỉ dừng lại ở con số hai (ba nếu như bạn tính Credit Suisse, mặc dù ngân hàng này phá sản không hoàn toàn là do chạy ngân hàng), hậu quả mà SVB để lại đã gây ra rất nhiều khó khăn cho hệ thống ngân hàng, đặc biệt là ở các ngân hàng khu vực (regional bank) hay ngân hàng cộng đồng (community bank). Số tiền gửi (bank deposits) ở các ngân hàng này đã đang và sẽ tiếp tục chạy đi tìm lãi suất cao hơn ở các Money Market Funds (MMF) hay là tìm sự đảm bảo hơn ở các ngân hàng lớn mà được coi là GSIB (Global Systemically Important Banks), đơn giản chỉ vì chính phủ sẽ không để những ngân hàng lớn (too big to fail) này phá sản giống như SVB hay Signature Bank. Sự biến mất của tiền gửi sẽ có ảnh hưởng lớn tới hoạt động cho vay đã và đang thắt chặt của ngân hàng sẽ càng thắt chặt hơn nữa, đặc biệt là khi mà rất nhiều hoạt động cho vay ở Mỹ tới từ các ngân hàng ngoài top 10. Dữ liệu FED mới công bố mới đây, trong hai tuần cuối của tháng 3, hoạt động cho vay của ngân hàng giảm kỉ lục ở khoảng 105 tỷ USD.
Nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung đang dần rơi vào khủng hoảng (ở một vài con số thì đã đang ở giai đoạn khủng hoảng rồi) và việc xảy ra ở hệ thống ngân hàng sẽ chỉ càng đổ thêm dầu vào lửa. Mặc dù vậy thì FED vẫn quyết định tăng lãi suất ở cuộc họp tháng 3 vừa rồi và khả năng cao là sẽ tăng thêm một lần nữa ở cuộc họp tháng 5 sắp tới và giữ lãi suất cao ở đây, nếu từ bây giờ đến tháng 5 không có thêm vụ nổ vào nữa. Cho đến khi tất cả dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu về việc làm, xác nhận rằng cuộc khủng hoảng đã ở đây, thị trường chứng khoán hay crypto có thể tiếp tục tăng với việc FED đã tới gần mục tiêu lãi suất và sẽ dừng lại. Tuy nhiên mình nghĩ triển vọng tăng bây giờ là khá hạn chế, trong khi rủi ro sụt giá gần như là vô hạn.
Chia sẻ thông tin hữu ích